Dân Việt

Loại gạo đặc sản đọc tên hơi đau mồm này, dân một xã của Lào Cai hễ có đến đâu bán hết veo đến đó

Mùa Xuân 07/10/2024 13:43 GMT+7
Gạo Séng Cù là loại gạo tẻ được bà con nông dân xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sản xuất từ nhiều năm nay. Gạo Séng Cù khi nấu thành cơm rất ngon, dẻo và thơm, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Dẻo, thơm gạo Séng Cù Mường Vi (Lào Cai) - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa Séng Cù chín vàng bao quanh bản làng bình yên ở xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phạm Bằng.

Chúng tôi có dịp trở lại xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đúng vào dịp bà con nông dân đang thu hoạch vụ lúa Séng Cù. Những cánh đồng lúa Séng Cù Mường Vi trải dài vàng óng, bông lúa trĩu nặng, hạt nào hạt nấy chắc, mẩy, bóng đẹp, có hương thơm toả khắp vùng.

Ông Hoàng Văn Văn, thôn Na Ản, xã Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai) kể: Lúa Séng Cù đã được bà con chúng tôi gieo cấy được gần 30 năm nay rồi. Đây là loại lúa có năng suất, chất lượng cao, khi ra hạt gạo đặc biệt thơm ngon.

Giống lúa Séng Cù được gia đình tôi trồng vụ chiêm xuân và vụ mùa. Tôi không biết tính diện tích nhưng gia đình tôi gieo mạ hết 60kg giống cả 2 vụ. Mỗi vụ, gia đình tôi sẽ thu được 3 tấn thóc, với giá bán hơn 12 nghìn đồng/kg thóc tươi, thóc phơi khô khoảng 16 nghìn/kg. Do vậy, trung bình mỗi vụ gia đình tôi thu về được khoảng hơn 30 triệu đồng.

Dẻo, thơm gạo Séng Cù Mường Vi (Lào Cai) - Ảnh 2.

Giống lúa Séng Cù có năng suất, chất lượng cao hơn so với các giống lúa khác. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Văn, từ khi giống lúa này có mặt tại địa phương, gia đình ông thường xuyên trồng loại giống này vì năng suất, chất lượng cao hơn so với các loại giống lúa khác. Ông Văn cũng đã ăn thử hạt gạo Séng Cù ở một số địa phương khác nhưng thấy không ngon bằng gạo Séng Cù Mường Vi.

Dẻo, thơm gạo Séng Cù Mường Vi (Lào Cai) - Ảnh 3.

Người dân xã Mường Vi (Bát Xát, Lào Cai) thu hoạch lúa Séng Cù vụ mùa. Ảnh: Mùa Xuân.

Còn anh Hù Văn Sang, thôn Na Ản, xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho rằng vụ mùa năm nay, khi lúa trổ bông thì hoàn lưu cơn bão số 3 đổ về gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa Séng Cù của gia đình. Nhưng theo đánh giá, giống lúa này có năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với các giống lúa khác.

Dẻo, thơm gạo Séng Cù Mường Vi (Lào Cai) - Ảnh 4.

Nông dân xã Mường Vi tuốt lúa bằng máy. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Hoàng Văn Yên, thôn Làng Mới, xã Mường Vi, huyện Bát Xát phấn khởi: Mỗi vụ gia đình gieo mạ hết khoảng 50kg giống, nếu thời tiết thuận lợi, chăm bón tốt, thu về được khoảng 100 bao thóc. Từ số thóc này bán ra thị trường cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Dẻo, thơm gạo Séng Cù Mường Vi (Lào Cai) - Ảnh 5.

Những hạt thóc Séng Cù Mường Vi. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, gạo Séng Cù đã trở thành loại gạo đặc sản của xã Mường Vi nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Giống lúa này có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai của địa phương và trình độ canh tác của người dân và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Bên cạnh đó, những cánh đồng lúa ở Mường Vi này được bao bọc bởi đất đồi núi đá vôi, nguồn nước mát tinh khiết chảy từ những khe núi đá vôi tưới cho cây lúa tươi tốt quanh năm. Vì vậy đã tạo nên hương vị đặc trưng của gạo Séng Cù Mường Vi mà không loại gạo nào sánh được.

Dẻo, thơm gạo Séng Cù Mường Vi (Lào Cai) - Ảnh 6.

Người dân xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sử dụng máy móc hiện đại thu hoạch lúa Séng Cù. Ảnh: Phạm Bằng.

Ông Tẩn Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết: Giống lúa Séng Cù đã được bà con trồng từ những năm 1996, nhưng chủ yếu trồng manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp.

Sau khi giống lúa này được nhân rộng diện tích, trải qua nhiều năm giống lúa Séng Cù giảm năng suất, chất lượng. Do vậy, năm 2021, UBND xã Mường Vi đã lập phương án phục tráng lại giống lúa Séng Cù.

Riêng 2 vụ năm 2024, toàn bộ giống lúa Séng Cù do bà con trồng là giống lúa đã được phục tráng lại. Hiện toàn xã có diện tích lúa Séng Cù hơn 200 ha, trong đó, vụ chiêm trồng được khoảng 165 ha, vụ mùa trồng được hơn 200 ha. Năng suất đạt 62 tạ/ha (tăng 4 tạ so với trước đây khi chưa phục tráng).

Dẻo, thơm gạo Séng Cù Mường Vi (Lào Cai) - Ảnh 7.

Gạo Séng Cù được sản xuất tại chi nhánh HTX Tiên Phong Mường Vi cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm gạo an toàn cho sức khỏe với chất lượng ngon nhất. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Bùi Văn Khôi, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Lào Cai (thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát) thông tin: Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, HTX là đơn vị đã cung cấp giống, phân bón cho 481 hộ dân trên địa bàn xã Mường Vi trồng giống lúa Séng Cù, với diện tích 165 ha.

Trong quá trình trồng, chăm sóc, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm thóc cho người dân khi vào mùa thu hoạch lúa chín.

Cũng theo ông Khôi, mỗi năm HTX thu mua hàng nghìn tấn thóc Séng Cù của bà con xã Mường Vi, với giá dao động từ 12 - 14 nghìn đồng/kg. Sau đó, HTX xay xát thành gạo, đóng gói bao bì, nhãn mác xuất bán ra thị trường.

Nếu ai đã từng thưởng thức bát cơm dẻo Séng Cù sẽ không thể nào quên được hương vị thơm ngon, dẻo bùi hiếm có mà đất trời ban tặng cho xứ Mường Vi xứng danh "Đệ nhất gạo trong lòng người Việt".

Thóc Séng Cù có tên gọi là Seng Cu là loại thóc thơm có râu, hạt to, mập, được di thực trồng thử nghiệm tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát từ năm 1996.

Sản lượng gạo Séng Cù ở Lào Cai tập trung chủ yếu được sản xuất gieo trồng tại thung lũng xã Mường Vi, nơi có nhiệt độ dao động ngày đêm lớn (ngày 30 – 33°C đêm 16 - 18°C), nguồn nước từ khe núi chảy ra, thổ nhưỡng đất phù sa cổ và đất feralit, tỷ lệ hàm lượng Kali trong đất rất cao.

Các chỉ tiêu hàm lượng tinh bột, Protein, Vitamin và khoáng chất trong gạo Séng Cù Mường Vi cao gấp nhiều lần các loại gạo khác, kết quả đã được Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam công nhận.