Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói diễn ra vào sáng 14/10 tại Hà Nội do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức. Diễn đàn, sẽ có sự hiện diện và tham dự của hai đồng chí lãnh đạo đại diện cho hai cơ quan, đó là: Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự Diễn đàn còn có đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đặc biệt có mặt của 126 nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu.
Đến trước thềm Diễn đàn, Báo NTNN/điện tử Dân Việt tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc. Dưới đây, Dân Việt xin tổng hợp một số ý kiến gửi đến hai đồng chí lãnh đạo.
Ông Nguyễn Đức Mệnh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 đến từ Hải Dương:
Đề nghị Nhà nước hỗ trợ đầu tư kho lạnh, xuất khẩu nông sản
Ông Nguyễn Đức Mệnh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 đến từ Hải Dương cho biết: Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương của ông hiện đang sản xuất, kinh doanh trên 30 sản phẩm rau, quả như cà rốt, hành, tỏi, ớt… tươi và sấy khô. Công ty của ông Mệnh đang ký kết hợp đồng với gần 40 đối tác trên khắp cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu...
Theo ông Mệnh, để hướng tới xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cho các loại nông sản thế mạnh, đầu tư hệ thống kho lạnh, trung tâm chế biến sâu rất cần thiết.
"Nhiều năm nay, xuất khẩu cà rốt sang Hàn Quốc, Nhật Bản là thế mạnh của công ty chúng tôi. Hiện công ty đang liên kết cùng nông dân sản xuất cà rốt sạch với diện tích gần 100ha. Vào mùa thu hoạch cà rốt, trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 150 tấn cà rốt, 25-30 container cà rốt tươi cho bà con" - ông Mệnh nói.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX là một trong các hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 13 và 14/10. Chương trình Tự hào NDVN do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức. Báo Nông thôn Ngày nay, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là đơn vị tổ chức, thực hiện.
Niên vụ 2023-2024, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh thu mua khoảng 10.000 tấn cà rốt; trong đó 70% sản lượng tiêu thụ nội địa, 30% đưa đi xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc…".
Ngoài thu mua cà rốt, doanh nghiệp của ông Mệnh còn thu mua cả hành, tỏi, gừng, quế... khoảng 3.000 tấn hành, tỏi; trên 1.000 tấn củ cải; trên 3.000 tấn rau gia vị; trên 3.000 tấn rau vụ đông (bắp cải, su hào).
Theo ông Mệnh với sản lượng thu mua nông sản lớn như thế nếu các doanh nghiệp không có kho lạnh bảo quản nông sản sẽ rất khó khăn.
"Đặc điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam là thu hoạch theo mùa vụ. Khi vào mùa vụ, sản lượng nông sản sẽ rất lớn. Để tránh điệp khúc "được mùa mất giá" thì việc đầu tư các kho lạnh bảo quản nông sản rất cần thiết. Đơn cử như mặt hàng cà rốt, nếu có kho lạnh thì sẽ kéo dài thời gian bảo quản lên đến 6-8 tháng mà củ cà rốt vẫn tươi ngon, giữ nguyên giá trị dinh dưỡng"- ông Mệnh nói.
Ông Mệnh cho biết thêm: "Nguyên tắc kinh doanh của doanh nghiệp là chúng tôi là không được ép giá bà con nông dân khi thu mua nông sản. Chính vì vậy việc đầu tư dây chuyền chế biến, kho lạnh bảo quản nông sản là rất quan trọng. Chúng tôi đang có 7 kho trữ lạnh với sức chứa khoảng 600 tấn nông sản; 1 kho cấp đông. Khi có đủ năng lực kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ liên kết sản xuất, bảo tiêu nông sản cho bà con được nhiều hơn nữa".
Hiện nay, công ty của Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh có khu sơ chế rau các loại và khu nhà xưởng phân loại nông sản theo công nghệ AI với diện tích 800 m2; khu sơ chế cà rốt, các loại củ 800 m2 kho trữ lạnh, kho cấp đông 1.500 m2; khu sấy nông sản 500 m2 (gồm 3 lò sấy lạnh, sấy công nghệ vi sóng A&D và sấy bức xạ hồng ngoại); văn phòng điều hành là 210m2.
Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh chia sẻ, ông rất tâm đắc với Chủ đề "Lắng nghe nông dân nói" của Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2024.
"Đây là cơ hội rất tốt để những người nông dân xuất sắc, những doanh nghiệp như chúng tôi chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Qua đó tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn xanh, bền vững"- ông Mệnh nói.
Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Đức Mệnh bày tỏ: "Tôi có 4 kiến nghị muốn gửi đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan. Để đảm bảo nhu cầu sản xuất và mở rộng sản xuất hướng tới xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cho các loại nông sản thế mạnh của Việt Nam cần 4 điều kiện sau.
Thứ nhất: Quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu trồng trọt đạt tiêu chuẩn, ví dụ như chất lượng tốt, chất lượng nước không bị ô nhiễm.
Thứ 2: Mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để đáp ứng sản xuất ngay sau khi thu mua nông sản từ nông dân. Xây dựng kho bãi bảo quản nông sản đủ tiêu chuẩn để dữ trự sản phẩm sau thu hoạch.
Thứ 3: Nhân rộng mô hình sản xuất trực tiếp từ vùng triển khai vùng trồng nguyên liệu để giảm giá thành vận chuyển. Đào tạo cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất, trong đó ưu tiên người tại địa phương".
Thứ 4: Các doanh nghiệp như chúng tôi mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư nhà xưởng, kho bãi đáp ứng được nhu cầu thu mua sau khi thu hoạch và dự trữ sản phẩm sau chế biến".
HTX rau an toàn Túy Loan (Đà Nẵng):
Đề xuất nguồn vốn vay ưu đãi cho kinh tế tập thể phát triển bền vững
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) 1 trong 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Ý kiến, mong muốn của anh Tân cũng là niềm trăn trở của biết bao HTX trước sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường.
Theo anh Tân, hiện nay Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, bởi sự cạnh tranh giá cả trên thị trường khiến số lượng đơn hàng giảm dần. Thêm vào đó, HTX đang thiếu nguồn vốn để đầu tư đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm và nguồn lực lao động đang ngày một già hóa, nông dân không còn mặn mà với canh tác rau màu, năng suất và sản lượng cũng vì thế mà giảm đi đáng kể.
Được biết, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan có tiền thân từ một Câu lạc bộ trồng rau năm 2002, HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan được thành lập vào tháng 10/2011 với 20 thành viên, gồm 2 hoạt động chính là dịch vụ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn và dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, HTX đã nâng lên tổng số 40 thành viên (chính thức và liên kết), với tổng diện tích sản xuất là 6ha.
Hiện nay, trên cánh đồng rau của HTX rau an toàn Túy Loan có 40 hộ tham gia canh tác hàng chục loại rau quả theo chuẩn PGS, VietGAP như: rau cải, xà lách, mồng tơi, rau dền, rau muống, rau lang, rau thơm, bí đao, khổ qua, dưa leo, mướp, đậu cove, ớt....
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, ước tính sản lượng rau quả xuất bán mỗi năm đạt hơn 500 tấn. Chủ yếu cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn tại thành phố Đà Nẵng như: Co.opmart, Lotte Mart, Trung tâm thương mại Hòa Thọ, Bệnh viện Công an 199, Trường học chất lượng cao Sky-Line... đem lại doanh thu từ 1-2,9 tỷ đồng/năm.
Hoạt động hiệu quả của HTX đã tạo ra một đòn bẩy cho các thành viên HTX, phấn khởi yên tâm về đầu ra, ngày càng sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, góp phần tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 6-7 triệu đồng/người/tháng (nhất là lao động lớn tuổi), góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện tiêu chí 13 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Anh Tân bày tỏ: "Để các HTX nông nghiệp thực sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực kinh tế nông thôn, tôi xin kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và liên minh HTX cần có chiến lược và giải pháp tổng thể. Muốn làm được điều này, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, coi phát triển HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế HTX phát triển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ quản lý HTX. Đồng thời hướng dẫn các HTX xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh khả thi để tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay ưu đãi...".
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Hà Nội Tạ Thị Năm:
Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với chi hội trưởng nông dân
Nhiều năm gắn bó với công tác Hội trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, chị Tạ Thị Năm được mọi người khen ngợi là nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm với công việc.
Không chỉ vậy, chị Năm còn được nhiều người biết đến là tỷ phú nông dân nuôi bò sữa nhiều nhất xã Vân Hòa. Chị Năm là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa và hiện tại chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con bò sữa.
Nhờ mô hình nuôi bò sữa, gia đình chị Tạ Thị Năm có tổng doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí đạt 5 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, mô hình nuôi bò sữa của chị Năm còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động thời vụ. Mỗi lao động có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi, từ mô hình nuôi bò sữa hiệu quả của mình, chị Tạ Thị Năm đã lan toả khát vọng làm giàu đến hội viên nông dân trong chi hội. Chị Năm đã giúp đỡ 4 hộ nghèo về tiền mặt, hỗ trợ con giống chăn nuôi bò sữa đến khi xuất chuồng mới phải trả vốn và tạo việc làm cho những hộ nghèo.
"Khi thấy mình nuôi bò sữa hiệu quả, hội viên trong chi hội đã đua nhau phát triển. Hiện 90% hội viên trong chi hội nông dân thôn Mồ Đồi đều đầu tư mô hình nuôi bò sữa hiệu quả. Chi Hội nông dân thôn Mồ Đồi có 87 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 27 hộ cấp thành phố, 2 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương"- chị Năm phấn khởi chia sẻ.
Với vai trò "đầu tàu dẫn dắt" của chị Tạ Thị Năm, Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi luôn được đánh giá là chi hội thực hiện tốt công tác Hội và phong trào nông dân, liên tục đạt chi hội vững mạnh.
Chị Tạ Thị Năm chia sẻ: "Chi hội là đơn vị hành động, cầu nối của Ban Chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Thực tế công việc ở chi hội rất nhiều như: vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và nghĩa vụ công dân với Nhà nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động hoà giải tranh chấp trong nội bộ nông dân; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngoài ra trong đợt dịch bệnh Covid-19 hay mưa bão lũ lụt các chi hội trưởng ở cơ sở cũng trực tiếp cùng cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành".
Chị Năm nói thêm: "Hay như đợt này, Hội Nông dân Việt Nam triển khai cài đặt App Nông dân Việt Nam. Để vận động hội viên cài đặt App, các chi hội trưởng như chúng tôi tranh thủ buổi tối đến từng nhà hướng dẫn, vận động bà con nông dân.
Ban ngày, bà con bận đi làm, lao động sản xuất nên chúng tôi tranh thủ. Địa bàn thôn Mồ Đồi rộng lớn nên công việc đi lại cũng vất vả. Thực sự nếu làm công tác Hội ở cơ sở mà không nhiệt tình thì không làm được".
Chị Tạ Thị Năm cho biết: Chế độ Chi hội trưởng Chi hội nông dân như chị đang được hưởng hệ số 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng, tính ra được hơn 700.000 đồng/tháng.
"Tiền phụ cấp cho chi hội trưởng tôi không giữ cho riêng mình mà thường chi cho các hoạt động của chi hội như hỗ trợ mua sách, đồng phục, hỗ trợ mua nước mát cho các hội viên tham gia trồng cây, tưới cây, ra quân vệ sinh môi trường…"- chị Năm chia sẻ.
Cũng theo chị Tạ Thị Năm, ngoài các công việc của Hội, các chi hội trưởng nông dân còn gánh vác công việc do Bí thư chi bộ giao, phối hợp với trưởng thôn thực hiện các công việc ở địa phương. Nói chung các chi hội trưởng nông dân đều tất bật với các công việc. Bản thân chị Năm đã rất cố gắng để cân bằng giữa công tác hội và công việc gia đình.
"Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, chi hội là đơn vị hành động, cầu nối của Ban Chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Công việc áp lực lớn, nhiều chi phí phát sinh...nhưng hiện nay, chế độ đãi ngộ chưa được xứng đáng.
Tôi mong rằng Đảng, Nhà nước chính quyền địa phương cũng như Hội cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về các cơ chế, chính sách để những người Chi hội trưởng nông dân làm công tác điều hành Chi hội nông dân có thể phát huy tối đa vai trò người đầu tàu. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ chi hội trưởng sát nông dân, gần nông dân, nghe nông dân trực tiếp cống hiến cho công tác Hội và phong trào nông dân" – chị Năm nói.
Biết tin Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sắp tổ chức Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lắng nghe người nông dân", chị Năm rất phấn khởi.
Là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, Chị Tạ Thị Năm cũng có nhiều tâm tư, nguyện vọng đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT.
Theo ý kiến của chị Năm, mô hình nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư khá lớn. Người nông dân phải đầu tư cả gia tài mới duy trì được mô hình nuôi bò sữa.
Theo ý kiến của chị Năm, ngoài chi phí xây chuồng trại, mỗi con bò giống mua về với giá từ 50 – 60 triệu đồng; đàn bò sữa hơn 60 con của gia đình chị có giá trị kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn đầu tư dàn phun nước chống nóng cho đàn bò và các thiết bị tự động trị giá hơn 3 tỷ đồng để phục vụ chăn nuôi bò sữa như: máy vắt sữa, máy cắt phay cỏ công suất lớn, máy phát điện, hệ thống chống sét; xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.
"Kể chi tiết ra đây mới thấy để duy trì mô hình nuôi bò sữa nông dân chúng tôi cần rất nhiều vốn. Chúng tôi rất mong muốn Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông hộ nuôi bò sữa vay vốn ngân hàng ưu đãi theo hướng phù hợp nhất. Qua đó tạo động lực cho hộ chăn nuôi bỏ sữa yên tâm và tập trung phát triển chăn nuôi bền vững góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương"- Nông dân Việt Nam xuất sắc Tạ Thị Năm nói.
Ban Tổ chức Diễn đàn sẽ tiếp tục nhận ý kiến chia sẻ, đề xuất của bà con nông dân đến trước, trong và cả sau thời điểm diễn ra Diễn đàn. Mọi ý kiến xin được gửi về người phụ trách mục Lắng nghe nông dân nói- nhà báo Nguyễn Công (Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt) theo hòm thư: phuongdong27@gmail.com. Hoặc bạn đọc, bà con nông dân có thể gửi trực tiếp tại comment dưới đây.