Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2023: Chuyên gia hiến kế chọn ngành nghề mới để HTX tạo ra thu nhập cao

Khương Lực Thứ năm, ngày 12/10/2023 19:12 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt bên lề Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng khẳng định, điều quan trọng nhất đối với các đơn vị kinh tế tập thể là phải chọn được ngành nghề, công việc có hiệu quả cao. “Mỗi thành viên của HTX phải đạt 10-15 triệu đồng/tháng thì mới thành công được” – ông nói.
Bình luận 0

Phóng viên Dân Việt ghi nhận ý kiến của đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 đánh giá về Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp", diễn ra sáng 12/10 tại Hà Nội.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm rất đông đảo, có rất nhiều ý nghĩa

TS. Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) đánh giá, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8 với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" là một minh chứng thể hiện sự quan tâm của Đảng đoàn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội Nông dân.

"Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khi lần đầu tiên tổ chức diễn đàn đối thoại với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp". Diễn đàn thu hút sự quan tâm rất đông đảo, không chỉ ở các bộ, ngành mà đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp, thậm chí là các tổ chức quốc tế" – ông Thịnh nói.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8: Chuyên gia “hiến kế” chọn ngành nghề mới để HTX tạo ra thu nhập cao  - Ảnh 1.

Ông James Yi, Tùy viên Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao đổi với Nhà báo Nguyễn Văn Hoài- Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt tham quan các gian hàng nông sản trưng bày tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứVIII năm 2023 với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp", diễn ra sáng 12/10 tại Hà Nội. Ảnh: Khương Lực

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8: Chuyên gia “hiến kế” chọn ngành nghề mới để HTX tạo ra thu nhập cao  - Ảnh 2.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) trao đổi với phóng viên Dân Việt bên lề Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8. Ảnh: Khương Lực

Theo ông Thịnh, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8 với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" có rất nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, trong khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới thì đây là một hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết 20-NQ/TW trong lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, diễn đàn không chỉ là nơi các HTX, nông dân giỏi đối thoại, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm mà hơn hết chúng ta có thể quảng bá kết quả, nỗ lực mà các nông dân, HTX dày công phát triển trong thời gian vừa qua dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền các cấp.

Diễn đàn này cũng là nét mới khi chúng ta tổ chức các chủ đề liên quan tới đối thoại với nông dân. Chúng ta biết rằng, Hội Nông dân các cấp có một thế mạnh rất lớn trong phát triển kinh tế tập thể. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động, rồi thuyết phục người dân tham gia kinh tế tập thể bằng những gương điển hình, bằng những hoạt động cụ thể bằng những hội nghị, diễn đàn như thế này, đây là những cái chúng tôi đánh giá rất cao.

"Về phía các bộ ngành, như Bộ NNPTNT, chúng tôi đã có những hoạt động cụ thể trong chương trình phối hợp giữa hai cơ quan T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NNPTNT, tập trung vào 8 vấn đề liên quan đến tuyên truyền, vận động, thuyết phục thành lập mới HTX, cho đến tư vấn, cung cấp các dịch vụ về hỗ trợ, đào tạo…, đặc biệt các dịch vụ về kỹ thuật, giúp cho các HTX phát triển một cách bền vững, sản phẩm của HTX làm ra đạt được các tiêu chuẩn, chất lượng cao, rồi hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm của HTX" – ông Lê Đức Thịnh thông tin.

"Thu nhập mỗi thành viên HTX phải đạt 10-15 triệu đồng/tháng mới thành công được"

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Lân Hùng cho biết: "Dự diễn đàn, tôi thấy bà con thắc mắc một số vấn đề về vốn, đất đai… nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất đối với các đơn vị kinh tế tập thể là phải chọn ngành nghề, công việc phù hợp với thị trường trong nước và nước ngoài, qua đó nâng cao thu nhập cho các thành viên".

Theo ông Hùng, các HTX đang cố gắng chia đều cho các thành viên mỗi tháng 4-5 triệu đồng thì thấp quá. "Bình quân thu nhập mỗi thành viên HTX phải từ 10-15 triệu đồng/tháng thì mới thành công được" – ông nói và cho biết điều quan trọng nhất là các HTX phải chọn được ngành nghề, công việc tạo ra hiệu quả, thu nhập cao.

Một trong những yếu tố giúp các HTX phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là một chương trình rất hay, qua đó mỗi địa phương, HTX sẽ chọn ra những ngành nghề, việc làm có hiệu quả cao.

Ông Hùng đơn cử hiện có nhiều nghề đơn giản nhưng lại làm ra tiền như: nuôi ốc nhồi hay nuôi cà cuống, nuôi lươn không bùn và ở các miền núi thì có rất nhiều cây có hiệu quả như: cây trám, cây dẻ hạt lớn, cây đổi. Những ngành nghề mới này người dân dễ tiếp cận mà thu nhập lại cao.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8: Chuyên gia “hiến kế” chọn ngành nghề mới để HTX tạo ra thu nhập cao  - Ảnh 4.

Ông Lê Đình Tú – 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn và chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8. Ảnh: Khương Lực

Ông Lê Đình Tú – 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn chia sẻ, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn thành lập năm 1998, sau đó năm 2016 chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới.

"Hiện HTX có 4 sản phẩm OCOP là: sản phẩm chè sạch Bình Sơn; chè xanh túi lọc Bình Sơn (lá trà); trà cà dây leo túi lọc và mật ong" – ông nói và cho biết xã Bình Sơn có khoảng 300ha trồng chè, trong đó HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn có 20 thành viên chính thức và 100 thành viên liên kết, quản lý hơn 100ha chè. Mỗi năm doanh thu của HTX dao động từ 3,8-6 tỷ đồng.

Nhớ lại thời điểm chuyển đổi HTX sang mô hình HTX kiểu mới, ông Tú chia sẻ: Ở thời điểm đó, do HTX chưa tìm được thị trường, chưa có máy móc nên chỉ sản xuất đơn thuần và bị thương lái ép giá nên nhiều thành viên thấy nản.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi từ năm 2018, HTX được hỗ trợ đào tạo, kỹ thuật và một phần kinh phí đầu tư máy móc để làm sản phẩm OCOP, rồi hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX mang sản phẩm đi các tỉnh xúc tiến thương mại, quảng bá. "Hiện nay, các sản phẩm OCOP của HTX đã được tiêu thụ ở 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. HTX vừa được hỗ trợ, tạo điều kiện sang Thái Lan giới thiệu sản phẩm" – ông Tú nói.

Theo ông Tú, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn hiện đang là 1 trong 5 HTX điển hình của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện tại HTX đang gặp khó khăn về quỹ đất để làm trụ sở, nhà xưởng; thứ hai, về nguồn vốn, hiện tại nếu vay vốn phải thế chấp chứ không dùng tín chấp được. 

"HTX phải lấy tài sản của các thành viên HTX để thế chấp" – ông Tú nói và kiến nghị hỗ trợ HTX được vay vốn tín chấp với thời gian cho vay dài hơn để phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của HTX.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem