100% thành viên Hợp tác xã Cam Thành Nam trồng táo trong nhà lưới
Hợp tác xã táo Cam Thành Nam được thành lập vào năm 2019 với 12 thành viên và đến nay đã có 50 thành viên, trong đó hơn 30% là nữ.
Hợp tác xã (HTX) ban đầu chuyên sản xuất và mua bán táo tươi sẽ cung cấp vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên. Sau đó, thi công làm nhà lưới cho các vườn táo của các thành viên.
Sản phẩm táo Cam Thành Nam, TP.Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đã được nhiều người biết đến. Ảnh: Công Tâm.
Anh Hồ Tấn Cường - Giám đốc HTX táo Cam Thành Nam cho biết, những ngày đầu một số thành viên vẫn làm táo theo cách truyền thống, rất ít người phủ lưới trong vườn nên mỗi khi có ruồi vàng là người dân bỏ ra chi phí để bươm hoặc diệt loại côn trùng này rất tốn chi phí.
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tại sao cứ đến vụ táo ra quả lại bị ruồi đục thường xuyên, vào những năm 2014 – 2015, táo của anh và những hộ xung quanh bị ruồi vàng đục quả khá nhiều, thậm chí một số hộ trắng tay do loại côn trùng này phá hoại.
Năm 2016 anh Cường quyết định đặt may 5.000m2 lưới về làm thử nghiệm trong vườn của mình, sau khi làm thành công anh quyết định nhân rộng trên diện tích của mình.
Anh Hồ Tấn Cường - Giám đốc HTX táo Cam Thành Nam là một trong những người tiên phong trồng táo trong nhà lưới. Ảnh: Công Tâm.
Nhận thấy được ưu điểm khi phủ lưới cho vườn táo, tuổi thọ lưới kéo dài từ 5- 6 năm và thị trường, giá bán ra ổn định hơn so với cách làm truyền thống, nhiều thành viên của HTX đã tích cực tham gia và đến nay 100% thành viên làm táo phủ lưới xung quanh.
Nghề làm táo tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương có thu nhập và giúp 2 hộ khó khăn
Hiện nay, các thành viên của HTX đã mạnh dạn đầu tư để trồng cây táo theo hướng VietGAP. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng và giá cả đều tăng, cây táo mang lại thu nhập tốt cho người nông dân ở địa phương.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của HTX tăng liên tục qua các năm, tạo công ăn việc làm cho gần 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng, góp phần tích cực tạo việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương.
Những quả táo mới vừa thu hoạch của các nông dân ở Cam Thành Nam, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Công Tâm.
Hiện nay, quy mô sản xuất HTX với diện tích trồng táo 50ha, tổng thu bình quân hàng năm 13,5 tỷ đồng. Trong đó, thu từ táo 12 tỷ đồng; thu từ đại lý thu mua táo, na, xoài 1 tỷ đồng và thu từ đại lý vật tư nông nghiệp (lưới, cây giống, phân bón…) 500 triệu đồng.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm, HTX còn vận động các hộ khá giả giúp 2 hộ khó khăn của địa phương.
Anh Cường chia sẻ, hàng tháng đơn vị tổ chức họp 2 lần vào buổi tối vào lúc 19h. Trong buổi họp nội dung trọng tâm điểm lại về công việc trong tuần, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phương thức canh tác, giá cả táo trên thị trường, giá cả vật tư đầu vào cho các thành viên.
Anh Cường cho rằng, lý do họp vào buổi tối, bởi ban ngày nhiều người bận công việc trồng chăm sóc táo, thu mua táo, phân loại táo,...
Video: Ông Hồ Tấn Cường, nông dân trồng táo ở xã Cam Thành Nam, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo anh Cường, nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân xã trong việc hỗ trợ vốn cho HTX số tiền là 500 triệu đồng bằng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, phối hợp với các ngành mở lớp tập huấn hướng dẫn nông dân dùng lưới che chắn bảo vệ vườn táo không cho côn trùng phá hoại.
Với hình thức trồng táo trong nhà lưới cải tiến, ngăn chặn ruồi vàng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua áp dụng mô hình sản lượng táo tăng từ 5 tấn/sào lên 8 tấn/sào/vụ, giảm được tiền và công phun thuốc, cũng như công tưới nước.
Ngoài ra HTX còn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, bạt phủ cỏ... giúp chất lượng quả táo tốt hơn đã tạo được lòng tin người tiêu dùng.
Anh Cường cho hay, doanh thu thành viên tùy theo diện tích đóng góp, cứ 1ha thành viên cho doanh thu khoảng gần 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng gần 400 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, táo của bà con làm quanh năm cả chính vụ và nghịch vụ nên sản phẩm thường xuyên cung cấp cho các khách hàng trong cả nước.
Sản phẩm táo Cam Thành Nam đã được quảng bá rộng rãi, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin yêu đón nhận, luôn được các cơ quan, tổ chức mời tham gia các phiên chợ và đặc biệt nhất là tại các phiên chợ nông sản do Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Táo Cam Thành Nam đã hình thành nên vùng chuyên canh sản xuất táo tại và đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể táo Cam Thành Nam.
Với những kết quả đạt được, Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen hợp tác xã Táo Cam Thành Nam đã có thành tích xuất sắc trong tham gia Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2023.
Liên minh hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa tặng Giấy khen HTX trồng Táo Cam Thành Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã điển hình tiên tiến trong tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024 và nhiều cấp, ngành khen thưởng.
Hiện nay, HTX táo Cam Thành Nam được vinh dự bình chọn nằm trong danh sách 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Trao đổi với PV, anh Hồ Tấn Cường cho biết: "Gia đình tôi đã nhận được thông tin đại diện cho tỉnh Khánh Hòa để tham dự HTX tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội và đây là niềm vui rất lớn cho không những cá nhân tôi mà cả một tập thể đã phấn đấu trong thời gian qua.
Trước đó, anh Cường được Hội đồng Chung khảo Trung ương bình chọn là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023".
Anh Cường cho hay, trong thời gian qua anh cũng như HTX đã được các cấp quan tâm, hỗ trợ. Anh Cường kiến nghị cấp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp cần tạo điều kiện cho người dân, các thành viên HTX một cách tốt nhất để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cần hướng dẫn cụ thể quy trình, cơ chế và thủ tục khi vay vốn.
Đồng thời, đề nghị cần hỗ trợ việc đẩy mạnh trong việc chuyển đổi số để sản phẩm táo sạch của thành viên, cũng như của nông dân đến tận tay người tiêu dùng một cách tốt nhất. Ngoài ra, đề xuất các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các thành viên, hướng tới mô hình xanh, tuần hoàn, an toàn, quy trình chế biến sâu các sản phẩm sau thu hoạch.