Điều khiển máy bay không người lái vèo vèo trên cánh đồng không dấu chân, dân nơi này ở Long An kiếm bộn tiền

Thứ ba, ngày 08/10/2024 11:38 AM (GMT+7)
Mỗi ngày điều khiển máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (drone) khoảng 30 ha lúa đã giúp Danh Đức Phú (22 tuổi) ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (tỉnh Long An) cùng các cộng sự có thu nhập hơn 5 triệu đồng.
Bình luận 0

Máy baykhông người lái thay sức người

Theo chân Danh Đức Phú cùng các thành viên Tổ hợp tác phun thuốc bằng drone (máy bay không người lái) ra đồng phun thuốc thuê cho bà con nông dân mới thấy việc sản xuất lúa giờ đã đỡ phần vất vả.

Sau các bước quan sát, chọn điểm đáp an toàn ít vật cản, định vị ruộng lúa sẽ phun, một thành viên trong Tổ pha thuốc rồi cho vào bình 40 lít, thành viên còn lại bắt đầu điều khiển máy bay. 

Chỉ trong khoảng 20 phút, chiếc drone đã phun đều toàn bộ 4 ha lúa của ông Phạm Thành Nhanh ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Long An.

“Nhanh gọn, hiệu quả, làm nông bây giờ khỏe lắm. 4ha lúa này mà phun kiểu truyền thống cũng mất mấy ngày, còn nếu thuê nhân công cũng mất triệu đồng, còn phun bằng máy bay không người lái chỉ tốn 18.000 đồng/1.000m2 thôi. Nhờ vậy tiết kiệm được chi phí sản xuất”, ông Nhanh phấn khởi nói.

Vừa thu dọn bộ thiết bị bay không người lái (drone), Danh Đức Phú vừa chia sẻ thay vì mang từng bình thuốc xịt, người phun vừa hít, vừa dính thuốc vào người, khi có máy bay phun này thì vừa giảm được sức người, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với thuốc mà còn tiết kiệm thời gian rất nhiều. 

Điều khiển máy bay không người lái vèo vèo trên cánh đồng không dấu chân, dân nơi này ở Long An kiếm bộn tiền - Ảnh 1.

Thiết bị bay không người lái (drone) hiện đại đem lại nhiều hiệu quả trong quá trình canh tác lúa trên các cánh đồng không dấu chân của người dân huyện Thạnh Trị (tỉnh Long An). Ảnh: Phương Anh.

Ngoài ra giúp bà con nông dân sử dụng lượng thuốc, phân bón chính xác, hạn chế lãng phí, tiết kiệm được chi phí đầu vào.

Phú cho biết, từ nhỏ mình đã gắn bó với ruộng đồng, thấy cha mẹ, bà con xung quanh mang bình đi phun thuốc nhiều độc hại. 

Năm 2023, Phú đã tìm tòi, học hỏi cách lái máy bay và đầu tư gần 500 triệu đồng để mua thiết bị phun thuốc bằng điều khiển để giúp gia đình, bà con đỡ phần vất vả.

Phúc chia sẻ, lúc đầu nông dân chưa tin tưởng vào phương pháp phun thuốc hiện đại này nên hầu như không ai chịu áp dụng. 

Để tạo niềm tin, các thành viên trong Tổ vừa vận hành máy bay phun thuốc miễn phí vừa kiên trì thuyết phục bà con. 

Qua thời gian, khi nhận được hiệu quả, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Trị (tỉnh Long An) đã tin tưởng và tìm đến ký hợp đồng phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa tại các cánh đồng không dấu chân.

“Hiện nay trung bình, mỗi ngày Tổ bay khoảng 30ha ruộng lúa. Chi phí từ 17.000 - 18.000 đồng/1.000m2. Vào thời điểm lúa gieo sạ đến làm đồng nông dân sử dụng lượng phân thuốc nhiều nên tổ bay liên tục cả ngày đêm”, Phúc cho biết.

Giải quyết việc làm cho thanh niên

Phúc cho biết, nhận thấy nhu cầu người dân sử dụng máy bay phun thuốc ngày càng cao trong khi chỉ có một mình không thể đảm nhận hết, nên đã tập hợp các thanh niên có suy nghĩ làm nông thời hiện đại tại địa phương để thành lập Tổ hợp tác phun thuốc bằng máy bay nông nghiệp.

Ngày mới thành Tổ, Phú trực tiếp điều khiển drone phun thuốc đồng thời dành thời gian để hướng dẫn các bạn cách thức bay, cất cánh, thông số phun, rải, sạ, liều lượng thuốc để phun hiệu quả và phù hợp với ruộng của từng khách hàng.

Điều khiển máy bay không người lái vèo vèo trên cánh đồng không dấu chân, dân nơi này ở Long An kiếm bộn tiền - Ảnh 2.

Danh Đức Phú (áo xanh), nông dân xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (tỉnh Long An) bên thiết bị bay không người lái-máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng không dấu caahn với giá gần 500 triệu đồng. Ảnh: Phương Anh.

“Với 6 thành viên, mỗi người sẽ phụ trách công việc khác nhau từ vận hành, điều khiển thiết bị bay, sạc pin, pha thuốc. 

Người phụ trách sạc pin sẽ được trả 1.000 đồng/1.000m2, người pha thuốc thì được trả 1.200 - 1.500 đồng/1.000m2, còn bạn vận hành máy bay không người lái được trả 2.500 - 3.000 đồng/1.000m2. Nhờ đó mỗi ngày nếu bay phun thuốc khoảng 30 ha, mỗi bạn sẽ có thu nhập lên đến vài trăm ngàn đồng”, Phú cho biết.

Danh Phi (23 tuổi) ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (tỉnh Long An) cho biết gia đình canh tác lúa. Những ngày rảnh rỗi, Phi theo Tổ phun thuốc của Phú để kiếm thêm thu nhập. 

Trung bình mỗi tháng, Phi có thu nhập khoảng 3 triệu đồng từ việc pha thuốc để máy bay không người lái tiến hành phun xịt trên đồng lúa.

Phương Anh (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem