Dân Việt

Tranh cãi bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trong sách Tiếng Việt lớp 5: “Khen chê trái chiều là hết sức bình thường”

Tào Nga 08/10/2024 06:52 GMT+7
Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" trong sách Tiếng Việt lớp 5 với nhiều ý kiến khen chê trái chiều nhau. Theo chuyên gia, đây là điều hết sức bình thường, bởi có phản biện mới khiến mọi người thấu hiểu.

Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" trong sách Tiếng Việt lớp 5: Nhiều người đã tách nó ra khỏi ngữ cảnh để thông tin một chiều

Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" của tác giả Tô Hà trong sách Tiếng Việt lớp 5 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đang trở thành đề tài gây tranh cãi với 2 luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng bài thơ trúc trắc, khó hiểu cho học sinh lớp 5 nhưng cũng có quan điểm khen ngợi đây là bài thơ giàu hình ảnh, nhân văn, xứng đáng đưa vào sách giáo khoa. 

Tranh cãi bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trong sách Tiếng Việt lớp 5: “Khen chê trái chiều là hết sức bình thường”- Ảnh 1.

Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm gây tranh cãi. Ảnh: CMH

Trao đổi với PV báo Dân Việt, nhà văn Bùi Ngọc Phúc, đồng thời là tác giả của các sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" và "Tư vấn kỳ thi vào 10", nêu quan điểm: "Hiện nay trên khắp các diễn đàn và nhiều người đang chia sẻ bài "Tiếng hạt nảy mầm" trong sách Tiếng Việt lớp 5 với nhiều ý kiến khen chê trái chiều nhau. Đây là điều hết sức bình thường, bởi có phản biện mới khiến mọi người thấu hiểu.

Tuy nhiên trong chương trình giáo dục đổi mới như hiện nay, muốn thấu hiểu tác phẩm, phải nắm rõ hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và thân thế người sáng tác. Khi phân tích một vài đoạn của bài thơ rồi phê phán, nhiều người đã tách nó ra khỏi ngữ cảnh để thông tin một chiều. 

Bài thơ được tác giả Tô Hà viết cho một lớp dạy trẻ khiếm thính, bởi vậy ngôn ngữ sống động với trẻ là hình ảnh. Một bài thơ hay phải đảm bảo giá trị nghệ thuật của ngôn từ, kèm theo đó là giá trị nhân văn, điều này nhà thơ Tô Hà đã truyền tải được.

Còn một điều quan trọng, nhiều người phản đối và phê phán, nhưng học sinh là đối tượng cảm thụ phải được lắng nghe, có như vậy mới đảm bảo sự khách quan. 

Trong khi chúng ta kêu gọi sự đổi mới tránh sa vào lối mòn, bài thơ nếu được giáo viên giảng kỹ và tâm huyết, các con sẽ cảm thụ được vẻ đẹp của ngôn từ. Thơ hay không thiếu, nhưng nhà thơ Tô Hà đã dành tình cảm của mình cho các em khiếm thị, bấy nhiêu thôi cũng đủ để các học sinh tiếp thu và thấu cảm. Cá nhân tôi đánh giá cao bài thơ này".

"Học sinh cũng cần được học cách học văn có nghiên cứu"

Chị Nguyễn Hiền Trang, cháu nội của nhà văn Kim Lân và cũng là một "cây viết" cho rằng: "Nếu đọc qua lần đầu thì sẽ rất lấn cấn vì 1 số từ khá trúc trắc (ví dụ tay cô cụp mở, sầu vợi...). Đối với đoạn thơ cuối, nhiều người không thích, nhưng tôi đánh giá cũng thú vị với cách đảo vần tạo nên một sự khác biệt. Vậy bài thơ có phù hợp cho trẻ lớp 5 không?

Tôi cũng có con học đang học lớp 5. Sau khi hỏi con thì con có hiểu đây là lớp học khiếm thính, có biết bàn tay cô vẽ nên thế giới, cũng hiểu từ "ánh ỏi" là kiểu ngân lên, vang lên. Vì vậy, khi xảy ra tranh cãi, tác phẩm cần được đặt vào bối cảnh thay vì chỉ chụp 1 đoạn văn lên thì không đánh giá được đúng. Các em học sinh cũng cần được học cách học văn có nghiên cứu, có đào sâu hơn là chỉ đi vào vỏ ngôn từ. 

Tuy nhiên, nếu bảo chọn, tôi nghĩ thực tế cũng có nhiều bài thơ phù hợp hơn với trẻ lớp 5. Bài thơ này có lẽ nên để các bạn từ cấp 2 trở lên. Trường hợp tôi là "dân" chuyên Văn, tôi hoàn toàn có thể đồng hành với con trong việc diễn giải từng câu từng từ. Nhưng với các phụ huynh khác, đây là việc khó khăn, và các bạn nhỏ khác cũng cần có 1 lộ trình để tiếp cận thơ văn từ những bài trong sáng nhất, dễ đọc, dễ hiểu nhất, rồi mới tới những bài cần ngẫm ngợi nhiều hơn. Tôi nghĩ bài này phù hợp từ lớp 7 hoặc dành cho các lớp đào tạo các bạn chuyên Văn hoặc có định hướng chuyên Văn".

Tranh cãi bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trong sách Tiếng Việt lớp 5: “Khen chê trái chiều là hết sức bình thường”- Ảnh 2.
Tranh cãi bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trong sách Tiếng Việt lớp 5: “Khen chê trái chiều là hết sức bình thường”- Ảnh 3.

Những bài tập cho học sinh về bài Tiếng hạt nảy mầm. Ảnh: CMH

GS Lê Phương Nga, giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Khi được tiếp cận bài thơ và tìm hiểu, tôi như bắt được vàng vì vớ được một văn bản thơ với đặc trưng tiêu biểu của hình thức/nghệ thuật thơ: Có những từ được "lạ hóa" chỉ dùng trong thơ văn, có cách nói hàm ẩn và biểu đạt ý bằng hình ảnh. Tôi tán đồng bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" là một bài thơ hay nên dạy cho học sinh lớp 5. Bài thơ được dạy cho học sinh lớp 5 nghĩa là vừa sức với các em. 

Việc dạy học nói chung và bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm nói riêng" là một quá trình công phu, bài bản từ khâu đào tạo giáo viên ở trường ĐH Sư phạm đến quá trình dạy học trên lớp của giáo viên tiểu học. Vì vậy, điều này cũng cần biết mới đưa ra bàn luận, khen chê và xem có nên để trong sách giáo khoa hay không".

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (nguyên Trưởng phòng văn học so sánh Viện Văn học, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, những lời chê bai, thậm chí xúc phạm bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" hoàn toàn không phù hợp. 

"Sinh thời nhà thơ Tô Hà rất kỹ chữ. Vậy nên nếu chê bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" dùng từ trúc trắc, chứng tỏ người nhận xét hoàn toàn không hiểu. Theo tôi, bài thơ được chọn vào sách giáo khoa rất xứng đáng", ông Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.

Nhà thơ Tô Hà tên thật là Lê Duy Chiểu (1939-1991), từng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản một số tập thơ Hương cỏ mặt trời (1978), Thành phố có ngôi nhà của mình (1988), Sóng giữa lòng tay (1990). 

36 năm làm thơ, Tô Hà chỉ có 36 bài, trung bình mỗi năm một bài.