Nhiều thập kỷ qua, câu chuyện của Joseph Katz vẫn được giấu kín trong các kho lưu trữ bí mật của FBI, KGB và Shin Bet (Tổng cục An ninh Israel). Nhưng giờ đây, nhờ các công trình nghiên cứu về sự đối đầu giữa các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Liên Xô, hồi ức của người thân và thư từ gửi cho anh trai, dẫu còn nhiều thiếu sót, nhưng vẫn có thể phục hồi được một phần đáng kể cuộc đời hoạt động hấp dẫn của ông, khiến bất kỳ nhân vật truyện trinh thám nào cũng phải ghen tị.
Tháng 11/1945, một phụ nữ tên là Elizabeth Bentley đến trụ sở FBI và nói rằng bà đã làm việc cho tình báo Liên Xô được 7 năm, và giờ đây, bà quyết định khai báo tất cả. Sau đó, Elizabeth Bentley bắt đầu kể tên hàng chục viên chức nhà nước đã cung cấp thông tin mật cho bà. Các nhân viên FBI choáng váng trước thông tin mà họ nhận được và vất vả lắm mới kịp bắt hết các quan chức cấp cao trong danh sách của Elizabeth Bentley. Vì vậy, phải ba năm sau họ mới lần được dấu vết của "người Mỹ vô duyên, nhạt nhẽo tên là Jack, nói giọng Brooklyn đặc sệt" mà bà mô tả. Và chỉ đến lúc đó, họ mới phát hiện ra "Ông Jack vô duyên" chính là Joseph Katz - một đối tác có giá trị gấp nhiều lần so với tất cả những quan chức tham lam mà họ đã bắt được cộng lại.
Joske Khait sinh ra ở Litva. Bố ông di cư sang Mỹ năm 1913, và 7 năm sau cả gia đình định cư ở Mỹ, đổi họ Khait thành Katz có lẽ hợp lý hơn ở Mỹ. Thế là Joske dần dần biến thành Joseph. Một người anh của ông, Menke, làm thơ, trở thành nhà thơ nổi tiếng, một người khác, Meishke, theo học ngành ngân hàng, còn Joseph, chưa kịp tốt nghiệp trường đại học kỹ thuật, đã quyết định hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng. Ông tham gia hoạt động trong một chi nhánh bí mật của phong trào Cộng sản Mỹ.
Joseph Katz muốn "xóa bỏ bất công xã hội trên thế giới", nhưng ông không chỉ là một người lãng mạn mà còn thực dụng, chính vì vậy, ông đã làm một việc rất cần thiết cho cách mạng - rửa tiền chuyển từ Liên Xô phục vụ nhu cầu của những người cách mạng. Và, vào nửa sau những năm 1930, ông đã được tình báo Liên Xô tuyển mộ. Tài năng tổ chức, nghệ thuật thu phục lòng người và khả năng giải quyết các nhiệm vụ được giao đã sớm biến Joseph Katz thành một điệp viên quan trọng và đáng tin cậy nhất của tình báo Liên Xô tại Hoa Kỳ. Năm 1943, người đứng đầu cơ sở tình báo đối ngoại của Liên Xô tại Hoa Kỳ thậm chí còn đề nghị trao tặng Huân chương Danh dự cho Joseph Katz.
Sau đó, hóa ra, ngoài Elizabeth Bentley, ông còn giám sát một số "liên lạc viên" khác, kể cả Harry Gold, người từng làm việc với nhà vật lý Klaus Fuchs, thành viên Dự án Manhattan, và gia đình Rosenberg. Nhưng nhiệm vụ chính của Joseph Katz là làm việc với các quan chức được tuyển mộ ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ban Sản xuất Chiến tranh và Văn phòng Dịch vụ chiến lược, tiền thân của CIA. Ngoài ra, Joseph Katz hay lui tới quốc hội và thường xuyên gặp gỡ các lãnh đạo đảng Cộng sản Mỹ - có lẽ, để chuyển các chỉ thị của Moscow. Ông cũng giám sát các nhóm Trotsky ở Mỹ, được coi là thù địch với chính quyền Xô Viết.
Nhiều năm sau, giải mã các tin tức cũ chộp được của tình báo Liên Xô, các cơ quan tình báo Mỹ biết rằng lúc bấy giờ Joseph Katz còn điều hành một số doanh nghiệp: một phòng khám nha khoa, hai bãi đậu xe ở New York và một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp này đóng vai trò vỏ bọc cho hoạt động tài chính của các cơ quan tình báo Liên Xô.
Không lâu trước khi Elizabeth Bentley đến trình báo FBI, các nhà lãnh đạo tình báo Liên Xô đã kết luận rằng bà ta không đáng tin cậy và thậm chí còn cân nhắc các phương án thủ tiêu. Joseph Katz là ứng cử viên thực hiện dự định này. Nhưng do kế hoạch bị trì hoãn nhiều lần nên không kịp.
Tuy nhiên, khi FBI hiểu rõ mọi chuyện thì Joseph Katz đã cao chạy xa bay. Sau này, người ta biết rằng các điệp viên Liên Xô bị Elizabeth Bentley tố giác đã có mặt ở Moscow ngay ngày hôm sau. Một trong những lãnh đạo cao nhất của Cục Mật vụ Anh (MI6), đồng thời là đảng viên Cộng sản, điệp viên Liên Xô, Kim Philby, đã chỉ đạo công việc này.
Mùa hè năm 1946, Joseph Katz bí mật sang châu Âu và định cư ở Pháp. Năm 1950, ông bị FBI phát hiện do trao đổi thư từ với anh trai sống ở New York. Nhưng người Pháp bất ngờ từ chối dẫn độ Joseph Katz về Mỹ, vì không có cơ sở kết luận ông hoạt động gián điệp. Không loại trừ khả năng người Pháp không muốn giúp đỡ các đồng nghiệp Mỹ của mình. Nhưng tất nhiên, họ đã nhầm: theo các tài liệu của tình báo Liên Xô, bắt đầu từ tháng 12/1948, Joseph Katz liên tục di chuyển giữa Paris, Rome và Milan, thường xuất hiện khi thì ở Bỉ, khi thì Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, và tiếp tục hoạt động tình báo. Ông lại làm cái việc thuộc sở trường của mình - thành lập các công ty để cung cấp đường dây chuyển phát nhanh giữa Hoa Kỳ và Châu Âu.
Thật khó nói, Joseph Katz còn có thể được giao những nhiệm vụ gì nữa ở châu Âu, nếu một đợt thanh trừng mới không bắt đầu trong nội bộ các cơ quan tình báo Liên Xô. Trong bối cảnh "Vụ án của các bác sĩ" đang diễn ra ở Liên Xô (1948-1953) và cuộc chiến chống chủ nghĩa quốc tế, các điệp viên Do Thái bắt đầu bị "thanh lọc" khỏi hàng ngũ các cơ quan tình báo Liên Xô. Joseph Katz cũng nằm trong số đó.
Năm 1950, các cán bộ phụ trách Liên Xô triệu tập Joseph Katz từ Paris đến Rome, nơi ông bị thẩm vấn ba ngày. Trong một bức thư gửi anh trai, ông đã mô tả những ngày khó khăn này, gọi đó là "câu chuyện huyễn hoặc theo truyền thống tồi tệ nhất của tiểu thuyết hình sự" đã xảy ra với ông, và viết thêm rằng "vài ngày trước, em cứ nghĩ đời mình thế là đi đứt". Cho đến nay, vẫn chưa rõ Joseph Katz đã chạy thoát bằng cách nào. Bức thư cho anh trai Joseph Katz gửi từ thành phố Haifa ở Israel, nơi ông đang lẩn trốn các cơ quan tình báo của cả hai siêu cường vào cuối năm 1951.
Những gì Joseph Katz đã kể với các cơ quan tình báo Israel trong năm đầu tiên sau khi ông trở về Israel vẫn còn là một bí mật và được giấu kín trong các kho lưu trữ của Shin Bet. Sau đó, phải mất vài năm nữa, Joseph Katz bị cuốn hút bởi các tư tưởng xã hội chủ nghĩa và trở nên gần gũi với ban lãnh đạo đảng chính trị cánh tả Mapam của Israel, mong muốn kết hợp chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc Do Thái trong hệ tư tưởng của mình. Tuy nhiên, có lẽ sau "Vụ án Slansky" xét xử 14 thành viên của đảng Cộng sản Tiệp Khắc, gồm nhiều quan chức cấp cao về tội bài Do Thái, Katz hoàn toàn xác định các ưu tiên của mình. "Thà một nhà nước Do Thái không có chủ nghĩa xã hội còn hơn là chủ nghĩa xã hội không có nhà nước Do Thái" - ông viết cho anh trai mình năm 1956.
Trong những năm tiếp theo, Joseph Katz dường như từ bỏ nghề nghiệp cũ của mình, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Tham gia vào nhiều dự án khác nhau của chính phủ Israel, ông thường xuất hiện khi thì ở châu Âu, nơi ông tìm hiểu các thiết bị kỹ thuật, khi thì ở châu Phi tham gia xây dựng sân bay tại thành phố Entebbe, miền trung Uganda. Tại đây, vào đêm 3 rạng sáng ngày 4/7/1976, Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành chiến dịch giải cứu con tin đã đi vào lịch sử. Phải chăng cơ quan tình báo Israel nắm rõ vị trí của các cơ sở bên trong sân bay ở Entebbe vì nó được xây dựng bởi điệp viên lão luyện Joseph Katz?
Cuối cùng, khả năng kỹ thuật và sự tháo vát của Joseph Katz đã đưa ông đến London vào giữa những năm 1960. Tại đây, với tư cách là người sở hữu bằng sáng chế trong lĩnh vực cáp quang và là chuyên gia công nghệ chiếu sáng, ông được mời làm cố vấn về vấn đề chiếu sáng cho Công ty sản xuất phim điện ảnh EON Productions của Vương quốc Anh. Chính hãng phim này đã sản xuất những bộ phim đình đám về điệp viên James Bond lúc bấy giờ. Và chẳng bao lâu, cựu điệp viên tình báo Liên Xô Joseph Katz bắt đầu tư vấn cho các nhà sản xuất phim không chỉ trong lĩnh vực chiếu sáng.
Ông đã tham gia thực hiện 5 bộ phim: "Chỉ sống hai lần" ("You Only Live Twice" (1967), "Mệnh lệnh Nữ hoàng" ("On Her Majesty's Secret Service" (1969), "Kim cương vĩnh cửu" ("Diamonds Are Forever" (1971), "Sống và hãy chết ("Live and Let Die" 1973) và "Sát thủ với khẩu súng vàng" ("The Man with the Golden Gun" (1974). Có thể, chúng ta sẽ không bao giờ biết "điệp viên 007" đã kế thừa bao nhiêu pha hành động mạo hiểm từ kho kinh nghiệm của cựu sĩ quan tình báo Liên Xô. Tuy nhiên, tên của Joseph Katz không xuất hiện trên phần giới thiệu của bộ phim - tránh gặp cả KGB lẫn FBI, cựu điệp viên không muốn gây chú ý không cần thiết.
Hóa ra, vào những năm 1950, FBI và CIA đã có ý định bắt cóc Joseph Katz đưa về Mỹ. Không rõ vì lý do gì, kế hoạch này đã bị người đứng đầu FBI J. Edgar Hoover hủy bỏ. Năm 1968, với tư cách là thành viên của phái đoàn giám đốc các công ty sản xuất phim và diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Sean Connery, thậm chí Joseph Katz, đã đến thăm Hoa Kỳ. Lần đó, ông cố gắng không gây chú ý, nhưng 6 năm sau, khi đến Mỹ lần nữa, ông bị FBI bắt giữ ngay tại sân bay Kennedy. Tuy nhiên, sau đó ông được thả và ngay lập tức rời khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ.
Năm 2004, Joseph Katz lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 92 tại Israel, sau khi phân chia tài sản thừa kế khoảng 3 triệu USD cho con nuôi và người chăm sóc ông. Nhiều bí mật về con người có số phận phi thường này vẫn chưa được giải đáp. Nhưng hy vọng một ngày nào đó, các kho lưu trữ của tình báo Israel và Liên Xô được giải mật sau khi hết thời hiệu, lúc bấy giờ, hậu thế chắc sẽ được biết đến nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời ông.