Ông Nguyễn Tiến Dũng – Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Vinacafe cho biết: Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện giá cà phê tăng cao mang lại cơ hội lớn cho ngành cà phê nói chung và Tổng công ty nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận lợi của giá cà phê tăng cao thì trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2024, do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Tây Nguyên trải qua giai đoạn nắng nóng kéo dài làm tăng chi phí tưới nước, đặc biệt là các tỉnh Gia Lai và Kon Tum thiếu hụt nguồn nước tưới, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là vườn cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất là của Vinacafe đạt 1.579 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 988 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất đạt 10,6 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 4,6 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 63 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 13,5 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh thương mại dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024, trong dịch vụ chế biến qua kho, Trung tâm xuất nhập khẩu Vinacafe đã thực hiện chế biến dịch vụ với số lượng 13,415 tấn. Trong kinh doanh phân bón, số lượng tiêu thụ đạt 15.511 tấn, bằng 121,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong kinh doanh cà phê nội địa, số lượng tiêu thụ đạt 6.257 tấn. Tiêu thụ cà phê rang xay và cà phê hòa tan với số lượng đạt 283,37 tấn/500 tấn, đạt 56,67% so với kế hoạch năm, đạt 2397% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty đang tập trung vào các hoạt động thiết kế và phát triển hình ảnh thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác các sản phẩm cà phê chế biến sâu.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng triển khai thiết kế logo thương hiệu Vinacafe, thiết kế nhãn hiệu sản phẩm Vietnam Coffee, thiết kế bao bì các sản phẩm cà phê chế biến sâu; xây dựng tài liệu về chiến lược phát triển và định hình bản sắc nhãn hiệu sản phẩm Vietnam Coffee; đồng thời, xây dựng bộ nhận diện cho thương hiệu Vinacafe và nhãn hiệu Vietnam Coffee.
Tổng công ty cũng đã hoàn thiện nghiên cứu thị trường về tiềm năng ngành hàng cà phê tại Việt Nam, truy xuất dữ liệu trên kênh thương mại điện tử E-Commerce và hoàn thành các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế như Tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Chứng nhận lưu hành tự do (CFS) để đưa sản phẩm cà phê nhân xanh cũng như chế biến sâu của Tổng công ty ra thị trường quốc tế.
Vinacafe cũng triển khai xây dựng Kế hoạch tổng thể chung để truyền thông, bán hàng, xây dựng hệ thống phân phối tất cả các sản phẩm cà phê chế biến sâu nhãn hiệu Vietnam Coffee. Với 1.000 điểm bán hàng, 19 nhà phân phối trên cả nước, sản phẩm cà phê của Tổng công ty đang được quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới khách hàng trong nước.
Dự kiến từ nay tới cuối năm 2024 Vinacafe sẽ đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu Bộ nhận diện các sản phẩm và nhãn hiệu mới; tăng cường tiêu thụ ở các thị trường có nhu cầu lớn mà Tổng công ty đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu Vietnam Coffee tại 5 quốc gia, bao gồm Mỹ, Hàn, Nhật, Úc và Trung Quốc. Mục tiêu của việc đăng ký này là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của Vinacafe.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, Vinacafe đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.160 tỷ đồng (chỉ tiêu tổ hợp công ty Mẹ-con), tổng lãi đạt 12 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 34% so với thực hiện năm 2023; và khắc phục các chỉ tiêu, kết quả kinh doanh còn yếu kém, thua lỗ từ các năm trước.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vinacafe cho biết, doanh nghiệp đang trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Đồng thời, vườn cây cà phê kinh doanh hơn 25 năm nên đã già cỗi, năng suất và chất lượng vườn cây thấp.
Để thực hiện mục tiêu, Vinacafe đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tồn tại về tài chính, quản lý sử dụng đất đai của Tổng Công ty.
Về phần mình, Vinacafe sẽ xem xét giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể đến từng công ty thành viên; khuyến khích và có biện pháp trồng xen canh các cây trồng thích hợp trong thời gian kiến thiết cơ bản nhằm tăng thu nhập trên diện tích canh tác.
Để triển khai có hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xử lý các tồn tại về tài chính của Vinacafe trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây đã yêu cầu Vinacafe cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá toàn diện về tài chính, kết quả và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt là giám sát về tài sản, hàng hóa sản phẩm, công nợ, chi phí; hạch toán các khoản thu nhập theo đúng quy định của pháp luật.
Vinacafe cần khẩn trương, quyết liệt trong xây dựng, triển khai phương án tái cơ cấu phù hợp, cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên.