Thưa ông, ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan và có hiệu lực từ ngày 1/8/2008, theo đó, Hà Nội mở rộng địa giới theo hướng sáp nhập Hà Tây. Là một người gắn bó với Hà Nội và làm quy hoạch Thủ đô, thời điểm quyết định sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội ông có suy nghĩ gì? Việc mở rộng địa giới có ý nghĩa thế nào với Hà Nội?
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Từ 1954 đến nay, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính (năm 1961, 1978, 1991 và 2008). Cùng với đó, đã có 7 lần quy hoạch Thủ đô chung được phê duyệt. Trong quá trình phát triển hàng chục năm qua, mốc giới được coi là điểm nhấn quan trọng là năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới lên 3.344km2, trở thành một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới và cũng là đô thị lớn nhất cả nước.
Việc mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 đã tạo ra thời cơ mới nhưng cũng là thách thức rất lớn với Hà Nội. Bên cạnh việc quản lý, phát triển, còn phải giữ được tầm vóc của Thủ đô. Từ đó, Thủ tướng đã có Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô xác định thực hiện đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050.
Do đó, diện mạo Thủ đô từ 2008 đến nay đã đổi mới. Hà Nội đã hình thành các tuyến đường giao thông, trục không gian mang yếu tố hiện đại, là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông nhận định thế nào về việc mở rộng quy hoạch địa giới hành chính sang phía Tây Hà Nội mang lại những giá trị nào về kinh tế, trong đó tiềm lực về hạ tầng giao thông và đất đai sẽ phát triển ra sao?
Đối với việc mở rộng địa giới quy hoạch, Hà Nội tập trung phát triển đô thị về khu vực phía Tây (khu vực tỉnh Hà Tây cũ) thì đây là định hướng mới. Thực chất, khu vực phía Tây là nơi mở rộng đô thị trung tâm của Hà Nội, đồng thời, đây là khu vực kết nối các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, khu vực đấy Hà Nội có khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc và sẽ được phát triển là thành phố trực thuộc Trung ương, từ đó sẽ tạo ra động lực mới, xây dựng những biểu tượng mới của Hà Nội. Đây là một trong những vấn đề cụ thể hóa định hướng của Trung ương để thực hiện tiếp tục mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh.
Thời gian qua, Hà Nội cũng đã phát triển các dự án đô thị một cách mạnh mẽ nhưng việc kiểm soát tiến độ phát triển còn chậm. HĐND thành phố vừa qua đã rà soát, kiểm tra lại hơn 350 dự án và trong đó đã có những đề xuất, giải pháp cụ thể. Ví dụ, nhưng dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không hợp lý sẽ bị thu hồi lại. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục thực hiện các dự án không gian ngầm. Đây là định hướng giúp chúng ta khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.
Sau 16 năm mở rộng Hà Nội theo hướng sáp nhập Hà Tây, ông đánh giá thực trạng quy hoạch hiện nay thế nào? Việc thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Hà Nội tập trung phát triển đô thị về khu vực phía Tây (khu vực tỉnh Hà Tây cũ) với mô hình chùm đô thị rất có ý nghĩa với Hà Nội. Nhưng làm thế nào để thực tế quy hoạch thực hiện theo đúng kế hoạch đặt ra, thưa ông?
Khi phát triển đô thị sang phía Tây thì đầu tiên chúng ta tiếp tục triển khai các dự án để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh ở đó, bao gồm: trục trung tâm là Đại lộ Thăng Long và những tuyến đường thuộc phạm vi Hà Nội. Giao thông thì cần phải kết nối liên tỉnh, liên vùng và phát triển giao thông nội bộ trong thành phố cũng đã có các quy định mới trong Luật Thủ đô 2024.
Theo Luật Thủ đô 2024 sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, một giải pháp được kỳ vọng giải quyết các dự án chậm tiến độ là hình thức xử phạt áp dụng thường xuyên và nghiêm túc hơn. Cùng với đó, Hà Nội được quyền xây dựng chương trình phát triển đô thị Hà Nội thì cũng gắn với việc phát triển nông thôn. Như vậy sẽ đảm bảo việc kết cấu hạ tầng từ hạ tầng kỹ thuật, giao thông trước và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, để tổ chức thì vẫn còn khó khăn về nguồn lực thực hiện.
Việc xây dựng mô hình chùm đô thị là một trong những điểm nhấn của quy hoạch Thủ đô trong tương lai, tuy nhiên, còn gặp một số khó khăn trong thời gian qua về nguồn lực thực hiện. Do đó trong thời gian tới, phát triển đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Việc xây dựng đô thị đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, ngành. Đặc biệt, lấy người dân làm trung tâm, cần chú trọng đến những yếu tố tác động đến người dân.
Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ mang lại những giá trị không chỉ bộ mặt đô thị mà khu vực nông thôn cũng có những đột phá. Ông đánh giá thế nào về việc quy hoạch đô thị Hà Nội gắn liền với sự phát triển của các vùng nông thôn?
Trong quá trình phát triển, theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, chúng ta luôn chú trọng đến vấn đề phát triển đô thị phải hài hòa với nông thôn. Đây là vấn đề Hà Nội đã quan tâm và khẳng định lại vẫn tiếp tục phát huy vai trò của khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội, ngoài các huyện lên thành quận và mô hình thành phố trong Thủ đô thì khu vực nông thôn được nâng tầm từ nông thôn mới lên nông thôn kiểu mẫu và tiếp đó là nông thôn chất lượng cao, là định hướng mới và rất quan trọng.
Vấn đề quan trọng cũng được đặt ra làm sao để nông thôn tại Hà Nội phát triển tương xứng với khu vực Thủ đô. Những năm qua nhiều khu vực nông thôn Hà Nội đã dần thay đổi diện mạo. Trong đó, việc rà soát cụ thể hơn về định hướng phát triển đô thị, phát triển nông thôn, chú trọng tới đổi mới xây dựng nông thôn mới theo xu hướng nông thôn đô thị đặc biệt được triển khai hiệu quả. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu. Do đó, để gắn kết nông thôn, thành thị cần làm tốt hệ thống kết cấu hạ tầng đường giao thông, góp phần nâng chất lượng sống của người dân vùng nông thôn ngoại thành.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng xác định rõ nông nghiệp Thủ đô được tiếp tục phát triển gắn với hình thành hành lang xanh bảo vệ môi trường và tạo hành lang kinh tế xanh. Các trung tâm sản xuất, cụm trang trại nông nghiệp công nghệ cao… được xây dựng, hình thành trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao...
Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Do đó, chúng ta phải hoàn thành 2 đồ án quy hoạch là: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Điểm nhấn đặc biệt nhất trong 2 đồ án quy hoạch này là Hà Nội có cơ hội phát triển mạnh về kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo diện mạo đô thị mới. Ngoài ra, Hà Nội tiếp cận được yếu tố hiện đại, thông minh và phát triển bền vững.
Bên cạnh thuận lợi, quy hoạch Thủ đô còn những thách thức lớn cần giải quyết. Thứ nhất, gỡ nút thắt lớn về giao thông của Hà Nội, trọng tâm là đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Thứ hai, Hà Nội cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân khu vực phố cổ để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực nội đô lịch sử. Ngoài ra, giải quyết dứt điểm các khu chung cư, nhà tập thể cũ dù đã có lộ trình nhưng đến nay còn nhiều khó khăn. Đây là tồn tại lớn, nhức nhối của Thủ đô trong nhiều năm qua.
Từ 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 sẽ có hiệu lực, do đó các Sở, ngành Hà Nội đang xây dựng những văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa luật mới để sớm đi vào thực tế. Từ khung pháp luật mới sẽ tạo ra động lực thực hiện tốt 2 đồ án quy hoạch Thủ đô với những chính sách về phân cấp phân quyền mang lại thuận lợi cho Hà Nội. Trong đó, Hà Nội có quyền tự quyết đưa ra những chính sách đặc thù ngoài những luật thông dụng khác.
Việc chính sách sát thực tiễn được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề về huy động nguồn lực, việc thực hiện dự án sẽ dễ dàng xác định chủ đầu tư. Đặc biệt, vấn đề khai thác hiệu quả từ đất đai thông qua việc điều chỉnh trong bảng giá đất hàng năm được xây dựng bởi thành phố sẽ giải quyết tình trạng giá đất ảo từ các phiên đấu giá đất vừa qua. Tất cả những vấn đề trong 2 đồ án quy hoạch Thủ đô và Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo ra sức bật mới cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho mảnh đất nghìn năm văn hiến.