Dân Việt

Hơn 134 "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước lỗ trên 4,6 tỷ USD, EVN, Vietnam Airlines và Vinachem được kể tên

An Linh 08/10/2024 17:14 GMT+7
134/671 doanh nghiệp Nhà nước năm 2023 ghi nhận số lỗ hơn 115.270 tỷ đồng (4,6 tỷ USD), tương ứng với tỷ lệ gần 20% doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ từ trên 50% đến 100% bị thua lỗ.

Số doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ chiếm 20% tổng số doanh nghiệp Nhà nước

Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh năm 2023 của 813 doanh nghiệp có vốn Nhà nước gửi Quốc hội, đáng chú ý số lỗ của nhóm doanh nghiệp Nhà nước sở hữu vốn điều lệ từ trên 50% đến 100% được làm rõ.

Hơn 134 "ông lớn" Nhà nước lỗ trên 4,6 tỷ USD, EVN ôm hơn 1/5 số nợ - Ảnh 1.

EVN, Vietnam Airlines và Vinachem được chỉ mặt, điểm tên doanh nghiệp lỗ lớn năm 2023 (Ảnh: AL).

Cụ thể tính đến hết 31/12/2023, theo báo cáo của Chính phủ cả nước có khoảng 813 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó 671 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Có 142 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Tổng tài sản của 813 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước là 4 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023; vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp là khoảng 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm 2023.

Xét riêng về 671 doanh nghiệp Nhà nước đang sở hữu trên 50% - 100% vốn điều lệ, Chính phủ khẳng định, tổng tài sản nhóm doanh nghiệp này đạt trên 3,89 triệu tỷ đồng, chiếm trên 97% tổng tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước; tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022.

Tuy nhiên, năm 2023 có 134/671 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu từ 50-100% vốn điều lệ còn để xảy ra lỗ lũy kế, tổng số lỗ lũy kế là 115.270 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý có 72/671 có lỗ phát sinh trong năm 2023 hơn 33.703 tỷ đồng (chiếm gần 11% số doanh nghiệp nói trên)

Các ông lớn lỗ phát sinh năm 2023 được kể tên như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lỗ 26.700 tỷ đồng năm 2023, tăng 29% so với số lỗ năm 2022. Nguyên nhân EVN lỗ đậm chủ yếu do chi phí phát điện cao, nhưng giá điện chưa đủ bù đắp.

Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) lỗ hơn 8.850 tỷ đồng trong hai năm, đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm hơn 8.300 tỷ đồng.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) năm 2023 ghi nhận số lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều công ty con của tập đoàn này cũng lâm cảnh thua lỗ do giá bán suy giảm...

Bên cạnh tình cảnh u ám của hơn 130 doanh nghiệp thua lỗ, phần lớn là các doanh nghiệp mà vốn Nhà nước nắm giữ hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn ghi nhận doanh thu tăng, lãi.

Tại báo cáo, Chính phủ khẳng định, tổng số lãi của hơn 671 doanh nghiệp Nhà nước hết năm 2023 đạt hơn 211.200 tỷ đồng (gần 8,5 tỷ USD).

Báo cáo Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp Nhà nước vẫn có tầm quan trọng đặc biệt, là đầu tàu kinh tế với các nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế vừa ổn định xã hội, an sinh. Doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm vai trò then chốt ở các lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm như năng lượng, xăng dầu, tài chính, viễn thông và lương thực...

Tuy nhiên, so với yêu cầu và đòi hỏi của thời cuộc, vẫn có doanh nghiệp Nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, còn yếu ở những ngành quyết định đến nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế như công nghệ cao, cơ khí chính xác, linh kiện, máy móc và thiết bị, công nghệ nguồn.

Đặc biệt là các ngành, lĩnh vực đầu tư vào cho tăng trưởng mới như năng lượng sạch, tái tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, hydrogen chưa được ưu tiên.

"Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ", báo cáo của Chính phủ nêu.

Chính phủ khẳng định, ngoài cái nguyên nhân chủ quan, việc hoạt động kém hiệu của của một số doanh nghiệp Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực còn do nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách quản lý còn bất cập, việc thoái vốn, cổ phần hóa chậm...

Chính phủ đánh giá giải pháp thời gian tới tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ, nâng hiệu quả các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ.

Chính phủ định hướng phương án xử lý với các dự án thua lỗ nhằm giảm tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Gắn chặt việc hoạt động, tái cơ cấu hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước với trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả, rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm.