Ngày 29/10 tới, TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ xét xử cựu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh này về tội "Nhận hối lộ". Người đưa hối lộ là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty AIC, đang bỏ trốn và sẽ bị xét xử vắng mặt.
Trong vụ án này, bà Nhàn bị cáo buộc dùng chiêu "xin vốn trung ương cho tỉnh" để đặt vấn đề, trúng thầu cung cấp thiết bị cho 3 bệnh viện huyện tại Bắc Ninh. Qua việc vi phạm đấu thầu rồi nâng khống giá vật tư, Công ty AIC và một nhà thầu khác là Công ty Sông Hồng gây thiệt hại 48 tỷ đồng.
Đây không phải vụ án đầu tiên Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định nâng giá vật tư y tế rồi đưa hối lộ cho quan chức. Năm 2023, TAND TP.Hà Nội xác định doanh nghiệp này vi phạm đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng tại dự án Bệnh viện Đồng Nai.
Bản án thể hiện, Nguyễn Thị Thanh Nhàn muốn Công ty AIC của mình trúng thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai nên gặp, nhờ bị cáo Trần Đình Thành, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy giúp đỡ.
Thông qua ông Thành, bị cáo Nhàn và người trong AIC tiếp xúc với các lãnh đạo khác gồm Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế; Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư.
Được nhóm trên "tạo điều kiện", Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai với giá cao hơn thị trường. Sau đó, nhóm AIC hối lộ các bị cáo cựu Bí thư và cựu Chủ tịch Đồng Nai mỗi người 14,5 tỷ đồng; Vũ 14,8 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng đánh gía hành vi trên của Nguyễn Thị Thanh Nhàn là "minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm", thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền.
Tại phiên tòa này, các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thừa nhận việc nhận hối lộ từ Nguyên Thị Thanh Nhàn và cho hay, AIC là công ty lớn và uy tín, có nhiều "mối quan hệ" lại có công xin vốn Trung ương cho tỉnh nên mới "tạo điều kiện" cho doanh nghiệp này tham gia, trúng thầu.
Cựu Bí thư Trần Đình Thành giải thích chỉ đạo "tạo điều kiện" cho AIC trên tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, không có ý "ưu ái đặc biệt". Vị này trình bày 14,5 tỷ đồng nhận từ Nhàn đã "mang đi làm từ thiện". Cựu Chủ tịch Đồng Nai thì khai cũng nhận 14,5 tỷ đồng nhưng "đã đưa cho vợ đóng tiền học cho con".
Tòa sơ thẩm rồi sau đó là phúc thẩm phạt cựu Bí thư Trần Đình Thành 11 năm tù; cựu Chủ tịch Đinh Quốc Thái 9 năm tù về tội nhận hối lộ; 34 bị cáo khác lĩnh từ án treo đến cao nhất 16 năm tù.
Xin vốn trung ương cho tỉnh
Với vụ án liên quan Công ty AIC tại Bắc Ninh, cơ quan tố tụng cáo buộc nhóm Công ty Sông Hồng của bị can Lã Tuấn Hưng và nhóm Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có hành vi chia nhau 6 gói thầu thiết bị y tế tại 6 bệnh viện huyện ở Bắc Ninh, gây thiệt hại 48 tỷ đồng.
Lý do hai doanh nghiệp này có thể tham gia, trúng mỗi bên 3 gói thầu vì đều "có công" xin vốn bổ sung cho 6 bệnh viện nói trên.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh khai đồng ý phân chia cho nhóm Công ty Sông Hồng và Công ty AIC, mỗi bên thực hiện 3 gói thầu bởi: "Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là ưu tiên những đơn vị đã hỗ trợ xin cấp vốn cho tỉnh. Họ sẽ được tạo điều kiện cho trúng thầu, tham gia thực hiện các gói thầu đã xin được cấp vốn".
Vụ việc bắt đầu năm 2013, khi ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch Công ty Sông Hồng (qua đời năm 2021) đặt vấn đề, bản thân "có nhiều mối quan hệ thân thiết" nên sẽ xin được vốn bổ sung từ Chính phủ cho 6 bệnh viện huyện tại Bắc Ninh.
Đổi lại, lãnh đạo tỉnh phải cho phía công ty của ông Phong tham gia, trúng thầu cả 6 dự án. Để xin được nguồn vốn từ Trung ương, ông Phong sẽ phải đi chi phí ngoại giao tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng.
Nhóm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khi đó gồm ông Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Tiến Nhường đều đồng ý để Công ty Sông Hồng giúp "xin vốn" và đổi lại, sẽ cho doanh nghiệp này trúng thầu.
Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc Công ty AIC cũng đặt vấn đề sẽ: "Tác động lên các bộ, ban, ngành Trung ương để xin phê duyệt nguồn vốn bổ sung cho các dự án về y tế tại Bắc Ninh". Điều kiện đi kèm, Công ty AIC phải được tham gia và trúng thầu 6 gói dự án bệnh viện huyện.
Nhóm cán bộ Bắc Ninh biết bà Nhàn "có quan hệ rộng" nên đồng ý. Bị can Nguyễn Nhân Chiến khai, ông và các cấp phó đều thống nhất nhờ doanh nghiệp "hỗ trợ" xin vốn Trung ương và đổi lại, tạo điều kiện cho họ trúng thầu.
Cũng theo cựu Bí thư Tỉnh ủy: "Nguyễn Thị Thanh Nhàn có mối quan hệ rộng với các lãnh đạo Trung ương và đã hỗ trợ tỉnh xin vốn nhiều dự án".
Do vậy, khi bà Nhàn đặt vấn đề, nhóm lãnh đạo Bắc Ninh thống nhất phương án phân chia 6 gói thầu bệnh viện để "tránh va chạm". Cụ thể, họ cho Công ty Sông Hồng trúng 3 gói tại Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du còn Công ty AIC trúng 3 gói tại Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài.
Theo tài liệu, sau khi các lãnh đạo Bắc Ninh đồng ý để Nguyễn Thị Thanh Nhàn giúp "xin vốn Trung ương", tỉnh này nhận 850 tỷ đồng vốn bổ sung từ nguồn trái phiếu Chính phủ.