Dân Việt

Xã Nghĩa Tâm của tỉnh Yên Bái xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hà Thanh - Kiều Hải 10/10/2024 05:40 GMT+7
Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Nghĩa Tâm đang từng bước cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

Duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt

Xã Nghĩa Tâm nằm ở phía Tây Nam của huyện Văn Chấn, cách trung tâm huyện 40 km, với hệ thống giao thông đi lại thuận tiện. Diện tích tự nhiên trên 4.400ha, dân số 8.000 người với trên 2.000 hộ, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh và Tày. 

Đây là một trong những địa phương về đích nông thôn mới sớm (năm 2017) trên địa bàn huyện Văn Chấn. Năm 2023, xã có kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao với những định hướng cụ thể. 

Điển hình như, địa phương này xác định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Nghĩa Tâm của tỉnh Yên Bái xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Ảnh 1.

Xã Nghĩa Tâm đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao với nhiều điều kiện thuận lợi. Ảnh: Hà Thanh

Cùng với đó, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển nông thôn bền vững; có kinh tế phát triển; hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại, phù hợp; môi trường sinh thái trong lành; bản sắc văn hóa làng quê được giữ gìn và phát huy; an ninh trật tự xã hội đảm bảo.

Đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. 

Trong đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất. Vận động nhân dân đầu tư máy móc, thiết bị để thực hiện tốt cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập, nhất là nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Xã Nghĩa Tâm của tỉnh Yên Bái xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Ảnh 2.

Hệ thống cơ sở vật chất trường học được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ảnh: Hà Thanh

Địa phương đặt mục tiêu, đến cuối năm 2023 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người/năm. 

Đến cuối năm 2025 đạt 59 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, thiết thực, mang lại giá trị mô hình xã thông minh, phát triển mô hình chuyển đổi số ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng hiệu quả đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Xã Nghĩa Tâm của tỉnh Yên Bái xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Ảnh 3.

Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Hà Thanh

Đồng thời, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu; Hợp tác xã kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả, từ đó giúp giảm tối đa số hộ nghèo trên địa bàn xã.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, không thụ động, trông chờ, ỷ lại

Để hoàn thành những mục tiêu đó thì công tác triển khai phải được tiến hành chủ động, có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân tổ chức thực hiện các tiêu chí, không thụ động trông chờ, ỷ lại vốn của cấp trên, mà xác định tiêu chí nào thuận lợi sẽ cho triển khai thực hiện trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo.

Xã Nghĩa Tâm của tỉnh Yên Bái xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Ảnh 4.

Cán bộ địa phương luôn tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó có sự hưởng ứng tích cực. Ảnh: Hà Thanh

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tất cả các tiêu chí nông thôn mới đều được địa phương thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Nhờ đó, nhiều chủ trương được người dân hưởng ứng tích cực, nhất là phong trào tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân luôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vì thế cũng giảm đáng kể.

Khe Tho là một trong những thôn có điều kiện kinh tế tương đối phát triển trên địa bàn xã Nghĩa Tâm với nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.

Chia sẻ về quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Nguyễn Đức Long – Bí thư Chi bộ thôn Khe Tho khẳng định: "Thôn Khe Tho có tất cả 98 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. 

Nếu như trước đây, khi chưa có đường bê tông, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân của người dân trong thôn chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng lên trên 50 triệu đồng/người/năm. 

Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn, chúng tôi đã vận động bà con nhân dân đóng góp để làm các tuyến đường, nhìn chung bà con đều rất hào hứng và đồng tình ủng hộ. Đến nay, thôn Khe Tho đã có khoảng 99% đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá với chiều dài hơn 5.000m".

Xã Nghĩa Tâm của tỉnh Yên Bái xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Ảnh 5.

Nhờ sự hưởng ứng và tham gia đóng góp tích cực của người dân, các tuyến đường bê tông nông thôn đã được đầu tư xây dựng đến từng nhà, từng ngõ ngách. Ảnh: Hà Thanh

Ông Long cho biết thêm, sau 3 năm triển khai thực hiện, từ năm 2022 – 2024, bà con trong thôn đã tham gia đóng góp số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng để làm các tuyến đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, bà con còn đóng góp để xây dựng nhiều công trình khác như làm mương thuỷ lợi, sân vận động, tu sửa hội trường thôn…

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Đình Hiền - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm cho biết: Kinh tế của người dân trên địa bàn xã Nghĩa Tâm chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó tập trung vào trồng lúa và trồng rừng. Những năm gần đây, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hiện, trên địa bàn xã còn khoảng 500 hộ nghèo (chiếm 0,07%).

Theo ông Hiền, xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, về 19 tiêu chí nông thôn mới đã đạt hiện địa phương đang duy trì và tiếp tục nâng cao. 

Khó khăn nhất hiện nay trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao là về cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ đặc biệt là các nhà văn hoá, các trường học còn thiếu phòng học. 

Cùng với đó là tiêu chí về môi trường, đường giao thông chưa đồng bộ, trên địa bàn xã chưa có nơi thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, việc quy hoạch các khu chăn nuôi không tập trung cũng gây khó khăn cho công tác thực hiện tiêu chí môi trường nói trên.