Từng có gần 10.000ha, vì sao diện tích ca cao của tỉnh Bến Tre biến mất khỏi bản đồ?

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 09/10/2024 14:11 PM (GMT+7)
Bị cạnh tranh gay gắt với các loại cây trồng khác, diện tích ca cao Việt Nam giảm liên tục từ năm 2012 tới nay. Riêng tỉnh Bến Tre từng có gần 10.000ha ca cao nhưng đến nay không còn diện tích để thống kê.
Bình luận 0

Đây thông tin được chia sẻ tại Hội thảo thường niên Câu lạc bộ Ca cao ASEAN do được Bộ NNPTNT đăng cai tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 9/10.

Diện tích ca cao Việt Nam giảm mạnh

TS. Nguyễn Viết Khoa, Ban điều phối Ca cao Việt Nam cho biết, năm 2012, diện tích ca cao Việt Nam đạt 25.700ha. Đến năm 2023, diện tích ca cao Việt Nam giảm còn 3.471ha.

Trong đó, diện tích ca cao cho thu hoạch 2.836ha; sản lượng 4.786 tấn hạt khô, năng suất 16,9 tạ hạt khô/ha.

Diện tích ca cao Việt Nam giảm mạnh, tìm giải pháp phát triển bền vững- Ảnh 1.

Câu lạc bộ Ca cao ASEAN (ACC) tổ chức hội thảo lần thứ 24 về Hợp tác ASEAN và các phương pháp tiếp cận chung trong chương trình thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tây Nguyên là vùng sản xuất tập trung có diện tích lớn nhất nước với 1.674ha, sản lượng 2.038 tấn; chiếm 48% diện tích và 43% sản lượng.

Vùng Đông Nam bộ có diện tích 1.380ha, sản lượng 2.291 tấn; chiếm 40% diện tích và 48% sản lượng cả nước.

Vùng ĐBSCL có với diện tích 399ha, sản lượng 453 tấn; chiếm 11% diện tích và 9% sản lượng cả nước.

Theo TS. Khoa, những năm gần đây, hiệu quả sản xuất ca cao không cao; tiếp tục gặp khó khăn, bị cạnh tranh với cây ăn quả, cây công nghiệp.

Đơn cử tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích ca cao trên 10 năm tuổi do cạnh tranh cây trồng, nông dân đã chuyển đổi phần lớn sang trồng cà phê xen canh cây ăn trái như sầu riêng, bơ.

Vùng ĐBSCL do diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, sâu bệnh. Các yếu tố này dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, không cạnh tranh được với cây trồng khác.

Diện tích diện tích ca cao trồng xen dưới tán dừa, cây ăn quả giảm mạnh tại tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang.

"Tỉnh Bến Tre thì không còn diện tích ca cao, dù trước đây, tỉnh này có thời điểm đạt diện tích cao nhất gần 10.000ha ca cao trồng xen dưới tán dừa và cây ăn quả", TS. Khoa cho biết.

Diện tích ca cao Việt Nam giảm mạnh, tìm giải pháp phát triển bền vững- Ảnh 2.

Vùng trồng ca cao ở huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Nguyên Vỹ

Không chỉ diện tích ca cao giảm, sản xuất ca cao đạt chứng nhận cũng giảm. Ban điều phối Ca cao Việt Nam cho biết, sản xuất ca cao tại Việt Nam chủ yếu theo chứng nhận UTZ.

Theo số liệu của UTZ Certified, sản xuất ca cao chứng nhận tại Việt Nam đạt cao nhất vào năm 2014. Trong đó có 16 đơn vị sản xuất tham gia, với 3.323 hộ, 2.822ha và sản lượng 2.654 tấn được chứng nhận UTZ.

Giai đoạn này, phần lớn chi phí chứng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức như UTZ Certified, Helvetas Việt Nam, Dự án PPP. Tuy nhiên, sau năm 2014, khi nguồn hỗ trợ từ các tổ chức giảm, việc sản xuất chứng nhận có xu hướng giảm.

Đến năm 2019 tại Việt Nam có 1 đơn vị sản xuất được chứng nhận với 351 hộ, 369,4 ha và sản lượng 654,8 tấn tại các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai.

Phát triển ca cao Việt Nam bền vững

TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cũng như một số nước trong khu vực, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức, hạn chế sự phát triển ca cao.

Các thách thức này bao gồm biến động giá cả, chênh lệch lớn giữa cung và cầu, sâu bệnh gây hại, tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh thực phẩm trên toàn cầu.

TS. Thanh cho biết, để phát triển ca cao bền vững, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đầu tư dự án nghiên cứu, phát triển giống ca cao có năng suất, chất lượng tốt; đặc biệt có khả năng kháng bệnh thối trái do nấm Phytophthora và bọ xít muỗi.

Song song với đó là hỗ trợ xây dựng thương hiệu hạt ca cao Việt Nam, các sản phẩm chế biến từ hạt ca cao Việt Nam

Một giải pháp quan trọng là cần tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với nông dân sản xuất.

Theo TS. Thanh, doanh nghiệp sẽ là trung tâm, chủ đạo để thúc đẩy sản xuất, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô tập trung, liên kết với nông dân.

Ngoài ra, các địa phương cần duy trì diện tích ca cao hiện có, hỗ trợ thức đẩy sản xuất thâm canh. "Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết với người sản xuất thông qua câu lạc bộ, nhóm sở thích, tổ liên kết, HTX; trang trại, hình thành vùng sản xuất tập trung", TS. Thanh đề nghị.

Diện tích ca cao Việt Nam giảm mạnh, tìm giải pháp phát triển bền vững- Ảnh 4.

Công ty TNHH ca cao Trọng Đức ở tỉnh Đồng Nai là một trong những đơn vị đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo TS. Ramle Kasin, Ban điều phối Ca cao Malaisia, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ socola ngày càng tăng trên toàn cầu. Ngành ca cao đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia ASEAN.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững, Hội thảo thường niên Câu lạc bộ Ca cao ASEAN là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và Chính phủ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm ca cao.

"Hội thảo thường niên Câu lạc bộ Ca cao ASEAN là cơ hội quan trọng để các bên liên quan cùng nhau chung tay xây dựng một ngành ca cao ASEAN phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng", TS. Ramle Kasin chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem