Ngày 9/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Đảng ủy Sở GDĐT, Đảng ủy Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Thường vụ Hội Khuyến học thành phố, Thành Đoàn, Đảng ủy Đại học Quốc Gia TP.HCM, Đảng ủy Khối ĐH-CĐ tổ chức tọa đàm "Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM".
Phát biểu tại toạ đàm, đại diện Sở VHTTDL TP.HCM thông tin, việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Khu phố, ấp văn hóa", "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Công dân học tập", "Cộng đồng học tập", các khu phố/ấp, gia đình đã nâng cao ý thức của mỗi người trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ việc gắn kết phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Gia đình văn hoá", "Khu dân cư văn hoá" với các mô hình "Công dân học tập", "Dòng họ học tập", "Gia đình học tập" và "Cộng đồng học tập" đã góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa toàn diện.
Sở VHTTDL TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn TP có có hơn 1,5 triệu (chiếm 98,12%) gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa". Gần 2.000 khu phố, ấp văn hóa (91,65%); xấp xỉ 1,2 triệu gia đình đạt "Gia đình học tập" tỷ lệ 61,40%.
Cùng với đó, có đến 1.109 dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập tỷ lệ 87,81%; 4.196 khu phố, ấp đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập" tỷ lệ 96,63%. Gần 1,2 triệu công dân đạt "Công dân học tập" đạt tỷ lệ 95,05%. Qua đánh giá, hầu hết các gia đình văn hóa, khu phố văn hóa cũng là những gia đình học tập, cộng đồng học tập.
Theo Sở VHTTDL TP.HCM, xây dựng "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Công dân học tập" là một trong những nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của nền giáo dục nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Xây dựng các mô hình học tập sẽ giúp mọi người bất kể độ tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội... đều thấy cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách theo nguyên tắc tự học là chính.
Sở VHTTDL TP.HCM nhấn mạnh, đây là những vấn đề đặt ra cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả, có định hướng nhất định, có sự phấn đấu, nỗ lực bền bỉ và lâu dài của tất cả các đơn vị liên quan nhằm thực hiện tốt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030", "Công tác khuyến học, khuyến tài phải phát triển cao hơn, rộng hơn".
Cũng tại toạ đàm, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, đầu năm 2024, TP.HCM chính thức được công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Theo ông, đây là một dấu mốc để đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài của thành phố được phát triển hơn nữa. Công tác khuyến học, khuyến tài là trách nhiệm, vai trò của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ riêng của ngành GDĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội hay Khuyến học.
Ông Sơn mong muốn các đơn vị, các hội khuyến học tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đạt được, khắc phục những khó khăn trong công tác khuyến học, khuyến tài, trong đó phát huy vai trò của chỉ đạo các cấp uỷ đảng, tập trung chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu học tập của các đối tượng. Đặc biệt, cần tiếp tục gắn công tác khuyến học với hệ thống trường học và công tác truyền thông.
Ông Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, ở góc độ cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, nếu muốn phát triển kinh tế xã hội mà không có công tác giáo dục dạy nghề và khuyến học khuyến tài thì coi như con số không:
"Có những ngành nghề trực tiếp đem lại nguồn kinh tế lớn cho thành phố, nhưng cũng có ngành nghề, hội đoàn gián tiếp và nếu không có những yếu tố này sẽ không có được sức mạnh. Nếu không đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề, công tác khuyến học khuyến tài chúng ta sẽ yếu trong việc phát triển thành phố cũng như đất nước", ông Sơn nhấn mạnh.