Dân Việt

Tài xế bỏ lại ô tô, nhảy xuống ao trốn kiểm tra nồng độ cồn, có thể bị xử lý những lỗi vi phạm nào?

Phi Long 11/10/2024 06:46 GMT+7
Khi CSGT Đà Nẵng ra hiệu dừng xe, nam tài xế đã điều khiển xe ô tô lạng lách bỏ chạy, sau đó lao xuống ao hòng tẩu thoát. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.

Nam tài xế điều khiển ô tô bỏ chạy khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn

Ngày 9/10, lực lượng chức năng Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) đã lập biên bản xử lý một tài xế vi phạm giao thông, điều khiển ô tô trốn chạy khi bị CSGT kiểm tra.

Khoảng 16h20 ngày 09/10, tổ công tác thuộc trạm CSGT cửa ô Hòa Phước phát hiện ô tô BKS 43B - 055.24 có biểu hiện vi phạm giao thông. 

Khi tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy. Quá trình di chuyển, xe ô tô liên tục lạng lách và đánh võng trên đường.

Sau quãng đường dài truy đuổi, tổ công tác tiếp cận được xe vi phạm. Lúc này, tài xế lái xe phóng vào một bãi đất trống tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) rồi nhảy xuống ao nước gần đó nhằm bỏ trốn.

Tổ công tác tiếp tục đuổi theo bắt giữ hai đối tượng trên và phối hợp với Công an phường Hòa Minh khám xét phương tiện.

Tại cơ quan công an, tài xế khai tên Lê Văn S (20 tuổi), người ngồi bên cạnh là Ngô Công L (17 tuổi).

Sau khi nhậu xong, S lái xe về và vi phạm tốc độ. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của tài xế này vượt quá 0,4mg/ lít khí thở.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế S về các lỗi: "Vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, không có đăng ký và kiểm định xe". Hiện xe khách 43B - 055.24 đang bị tạm giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

Tài xế bỏ lại ô tô, nhảy xuống ao trốn kiểm tra nồng độ cồn, có thể bị xử lý những lỗi vi phạm nào?- Ảnh 2.

Tài xế S lao xe vào một bãi đất trống rồi tiếp tục bỏ chạy. Ảnh: CA.

Tài xế điều khiển ô tô có thể bị xử phạt nhiều lỗi vi phạm

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. 

Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.

Luật sư Sơn cho hay, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, lái xe có thể sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng căn cứ điểm b Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đối với hành vi vi phạm tốc độ, tùy vào tốc độ vượt quá bao nhiêu, tài xế có thể sẽ bị xử phạt về hành vi chạy quá tốc độ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức xử phạt tiền từ 800.000 đồng lên đến 12.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.

Với lỗi không có đăng ký và kiểm định xe, tài xế có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.