Lái xe vi phạm nồng độ cồn, ám ảnh cả năm, bị phạt một lần "cạch đến già"
Lái xe vi phạm nồng độ cồn, ám ảnh cả năm, bị phạt một lần "cạch đến già"
Nhật Minh
Thứ sáu, ngày 04/10/2024 10:20 AM (GMT+7)
Từ khi Bộ Công an bắt đầu chiến dịch ra quân xử lý "ma men" vi phạm nồng độ cồn hồi tháng 3/2022, nhiều người bị phạt tiền, tạm giữ phương tiện, giữ bằng lái ô tô gây ảnh hưởng đến đời sống và ám ảnh cho đến tận bây giờ.
"Đau ví", vợ giận cả tuần không nói câu nào vì lái xe vi phạm nồng độ cồn
Khoảng tháng 11/2023, anh Nguyễn Văn Hải (Hà Đông, Hà Nội) bị lực lượng Cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn khi đang lái xe ô tô trên đường từ quán nhậu về nhà. Kết luận sau khi đo nồng độ cồn trong hơi thở của anh Hải, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt ở mức cao nhất (từ 30 đến 40 triệu đồng, giữ bằng lái xe từ 22 đến 24 tháng).
Tính từ thời điểm anh Hải bị thu giữ bằng lái ô tô đến nay mới gần được một năm và phải sang năm (11/2025) mới hết hạn giữ bằng. Nhiều phiền toái gặp phải khi bị giữ bằng lái xe trong khoảng thời gian dài, chưa kể một khoản tiền lớn phải bỏ ra để nộp phạt khiến anh Hải "đau ví".
"Tôi vẫn nhớ hôm đó tiếp khách và uống nhiều rượu mạnh, tàn cuộc nhậu tôi vẫn còn tỉnh táo nên quyết định tự lái xe về nhà vì khoảng cách rơi vào hơn 1km. Không ngờ lại gặp chốt thổi nồng độ cồn trên trục đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông)", anh Hải kể lại.
Anh Hải cho biết thêm, sáng hôm sau khi tỉnh táo anh chia sẻ với vợ về việc mình bị thổi nồng độ cồn, bị giữ xe ô tô, giữ bằng lái xe 24 tháng kèm theo đó là một khoản tiền lớn. Sau cuộc nói chuyện, vợ anh giận cả tuần không nói một câu nào.
"Phải mất một năm nữa tôi mới lấy được bằng lái xe ô tô, cả năm qua khốn khổ vì không có bằng lái, đi làm toàn đi xe máy, có đi ô tô phải để vợ lái xe và đi nhậu thì chắc chắn đi taxi hoặc bắt xe công nghệ", anh Hải chia sẻ.
Ở một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Thoan (Thái Bình) thừa nhận mình là người hay có thú vui nhậu nhẹt cùng anh em bạn bè. Chính thú vui đó khiến anh phải bỏ nửa già một tháng lương để nộp phạt vì vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy.
"Hôm đó tôi vẫn nhớ như in, mình uống khoảng 13 cốc bia. Ra khỏi quán từ đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm) đi về nhà ở Dương Nội (Hà Đông) thì gặp chốt xử lý nồng độ cồn. Sau khi thổi, tôi thấy lực lượng chức năng thông báo mình bị phạt 7 triệu và giữ bằng 24 tháng. Tôi ký biên bản và bắt xe ôm về nhà", anh Thoan nhớ lại.
Kể từ lần bị phạt nhớ đời ấy, anh Thoan cho biết mình chưa vi phạm lại lần nào. Thói quen nhậu nhẹt thì không bỏ được nhưng mỗi lần đi nhậu, đi liên hoan anh đều chủ động đi xe ôm hoặc bắt xe công nghệ.
Cầm lon bia hay ly rượu cũng phải tính để không vi phạm nồng độ cồn
Theo luật pháp Việt Nam, hành vi lái ô tô sau khi đã uống bia/rượu bị cấm hoàn toàn; mức phạt có thể lên tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX), và thậm chí là phạt tù 15 năm nếu gây tai nạn nghiêm trọng. Mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy thấp hơn.
Từ khi Bộ Công an đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn đã làm thay đổi hẳn nhận thức của đa số người tham gia giao thông. Việc uống rượu bia trước khi lái đã được cân nhắc, thậm chí ăn sâu vào tiềm thức của người mọi người.
Anh Lã Văn Hiệp (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, trước đây bản thân anh là người cũng thường xuyên sử dụng rượu bia. Từ thời điểm Bộ Công an ra quân quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, anh Hiệp khẳng định không còn lái xe khi trong người có nồng độ cồn.
Anh Nguyễn Duy Thịnh (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi nghĩ việc lái xe ô tô trong tình trạng cơ thể có nồng độ cồn bây giờ không còn nhiều. Đa phần người dân đã ý thức được việc đó sẽ bị phạt rất nặng, hoặc không may xả ra tai nạn thì hậu quả để lại còn khủng khiếp hơn".
Trong khi đó anh Võ Hoàng Anh (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, tửu lượng của anh khá tốt, nếu uống 4 đến 5 lon bia vẫn không say và kiểm soát được hành vi của mình. Tuy nhiên, với mức phạt cho hành vi vi phạm nồng độ cồn rất cao nên lái xe sau khi đã uống rượu bia không khác chơi trò mạo hiểm.
"Ngay tại Kỳ họp Quốc hội đợt tháng 6 vừa rồi cũng đã đưa việc này ra thảo luận. Sau đó Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, thống nhất quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bản thân tôi đồng tình về việc này, thậm chí còn mong muốn phạt nặng hơn để dẹp bỏ việc lái xe khi đã uống rượu bia", anh Bùi Văn Thanh (Hà Đông) nói.
Trước đó vào tháng 8/2024, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với nghị định 100 đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu, chưa vượt quá 50miligam/100mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25miligam/1 lít khí thở. Tuy nhiên, ở dự thảo mới nhất, Bộ Công an đã bác bỏ đề xuất này và vẫn giữ nguyên mức phạt như cũ.
Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 35/CT-TTg quy định về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Năm 2023 và quý 1/2024, công an cả nước đã xử phạt và gửi thông báo về đơn vị quản lý hơn 7.600 đảng viên, cán bộ vi phạm nồng độ cồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.