Dân Việt

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 63 hợp tác xã tiêu biểu là những đầu tàu, kéo nông dân cùng làm giàu

Khánh Nguyên (ghi) 11/10/2024 06:01 GMT+7
Là một trong những thành viên Hội đồng chung khảo bình chọn 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tư vấn, hỗ trợ, vận động, hướng dẫn thành lập, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) rất ấn tượng với mô hình, thành tích của các hợp tác xã được đề cử.
Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch Đầu tư - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) rất ấn tượng với mô hình, thành tích của các hợp tác xã tiêu biểu năm 2024.

Là một trong những thành viên Hội đồng chung khảo bình chọn 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tư vấn, hỗ trợ, vận động, hướng dẫn thành lập, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các hợp tác xã được đề cử năm nay?

- Hội đồng chung khảo bình chọn 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tư vấn, hỗ trợ, vận động, hướng dẫn thành lập ngoài lãnh đạo các ban, đơn vị của Hội còn có đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT); Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương); Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. 

Do vậy, những đánh giá, nhận xét về các hợp tác xã được đề cử năm nay rất toàn diện, có sự thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương, từ các cấp Hội đến đại diện các ban ngành chức năng: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Liên minh HTX Việt Nam. Quá trình bình chọn được thực hiện nghiêm túc, từ cơ sở Hội đến Hội Nông dân cấp tỉnh, Hội Nông dân Trung ương và Hội đồng chung khảo họp, thống nhất lần cuối. 

Cơ bản các thành viên trong Hội đồng bình chọn đều đánh giá cao những hợp tác xã được đề cử năm nay. Đây là các đơn vị có hoạt động vô cùng nổi bật, đóng góp rất lớn quá trình phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. 

Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch Đầu tư - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh thăm và làm việc tại Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn, HTX có doanh thu cao nhất trong số 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Ảnh: Sở NNPTNT Tây Ninh.

Đâu là những điểm nhấn ấn tượng của ông với các hợp tác xã tiêu biểu được bình chọn năm nay?

- Tôi đặc biệt ấn tượng với các hợp tác xã có doanh thu lớn. Ví dụ như Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn (xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) với doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 132,5 tỷ đồng với vùng trồng được mở rộng lên đến 115ha, sản lượng dự kiến 2.500 tấn.

HTX cũng đã xây dựng thành công và đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cho sầu riêng Bàu Đồn. Năm 2025, HTX phấn đấu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao và hướng đến đạt chứng nhận sản phẩm an toàn. 

HTX nông nghiệp 118, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đã đầu tư nhà xưởng, kho lạnh, vườn ươm cây con dâu tằm, cây hồi, quế có bầu và không có bầu để cung ứng cho dự án và hộ nghèo; đã ký kết 5 năm với Công ty cổ phần dâu tằm tơ Tây Bắc tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La về bao tiêu lượng kén tằm với giá cả ổn định; liên kết hơn 600 hộ dân về giống, thuốc men,… chăn nuôi tằm. Tổng doanh thu bán kén tằm khoảng 100,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ đạt tổng doanh thu hơn 167,8 triệu đồng; tổng thu nhập bán kén tằm, giống tằm con và cung ứng dụng cụ thiết bị nong, né chăn nuôi tằm khoảng 102,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Châu Pha (Bà Rịa Vũng Tàu) cũng có doanh thu 52 tỷ đồng; HTX trái cây sinh học OCOP (Hậu Giang) doanh thu 65 tỷ đồng,… 

Một số HTX có đông thành viên như HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (Phú Yên) với 2.000 thành viên; HTX Nông nghiệp Thủy Tân (Thừa Thiên Huế) với 668 thành viên; HTX nông nghiệp Chợ Vàm (An Giang) với 316 thành viên.

Hầu hết các HTX đều tổ chức xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đã đạt 3 sao trở lên; trong đó, sản phẩm của HTX cà phê Bích Thao (Sơn La) đã đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia; sản phẩm của HTX nông nghiệp Tân Thành (Bắc Kạn0 đạt 4 sao.

Các HTX đều tích cực liên kết với các hộ nông dân hình thành vùng sản xuất quy mô lớn như: HTX Tân Thành liên kết với 428 hộ trồng nghệ; HTX nông nghiệp Tân Phú (Bến Tre) liên kết với 300 hộ trồng sầu riêng; HTX sản xuất thương mại dịch vụ Bình Minh (Đắk Nông) liên kết với 825 hộ trồng tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế; HTX Tâm Thiện (Điện Biên) liên kết với gần 1.000 hộ để trồng lúa chất lượng cao…

Một số HTX mới thành lập, trong những lĩnh vực mới như phát triển du lịch sinh thái nhưng đã mang lại kết quả tích cực như HTX Mường Lống (Nghệ An).

Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch Đầu tư - Ảnh 3.

HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống (Nghệ An) khai thác các giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: LMHTX Nghệ An.

Nhìn chung, 63 HTX tiêu biểu được biểu dương năm 2024 đã bao trùm nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nông nghiệp, nông thôn, từ thương mại dịch vụ đến sản xuất, nuôi trồng; nhiều HTX mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; có những HTX ở vùng sâu vùng xa nhưng đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương như HTX Sukova ở Lai Châu, HTX Mường Lống ở Nghệ An.

Đây là năm thứ 2, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn, biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam coi như một trong những nhiệm vụ trọng tâm? 

Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 182/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 Phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" đã khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu được của các cấp Hội Nông dân trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Những năm qua, Hội Nông dân luôn chủ động, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, theo phương thức "5 tự", "5 cùng", góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã của Hội.

Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích đảm bảo nguyên tắc "5 cùng", các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã khắc phục được cơ bản những hạn chế, khó khăn trong nhiều năm về hoạt động của chi Hội, tổ Hội và tạo cơ sở nền tảng cho việc tham phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. 

Báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho thấy, tính đến nay cả nước đã có 2.101 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 24.343 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được thành lập với ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến thủy sản; tiểu thủ công nghiệp, cơ khí,...

Những con số này cho thấy, các cấp Hội Nông dân đã có nhiều cách làm sáng tạo để phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp, làm tiền đề cho việc hình thành các hợp tác xã. Là cơ quan chủ trì tổng thể về kinh tế tập thể, chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc chủ động, tích cực của Hội Nông dân, góp phần đưa Nghị quyết 20 của Đảng về kinh tế tập thể đi vào cuộc sống. 

Tôi tin, với Quyết định 182, Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp cùng các bộ ngành chức năng, các địa phương sẽ có nhiều không gian để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững, tạo đà cho nông dân liên kết, sản xuất lớn, nâng cao giá trị nông sản.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!