Dân Việt

Việt Nam có thể làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?

Thế Anh - Phạm Linh 11/10/2024 07:30 GMT+7
Lãnh đạo VNR cho biết, đường sắt quốc gia đang khai thác đã cơ bản làm chủ công nghệ và tỷ lệ nội địa hoá đối với toa xe đã được khoảng 70 - 80% và sẵn sàng tham gia dự án đường sắt tốc độ cao.

Cần chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã lên các kịch bản, phương án để kịp thời tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tăng năng lực, kinh nghiệm khi được tham gia vào dự án.

Đối với kế hoạch làm "chủ cuộc chơi", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD.

img

Đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD. Ảnh: AI

Theo đó, tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm.

Theo Thứ trưởng Huy, ngoài việc nắm bắt, làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Bộ GTVT cũng đang tính toán đề xuất ràng buộc điều kiện phải chuyển giao công nghệ và xây dựng định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 đó là làm chủ về công nghiệp xây dựng.

Cụ thể, làm chủ việc lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ GTVT đã đề xuất một số cơ chế chính sách cần thiết để phát triển công nghiệp đường sắt.

Cụ thể, cho phép mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất cho phát triển công nghiệp đường sắt về đất đai, thuế, cơ chế hỗ trợ đầu tư, nhập khẩu...; bổ sung các sản phẩm, thiết bị đường sắt vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; khi triển khai dự án, yêu cầu tổng thầu có cam kết chuyển giao công nghệ và sử dụng tối đa hàng hóa, dịch vụ trong nước có thể cung cấp; có cơ chế đặt hàng cho một số doanh nghiệp trong nước.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Năng Khang, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: "Hiện nay, với đường sắt quốc gia đang khai thác, chúng tôi đã cơ bản làm chủ công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa đối với toa xe đã được khoảng 70 - 80%".

"Chỉ có trục bánh xe và van hãm phải nhập khẩu, còn lại chúng ta đã có thể chủ động. Máy móc cũng được đầu tư theo công nghệ chuyển giao", ông Khang cho hay.

Riêng với đầu máy tàu, ông cho biết tỷ lệ nội địa chỉ được hơn 10%, bởi đây là động cơ đốt trong với công suất lớn, Việt Nam chưa làm được.

Đối với hệ thông thông tin tín hiệu là điều khiển trên tàu (OCC), ông Khang cho hay: "Hệ thống thông tin tín hiệu OCC chúng ta đã làm được, tuy nhiên, trung tâm điều hành vẫn đang sử dụng thủ công (bằng con người), đáng lý ra phải là tự động hóa. Nguyên nhân là do, chúng ta xây dựng trung tâm điều khiển chưa hiện đại".

img

VNR muốn tạo ra một hệ sinh thái cơ khí công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ. Ảnh: VNR

Tạo ra một hệ sinh thái cơ khí công nghiệp đường sắt

Về việc phát triển lĩnh vực công nghiệp cơ khí đường sắt, ông Khang nhấn mạnh, việc phát triển công nghiệp đường sắt là một yêu cầu được đặt ra để phục vụ không chỉ cho riêng dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, mà còn cho khoảng 10 dự án đường sắt đô thị tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đang được lên kế hoạch triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

"Vấn đề chính yếu là phải làm chủ được công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa, tạo ra một hệ sinh thái cơ khí công nghiệp và công nghiệp phụ trợ," ông Khang nêu rõ.

Trong thời gian vừa qua, VNR đã tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài đến từ các nước có nền công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới. Trong quá trình tiếp xúc, các đối tác đều quan tâm đến việc thành lập liên doanh với các cơ sở công nghiệp đường sắt Việt Nam để phát triển công nghiệp đường sắt.

Với dự án đường sắt tốc độ cao, VNR kiến nghị Nhà nước có các cơ chế ưu đãi vốn vay, thuế đất, thuế cho doanh nghiệp; đồng thời đề xuất chính sách đặt hàng và bao tiêu sản phẩm, nhất là giai đoạn đầu Nhà nước đặt hàng VNR hoặc để cho VNR phân tích thị trường, liên kết liên doanh các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh VNR, hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả cũng đang tính toán, chuẩn bị nhân lực, máy móc tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao.

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị, việc tổ chức thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần tách thành hai hợp phần gồm: Các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua. Hợp phần 2 bao gồm, phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu,… giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài.