Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng chia sẻ với Dân Việt rằng, trong số các nhà thơ thời hiện đại, nhà thơ Trần Đăng Khoa là người "nguyên bản chân quê, lành hơn đất" trong mắt ông.
Ông cho biết, ông với nhà thơ gốc Hải Dương chơi với nhau ngót nghét 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy Trần Đăng Khoa cãi nhau, to tiếng với ai. Chưa bao giờ ông thấy Trần Đăng Khoa sừng sộ, văng cái lọ cái chai vào ai. "Mát như thạch và hơn thạch" là câu mà Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng dùng để tả về sự hiền lành ở con người nhà thơ Trần Đăng Khoa.
"Ai lại bao năm ra phố thị, sang bên Tây học, công du khắp thế giới mà vẫn thế. Chất quê ổn định lâu dài bền vững trong cậu trai Nam Sách. Hồn hậu, dân dã, dễ gần, dung dị từ giọng nói, cách nói cực duyên (nên lấy được vợ vừa trẻ lại vừa đẹp), khuôn mặt thật thà, dáng người cục mịch nhưng hành vi ứng xử luôn toát lên sự tử tế.
Nói chuyện với đàn anh toàn xưng hô "bác" và "em", với chị em là "em" và "thím"… nghe như anh em ruột thịt hay láng giềng cùng ngõ. Ngồi cạnh Trần Đăng Khoa thú nhất là được cầm tay ông em. Tay nhà thơ thần đồng mà như tay thợ cày… nhưng tài năng thì khỏi bàn, khó kiếm ra người thứ hai, cái triện "thần đồng" đóng vào trán từ cái thời chửa ai biết cái chi chi", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng bày tỏ.
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể rằng, cách đây 3 tuần, ông có mời nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng một số người bạn đến nhà chơi, chiêm ngưỡng tranh ông vẽ và dùng bữa trưa cùng nhau. Tuy nhiên, nhà thơ Trần Đăng Khoa đến nhưng không dùng bữa mà chỉ tặng sách cho mọi người. Hỏi ra mới biết, do Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng lỡ báo trước là trong thực đơn có món thịt chó mà nhà thơ Trần Đăng Khoa thì không bao giờ ăn thịt chó, thậm chí đôi khi ông còn ghét ngồi cùng mâm với những người ăn thịt chó.
Điều này bắt nguồn từ câu chuyện trong quá khứ. Đó là thời xưa, gia đình nhà thơ Trần Đăng Khoa nuôi được một chú chó mực đặt tên là Vàng. Vàng là chú chó rất khôn và tình cảm nên cả gia đình ông rất quý. Từ bé, Vàng đã như một người bạn của cậu bé Trần Đăng Khoa.
Mỗi tối, mẹ sai ông mang quà sang cho bà ngoại, có Vàng đi bên cạnh là ông yên tâm nhất vì không sợ bất kỳ "thế lực vô hình" nào. Thậm chí, chú chó còn được coi là "ân nhân cứu mạng" cả gia đình khi có công phát hiện con rắn cạp nong to tướng chui vào gầm giường…
"Trần Đăng Khoa kể với tôi, đợt Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Vàng sợ quá chạy trốn mất tăm khiến cả nhà thương mong, mất ăn, mất ngủ… Rồi không lâu sau nó lại lù lù dẫn xác về, cả nhà vui như Tết. Sau chú chó Vàng già chết, Trần Đăng Khoa khâm liệm, chôn cất và tiễn đưa như một người bạn thân ấy… Từ đó, Trần Đăng Khoa không bao giờ ăn thịt chó nữa!", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể.
Nguồn gốc ra đời của bài thơ nổi tiếng "Sao không về Vàng ơi"
Trước đó, gắn với kỷ niệm này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng từng làm bài thơ "Sao không về Vàng ơi" với những vần thơ: Nghe bom thằng Mỹ nổ/ Mày bỏ chạy đi đâu/ Tao chờ mày đã lâu/ Cơm phần mày để cửa/ Sao không về hả chó?/ Tao nhớ mày lắm đó/ Vàng ơi là vàng ơi!".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể, bài "Sao không về Vàng ơi" được ông viết khi đang là học sinh lớp 9 trường làng ở Nam Sách, Hải Dương. Thời điểm đó, ông rất quý chú chó mực tên Vàng. Vào buổi chiều ngày 3/4/1967, sau một trận bom Mỹ trút xuống, chú chó bỗng dưng mất tích. Gia đình đi tìm khắp nơi không thấy, chị và em gái ông khóc như mưa, mẹ ông đêm nào cũng ra mở cửa chờ chú chó về.
Đúng lúc đang rất buồn vì nhớ chú chó cưng thì đoàn khách do chính Trưởng ty Giáo dục Hải Dương Lê Hào dẫn đầu, về để… kiểm tra xem có đúng Trần Đăng Khoa có khả năng làm thơ thần đồng như lời đồn không. Trưởng ty lúc đó đã ra luôn đề bài cho cậu bé Trần Đăng Khoa là viết về chuyện chú chó vừa mất. Vậy là cậu bé 9 tuổi viết luôn vào cuốn sổ tay bài thơ Mất chó, phía dưới còn đề là "Kỷ niệm ngày mất chó 3/4/1967".
Một tuần sau, bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ, ở góc thơ Nhi đồng, nhưng đã được sửa một vài câu. Đó là câu Sao không về hả chó? được sửa thành Sao không về Vàng ơi? và câu cuối Chó ơi là chó ơi thành Vàng ơi là Vàng ơi. Tên bài thơ Mất chó cũng được đổi thành Sao không về Vàng ơi!
"Sau này, tôi mới biết người sửa cho mình những câu thơ này là nhà thơ Phạm Hổ. Chỉ thay đổi vài chữ thôi, mà bài thơ hay hơn hẳn", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói. Một điều trùng hợp rất đặc biệt là sau khi bài thơ in báo được mấy hôm thì chú chó bất ngờ trở về. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, lúc đó đã giữa đêm, ông đang ngủ thì nghe tiếng cào cào cửa, rồi tiếng sủa. Ông chạy ra mở cửa thì đúng là nó thật! Mừng quá, đêm ấy nhà thơ 9 tuổi ngồi viết tiếp bài Chó về. Nhưng mà đó là một bài thơ mà theo tác giả tự nhận là… quá dở và ông không dám cho ai đọc.
Cách đây 6 năm, Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) đã phát động chiến dịch Về đi Vàng ơi! kêu gọi không ăn thịt chó lấy cảm hứng từ chính bài thơ của Trần Đăng Khoa. Chiến dịch đã dùng hình ảnh những chú chó thân thiết với con người và ý thơ Sao không về Vàng ơi? đầy xúc động để đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng. Và dĩ nhiên, nhà thơ Trần Đăng Khoa là người ủng hộ rất tích cực cho chiến dịch, bởi với ông, chó là loài vật thân thiết, gần gũi, gắn bó với ông không chỉ lúc bé thơ mà cho đến tận bây giờ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ với Dân Việt: "Nhà tôi không có ai ăn thịt chó vì rất yêu quý động vật. Từ bé, anh chị em chúng tôi đã được mẹ dạy phải biết yêu cỏ cây, loài vật và muôn thú quanh mình. Xem cây na, cây ổi, cây mít, cây trầu… như những người bạn. Sau này tôi mới biết, đó chính là phép nhân hóa trong văn học. Nhưng nhờ sự dạy dỗ đó mà anh chị em chúng tôi luôn giàu lòng nhân văn, đối xử rất nhân ái với mọi loài.
Trong thơ của tôi, các cây ổi, cây na, cây mít, câu trầu, con chó, con gà, con lợn… đều hiện lên như những người bạn là bởi xuất phát từ những điều mẹ dạy thuở xưa. Đến bây giờ cũng thế, chó nuôi trong nhà khi qua đời chúng tôi cũng lấy chăn quấn lại chôn ở góc vườn. Việc chôn chó ở góc vườn với gia đình tôi thiêng liêng lắm. Tôi không bao giờ ăn thịt chó và tôi rất ủng hộ việc chúng ta nên kiên quyết nói không với ăn thịt chó".