Nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Hà Nội hôm nay tấp nập, đông đúc hơn… nhưng tình yêu của tôi vẫn không thay đổi"

Tuệ Lâm Thứ tư, ngày 09/10/2024 10:44 AM (GMT+7)
“Hà Nội hôm nay tấp nập, đông đúc hơn… nhưng tình yêu của tôi thì vẫn không thay đổi, bởi vì tình yêu thì không thể toan tính, không thể sắp đặt mà chỉ có thể cống hiến hết mình”, nhạc sĩ Đoàn Bổng bày tỏ với Dân Việt.
Bình luận 0

Thưa nhạc sĩ Đoàn Bổng! Vào những ngày tháng 10 lịch sử này, người dân Hà Nội rộn ràng và náo nức chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Là một người sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội, cảm xúc của ông như thế nào?

- Gốc gác nhà tôi vốn ở làng Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Năm 1943, bố mẹ sinh ra tôi ở đó. Năm 1949, lúc đó tôi mới tròn 6 tuổi, thực dân Pháp tràn về đốt phá làng mạc, xây dựng đồn bốt, gia đình tôi phải tản cư về làng Nghiêm Xá. Đầu năm 1951, bố tôi ra phố Bạch Mai mở tiệm thuốc bắc nên đưa tôi và anh trai ra cùng. Từ đó, tôi sống, học tập, làm việc và gắn bó với phố Hà Nội cho đến tận ngày nay.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Hà Nội hôm nay tấp nập, đông đúc hơn… nhưng tình yêu của tôi vẫn không thay đổi"- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng bên tuyển tập thơ nhạc của mình. Ảnh: Thụy Du

Tôi vẫn nhớ, vào ngày 10/10/1954, lúc đó tôi 11 tuổi, đang ngủ say sưa thì bị tiếng ồn ào ngoài phố đánh thức. Tỉnh dậy, nhìn ra thì thấy khắp phố cờ đỏ sao vàng, nhiều người mặc áo dài rất đẹp, cầm cờ và hoa nữa. Tôi cùng những người dân đứng hai bên đường đón đoàn quân giải phóng đeo ba lô, khoác súng trở về từ phía Ô Cầu Dền. Các anh giải phóng quân đi đến đâu, bà con vẫy chào đến đó. Lời ca, tiếng nhạc rộn ràng cùng không khí náo nức khiến tôi không thể nào quên được. Sau này, khi viết bài "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi", tôi đã đưa cái không khí ấy vào. Tôi viết: "Kỷ niệm ấy trong tôi không bao giờ phai mờ. Và từ đó trong tôi sáng lên như màu cờ. Hình đoàn quân năm xưa nay vào muôn ý thơ. Để chiều Hồ Tây anh bên em đi vào trong giấc mơ".

Bởi lẽ đó mà không khí những ngày tháng 10 lịch sử này luôn gợi nhắc trong tôi bao kỷ niệm. Những ngày qua, xem báo đài và vô tuyến thấy không khí rộn ràng lòng tôi cũng rộn ràng theo.

Những kỷ niệm sống động đó cùng những năm tháng sống giữa Hà Nội linh thiêng và hào hoa đã bồi đắp nên tâm hồn âm nhạc nhạc sĩ Đoàn Bổng?

- Tính đến nay, tôi đã viết khoảng hơn 20 bài hát về Hà Nội. Ai yêu Hà Nội lên YouTube tìm kiếm sẽ thấy các bản nhạc về Hà Nội của Đoàn Bổng. Bài hát đầu tiên tôi viết về Hà Nội là "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi", viết năm 1984.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Hà Nội hôm nay tấp nập, đông đúc hơn… nhưng tình yêu của tôi vẫn không thay đổi"- Ảnh 2.

Hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu

Năm đó, đi ngoài đường thấy cờ phướn, băng rôn treo tưng bừng trên các con phố… cảm hứng dâng trào nên tôi muốn viết một bài hát gợi nhắc kỷ niệm giải phóng Thủ đô năm xưa, khác với những bài trước đó. Lúc viết xong, con gái tôi lúc đó mới 7 tuổi, nghe bố hát và thấy bố cười đã nhảy cẫng lên reo mừng vui sướng.

Lớn lên cùng những thăng trầm và biến động của Thủ đô, nên Hà Nội là một phần máu thịt của cuộc đời tôi. Hà Nội làm nên cốt cách và âm nhạc của tôi. Hà Nội hôm nay tấp nập, đông đúc hơn… nhưng tình yêu của tôi thì vẫn không thay đổi, bởi vì tình yêu thì không thể toan tính, không thể sắp đặt mà chỉ có thể cống hiến hết mình.

Với tôi, bao nhiêu năm qua, Hà Nội vẫn luôn mới mẻ, luôn thay đổi nhưng cảm hứng sáng tác về mảnh đất này chưa bao giờ vơi cạn. Nếu người họa sĩ nay vẽ Hà Nội góc này, mai vẽ góc khác thì người nhạc sĩ cũng thế. Mỗi người viết về Hà Nội theo một góc riêng, không ai giống ai. Tôi quan sát thấy những nhạc sĩ viết về Hà Nội chưa bao giờ trùng lặp nhau về ý tưởng. Cùng nhắc đến chữ "Hồ Gươm" nhưng âm nhạc và cách đặt vấn đề khác nhau.

Viết về Hà Nội, đa số tôi đều chọn thể loại âm nhạc mang âm hưởng thính phòng để thể hiện. Vì nhạc thính phòng có tính chất quốc tế, lâu dài tạo nên sự giao thoa thời đại. Bản thân âm nhạc thính phòng rất văn minh, lịch sự, trong sáng, hào sảng... phù hợp để thể hiện được tầm vóc của Hà Nội linh thiêng, hào hoa và văn minh. Mình nhìn Hà Nội ở góc độ nào thì viết ra được tiết tấu phù hợp với góc nhìn đó.

Bài hát nào nhạc sĩ Đoàn Bổng viết về Hà Nội của hôm nay, Hà Nội của những đổi thay và hiện đại nhưng vẫn chưa bao giờ mất đi nét hào hoa, thanh lịch, văn hiến vốn có?

- Bài tôi sáng tác về Hà Nội gần đây nhất là "Hà Nội đêm" (phổ thơ Trần Minh), viết cách đây khoảng 2-3 năm gì đó. Trong các bài hát về Hà Nội như: "Hà Nội của tôi" (phổ thơ Quốc Toàn), "Hà Nội, thu lại về" (phổ thơ Nguyễn Thị Hồng), "Từ Hoa Lư đến Thăng Long Hà Nội" (phổ thơ Nguyễn Quang Long), "Thăng Long - Hà Nội chào bạn bốn phương", "Thành phố ngàn năm văn hiến"... đều là những góc nhìn rất mới về Hà Nội. Nếu kết nối các ca khúc lại thì sẽ thấy được tiến trình đổi thay của Hà Nội xưa và Hà Nội nay.

Tôi luôn tự hào và hạnh phúc khi các tác phẩm âm nhạc của mình đi vào đời sống và có sức lan tỏa lớn, nhất là những bài hát viết về Hà Nội. Tôi là tác giả duy nhất được Dàn nhạc Giao hưởng Rouen (Pháp) chọn 3 ca khúc "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi", "Hà Nội của tôi", "Thành phố ngàn năm văn hiến" để biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Tôi vẫn đang ấp ủ một số bài hát viết về Hà Nội hôm nay, một Hà Nội đang vươn mình trỗi dậy với bao điều mới mẻ.

Đã bao giờ nhạc sĩ Đoàn Bổng nghĩ, sứ mệnh của mình khi được sinh ra trên cuộc đời là để dành cho âm nhạc, để viết những giai điệu đẹp nhất về Hà Nội?

- Trước hết phải nói tôi yêu âm nhạc một cách rất kỳ lạ. Từ bé, khi đi bộ trên phố, cứ mỗi lần đi qua những nhà có kèn hát là rất thích thú, nghe say sưa và thuộc hát theo. Nhiều hôm đi học sớm, đứng ở lan can trường hóng Rạp Chiếu bóng Bạch Mai mở bài hát của thời kỳ đó để nghe và hát theo. Thời đó, toàn nhạc vàng, nhạc tiền chiến… nghe cái thuộc ngay. Sau này, thầy cô giáo phát hiện ra cho đứng trước micro hát cho cả lớp nghe. Từ thời điểm đó, tôi đã cảm nhận mình có một chút năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc. Trong trường, tôi được bầu là ủy viên văn nghệ đoàn kết 3.

Bài hát "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi" nhạc Đoàn Bổng do NSND Tấn Minh thể hiện. Clip: BH Media

Mê âm nhạc nên năm 1966 tôi quyết thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dù vốn liếng về âm nhạc khiêm tốn, nhưng tôi đã tiến thẳng vào chuyên ngành sáng tác mà cả khu vực Hà Nội chỉ có duy nhất tôi đỗ. Trong những năm kháng chiến, trường sơ tán về Bắc Giang, đi học phải đào hầm, mọi thứ rất khó khăn.

Năm 1972, tốt nghiệp trường nhạc, tôi về làm cán bộ biên tập âm nhạc cho Đài Phát thanh Giải phóng. Sau này, tôi chuyển công tác sang Đài Truyền hình Việt Nam, giữ cương vị Trưởng phòng ca nhạc Ban Văn nghệ của đài trong thời gian dài đến khi nghỉ chế độ.

Như thói quen sáng tác hàng mấy chục năm qua, bao giờ tôi cũng bắt đầu bài hát bằng giai điệu, ca từ (sắp xếp sẵn trong đầu), rồi đến khi đêm xuống sẽ ký âm lại là hoàn thiện, không cần đàn, hát thử.

Cảm ơn nhạc sĩ Đoàn Bổng đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem