Dân Việt

Sản xuất rau an toàn theo chuỗi, một HTX ở Phú Thọ thu 15 tỷ đồng/năm

Hoan Nguyễn 15/10/2024 16:16 GMT+7
Phát huy vai trò kinh tế tập thể - HTX rau an toàn Tứ Xã (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã liên kết nông dân sản xuất, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn theo chuỗi, đạt doanh thu đến 15 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2024, HTX rau an toàn Tứ Xã được bình chọn là HTX tiêu biểu toàn quốc.

Vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau an toàn Tứ Xã ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Clip: Hoan Nguyễn

"Bước ngoặt lịch sử" đưa rau an toàn vào siêu thị lớn

Buổi sáng tháng 10 ở khu sản xuất rau an toàn Tứ Xã (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), những thửa rau thẳng tắp, xanh mơn mởn trải dài vút tầm mắt. Dưới ánh nắng bình minh ló rạng, gió thổi hiu hiu, vùng đất Tứ Xã hiện lên đẹp tươi như một bức họa đồng quê sống động.

Vừa bắt tay ấm áp, nở nụ cười tươi chào đón chúng tôi, Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã Nguyễn Văn Nghĩa vui vẻ nói: "Đúng lúc bà con xã viên đang thu hoạch rau cải, muống, khoai lang, cải bắp, mồng tơi, cà tím, cà chua, thì là, mùi, xà lách…, chắc chắn vào hình thật đẹp rồi".

Dứt lời giới thiệu khu xưởng sơ chế các sản phẩm rau, Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã lại tất bật nghe các cuộc điện thoại chốt đơn rau… của các bạn hàng.

Hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân sản xuất thành vùng chuyên canh rau an toàn - Ảnh 1.

Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã Nguyễn Văn Nghĩa nhấn mạnh, HTX đặc biệt coi trọng từng khâu trong quá trình sản xuất. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trong khu sơ chế, những bó rau còn long lanh sương, xanh tươi đang được những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt của các cô, chú, anh, chị nông dân phân loại, hoàn thiện khâu cuối cùng đóng gói, dán tem mác, xếp thùng vận chuyển tiêu thụ. Tất cả mọi công đoạn được làm nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp, tạo một không khí lao động sôi nổi, hăng say.

Dẫn chúng tôi mục sở thị cánh đồng chuyên canh sản xuất rau an toàn, anh Nghĩa cho biết, trước đây, vùng đất này chỉ có một diện tích nhỏ trồng rau màu, đa số ruộng chiêm trũng cấy lúa.

"Đất đai màu mỡ, bà con chịu khó nhưng cày bừa một năm 2 vụ cũng chỉ đủ ăn, lãng phí nguồn lực… trong khi thị trường đang khan hiếm sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn. Vậy là năm 2015, tôi quyết tâm dồn vốn liếng, cùng 26 hộ nông dân là bà con thân thích, họ hàng trong xã cùng thành lập HTX rau an toàn Tứ Xã để cùng nhau sản xuất rau sạch theo chuỗi" - anh Nghĩa nói.

Nói về những khó khăn trong quá trình sản xuất rau an toàn, anh Nghĩa kể, xác định hướng làm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 20 tiêu chí đã là một khó khăn không nhỏ đối với thành viên HTX vốn là những người quen làm nông nghiệp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, không tính toán nhu cầu thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, HTX lúc mới thành lập cũng "thiếu đủ thứ", thành viên ít, vốn mỏng, kinh nghiệm sản xuất rau an toàn chưa có, trong khi đất sản xuất mới chỉ có chưa đầy 3ha…

Hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân sản xuất thành vùng chuyên canh rau an toàn - Ảnh 2.

Không khí lao động sôi nổi trong khu sơ chế HTX rau an toàn Tứ Xã. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Khó khăn lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm rau sạch. Để làm rau sạch, phải bỏ chi phí đầu tư sản xuất cao hơn, do đó giá bán thành phẩm cũng đắt hơn rau bình thường. Mà giá cao thì khó bán, rau sạch cũng bị ế ẩm, HTX hoạt động cũng èo uột lắm, có lúc tưởng phải bỏ cuộc" - anh Nghĩa nói.

Theo lời anh Nghĩa, giữa lúc khó khăn nhất về đầu ra sản phẩm rau sạch, năm 2017, qua tìm hiểu và biết đến chương trình "Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt" thông qua việc liên kết với 1.000 HTX và hộ sản xuất để cung ứng nông sản sạch, an toàn cho thị trường của VinEco triển khai. Và anh Nghĩa lập tức đăng ký tham gia chương trình.

"Rất thuận lợi cho HTX rau an toàn Tứ Xã là khi đối chiếu với tiêu chuẩn, chúng tôi có nền tảng về quy mô, diện tích, hướng sản xuất rau an toàn… đáp ứng được điều kiện đưa ra. Và từ đây, chúng tôi chính thức bắt tay hợp tác với VinEco để sản xuất rau an toàn. Khi hợp tác, VinEco hỗ trợ HTX về tài chính, hoàn thiện thủ tục đạt chứng nhận VietGAP; hướng dẫn thành viên HTX về quy trình sản xuất rau an toàn, thu mua tiêu thụ sản phẩm… Đây là bước ngoặt lịch sử đối với hoạt động HTX chúng tôi, bởi bài toán khó khăn, nan giải nhất về đầu ra sản phẩm rau sạch đã được giải quyết" - anh Nghĩa cười tươi nói.

Hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân sản xuất thành vùng chuyên canh rau an toàn - Ảnh 3.

Hiện mỗi ngày, HTX rau an toàn Tứ Xã cung ứng ra thị trường 6-7 tấn sản phẩm các loại. Ảnh: Hoan Nguyễn

Hợp tác xã sản xuất rau an toàn "khoác áo mới" cho quê hương

Hướng đến hình thành một vùng chuyên canh rau an toàn quy mô lớn, phát triển bền vững, HTX rau an toàn Tứ Xã vừa dồn sức dồn lực của thành viên, vừa tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của chính quyền địa phương để đưa vào vận hành một trạm bơm nước sạch công suất lớn, chuyên phục vụ hoạt động tưới tiêu sản xuất rau sạch.

Đồng thời, đảm bảo đạt chất lượng rau an toàn cho tất cả khu vực sản xuất, giải phóng sức lao động cho bà con xã viên, HTX đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đưa ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại vào sản xuất. Theo đó, HTX đã xây hệ thống giao thông nội đồng bê tông sạch đẹp, xe gắn máy ra vào tận đầu bờ ruộng; hệ thống nhà xưởng phục vụ sơ chế, bảo đảm an toàn thực phẩm; hệ thống tưới nước sạch hiện đại tưới đều khắp khu vực sản xuất rau. Bên cạnh đó là hệ thống nhà lưới đa năng đáp ứng linh hoạt kế hoạch sản xuất rau sạch quanh năm, cả chính vụ cũng như trái vụ…

Hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân sản xuất thành vùng chuyên canh rau an toàn - Ảnh 4.

Thu nhập bình quân của thành viên HTX rau an toàn Tứ Xã từ 15-17 triệu đồng/tháng, điển hình một số hộ đạt 50 triệu đồng/tháng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Song song với việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, toàn bộ các hộ thành viên HTX thường xuyên tham gia buổi tập huấn nâng cao về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, được đào tạo sản xuất sạch, bảo vệ môi trường…

"Từ những nông dân chỉ biết trồng các loại rau để bán lẻ tại các chợ truyền thống, hiện nay các thành viên HTX rau an toàn Tứ Xã đã thay đổi tư duy rõ rệt, ngày càng đam mê với sản xuất nông nghiệp xanh. Từ đó càng ý thức hơn việc đầu tư kỹ lưỡng, trồng trọt có kế hoạch và tuân thủ nghiêm các yêu cầu về an toàn thực phẩm là chìa khóa" để nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu rau sạch của HTX trên thị trường" - anh Nghĩa vui vẻ nói.

Bà Nguyễn Thị Hảo (thành viên HTX rau an toàn Tứ Xã) cho biết: "Vào HTX sản xuất rau an toàn có lợi nhất là thích nghi sản xuất sạch, theo chuỗi; được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cam kết dù thị trường lên hay xuống. Mỗi năm, gia giành tôi thu đến 200 triệu đồng từ rau sạch. Ngoài ra, tất cả bà con tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học nên đất, nước, môi trường trong lành, sạch lắm" - bà Hảo nói.

Hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân sản xuất thành vùng chuyên canh rau an toàn - Ảnh 5.

Khu chuyên canh sản xuất rau an toàn của HTX rau an toàn Tứ Xã nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoan Nguyễn

Cùng với quá trình phát triển, các thành viên liên kết của HTX rau an toàn Tứ Xã cũng không ngừng mở rộng. Từ 26 hộ thành viên ban đầu thành lập năm 2015 với gần 3ha đất, hiện nay đã mở rộng lên hơn 150 thành viên, với hơn 20ha; năng suất sản xuất rau tăng từ hơn 100 tấn tăng lên hơn 1.000 tấn; sản lượng tiêu thụ tăng từ 2 tạ/ngày lên 6 tấn/ngày.

Hiện sản phẩm rau, củ quả các loại của HTX đều đã có mặt tại hầu hết siêu thị lớn và nhiều bếp ăn tập thể của các đơn vị, cơ quan khắp tỉnh Phú Thọ. HTX rau an toàn Tứ Xã đã có 5 sản phẩm rau an toàn đạt OCOP 3 sao (măng tây, rau cần tây, rau mồng tơi, cải bó xôi và dưa lê).

"Sản phẩm rau của HTX rau an toàn Tứ Xã đang được nhiều doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng gồm Winmart, BigC, Coopmart, Smart, hơn 30 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ký liên kết tiêu thụ với sản lượng cung ứng ra thị trường hơn 1.000 tấn các loại, đạt doanh thu khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân của thành viên đạt từ 15-17 triệu đồng/tháng, điển hình một số hộ đạt 50 triệu đồng/tháng. HTX rau an toàn Tứ Xã cũng đang giải quyết việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng" - anh Nghĩa cho biết thêm.

Hợp tác xã ở Phú Thọ liên kết nông dân sản xuất thành vùng chuyên canh rau an toàn - Ảnh 6.

HTX rau an toàn Tứ Xã sản xuất gần 60 sản phẩm rau, củ, quả các loại quanh năm. Đã có 5 sản phẩm được gắn sao OCOP. Ảnh: Hoan Nguyễn

Với nguồn thu nhập ổn định đã giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng xã NTM kiểu mẫu cũng như xây khu NTM nâng cao của địa phương…

"Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất rau sạch đáp ứng sản lượng tiêu thụ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán; nghiên cứu đưa giống cây trồng mới để đa dạng sản phẩm rau trồng. Hướng đến xây dựng khu vực chế biến sâu tạo nguồn hàng dự trữ, đáp ứng linh hoạt nhu cầu tăng cao của thị trường. Từ đó, ngày càng nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp sản xuất, tăng thu nhập cho người dân" - anh Nghĩa chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ Lê Thị Quỳnh cho biết, đến nay, sau gần 10 năm thành lập, HTX rau an toàn Tứ Xã đã khẳng định là một tập thể nhạy bén, nắm bắt chính xác xu hướng thị trường sản xuất rau sạch.

"Đặc biệt, hoạt động của HTX rau an toàn Tứ Xã đã đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững từ các mặt hàng nông sản sạch. Nhờ phát huy vai trò của kinh tế tập thể, vùng quê nông thôn nơi đây đã khoác áo mới, hình thành một vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm nước tưới sạch và trở thành vùng sản xuất rau an toàn tiêu biểu của Phú Thọ nói riêng và toàn quốc nói chung" - bà Quỳnh nhấn mạnh.

CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN