Mới đây, Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức talkshow "Ứng dụng AI trong hoạt động nghệ thuật" và phát động cuộc vận động sáng tác nghệ thuật "Sáng Đạo trong Đời".
Talkshow "Ứng dụng AI trong hoạt động nghệ thuật" với sự tham gia của các giảng viên đã chia sẻ nhiều kỹ năng khai thác và ứng dụng công nghệ AI một cách hợp lý trong các hoạt động nghệ thuật, cụ thể là lĩnh vực quay dựng video và sáng tác các tác phẩm âm nhạc.
Tại sự kiện, diễn giả Phan Thế Duy đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của anh trong lĩnh vực quay phim, chụp ảnh. Anh cũng khẳng định rằng, AI không thể thay thế hoàn toàn con người trong việc sáng tạo, thay vào đó các bạn sinh viên nên trau dồi thêm kiến thức và từ kiến thức đó có thể đưa ra được những câu lệnh cho AI để hoàn thiện tốt công việc của mình. Nam diễn giả cho rằng, bản thân anh để có thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, một phần nhờ vào sự động viên, khích lệ của thầy cô giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Diễn giả Vũ Huy Sơn cũng nhấn mạnh, mục đích AI là công cụ hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo của con người từ khâu lên ý tưởng, nó giúp tiến độ sản xuất các chương trình hay hoạt động nghệ thuật hiệu quả hơn như trong múa, ca nhạc, xây dựng kịch bản… Và khi biết áp dụng công nghệ đúng chỗ, con người sẽ giảm bớt phần nào chi phí trong quá trình sản xuất sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng ta không nên dựa hoàn toàn vào AI, việc lạm dụng AI khiến chúng ta đánh mất đi màu sắc của chính mình trong sản phẩm.
Tại buổi Talkshow "Ứng dụng AI trong hoạt động nghệ thuật", Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban Văn hóa Trung ương cũng đã phát động cuộc vận động sáng tác âm nhạc "Sáng Đạo trong Đời" nhằm hướng đến Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc khẳng định, văn hóa Phật giáo chiếm 50% văn hóa dân tộc, các di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, bảo vật quốc gia của Việt Nam… liên quan nhiều tới Phật giáo. Ví dụ trong 233 bảo vật quốc gia mới được Chính phủ công nhận có tới 87 bảo vật xuất phát từ Phật giáo.
"Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam với tinh thần "Tuỳ duyên bất biến, bất biến tùy duyên", văn hóa tư tưởng, đạo đức, lối sống của Phật giáo đã thấm đẫm vào tinh thần văn hóa của dân tộc. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo cũng là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc".
Với tinh thần đó, cuộc vận động sáng tác âm nhạc "Sáng Đạo trong Đời" là hoạt động thiết thực góp phần tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho cộng đồng theo tinh thần Phật giáo thông qua các loại hình nghệ thuật. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc vận động còn tăng cường giao lưu học hỏi giữa các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Phật giáo trong và ngoài nước.
Đối tượng tham gia cuộc vận động là công dân Việt Nam trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi thuộc thể loại âm nhạc, sáng tác nhạc Phật giáo, phổ nhạc thơ Phật giáo, tác phẩm âm nhạc mang tư tưởng Phật giáo.
Tác phẩm tham gia cuộc vận động phản ánh giá trị đạo đức, triết lý nhân sinh của Phật giáo trong đời sống; ca ngợi tấm gương sáng về tu hành, học Phật của bậc tu sĩ, Phật tử; giới thiệu nét đẹp văn hóa Phật giáo trong đời sống của dân tộc Việt Nam...
BTC khuyến khích tác giả trẻ, công dân Việt Nam và nước ngoài đều có thể tham gia, mỗi người gửi tối đa 3 ca khúc.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 11/7 - 15/10/2024 tại văn phòng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Các tác phẩm trải qua các vòng sơ khảo, bán kết, chung kết. Hội đồng thẩm định gồm nghệ sĩ và chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, 2 giải Nhì trị giá 50 triệu đồng, 3 giải Ba trị giá 30 triệu đồng. Với các tiết mục vào chung kết, tác giả sẽ nhận được 10 triệu đồng.
Những tác phẩm xuất sắc và phù hợp sẽ được chọn biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Đại lễ Phật đản 2025, diễn ra tại TPHCM.