Theo số liệu của Bộ NNPTNT, trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn ngành xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng tới 71,2% so với cùng kỳ năm 2023.Trong đó, Trung Quốc đứng thứ 2 với kim ngạch đạt 9,26 tỷ USD, chiếm 20% và Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất của ngành hàng rau quả của Việt Nam.
Phân tích về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2024, Bộ NNPTNT cho biết, Hoa Kỳ vươn lên dẫn đầu với kim ngạch đạt 9,72 tỷ USD, chiếm 21% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; đứng thứ hai là Trung Quốc với kim ngạch đạt 9,26 tỷ USD, chiếm 20%; Nhật Bản là thị trường lớn đứng thứ ba với hơn 3 tỷ USD, chiếm thị phần 6,6%. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang ba thị trường này đều tăng từ 10-20%.
Riêng mặt hàng rau quả, 9 tháng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 3,79 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 67% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 9 tháng qua.
Mới đây, Việt Nam tiếp tục ký thêm 2 Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, 2 sản phẩm này của Việt Nam cũng sẽ đến được thị trường Trung Quốc sau khi các doanh nghiệp đã có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đáp ứng được các quy định khác của Trung Quốc và ký kết được những đơn hàng xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chỉ ra rằng, từ khi có Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc ký vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng vượt bậc và sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 của ngành rau quả Việt Nam, với giá trị đạt hơn 2,2 tỷ USD năm 2023 và đã vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay.
Đối với trái dừa, hiện Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt hơn 111.000 tấn, trị giá 31,79 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và giảm 18,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2023. Thị phần trái dừa Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ từ 22,86% trong 7 tháng đầu năm 2023 xuống 22,57% trong 7 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dừa Việt Nam chỉ là trong ngắn hạn bởi Trung Quốc đã đồng ý cấp phép xuất khẩu chính ngạch đối với trái dừa tươi của Việt Nam từ ngày 19/8/2024. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dừa Việt Nam tiếp cận vào thị trường tiềm năng lớn Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam có khoảng 200.000ha trồng dừa, sản lượng hơn 2 triệu tấn, giá trị đứng thứ 4 trên thế giới. Trong 2 ngày 11 và 12/9 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra 24 vùng trồng dừa, 12 cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam trước khi cấp mã số cho các cơ sở này xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Bộ NNPTNT đặt mục tiêu phấn đấu khoảng 80% mã số được phê duyệt trở lên.
Tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho hay, thị trường Trung Quốc rất rộng lớn, rất tiềm năng không chỉ riêng với Doveco mà đối với tất cả doanh nghiệp trái cây Việt Nam. Đồng Giao đã xuất khẩu nhiều năm sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
"Thách thức lớn nhất hiện nay tại thị trường Trung Quốc là yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, vì vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải kịp thời thích ứng và đáp ứng các yêu cầu này. Hiện nay mặt hàng chanh leo là một trong những sản phẩm đang đứng đầu của chúng tôi tại Trung Quốc. Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thêm mặt hàng sầu riêng. Chúng tôi rất kỳ vọng, ngoài trái cây tươi, Việt Nam sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ trái cây. Đồng thời tăng cường xuất khẩu chính ngạch bởi đi đường tiểu ngạch không an toàn", ông Hiệu nói.
Còn theo bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Quốc tế Tập đoàn TH cho biết, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, có dân số đông và nhu cầu cao. Tuy nhiên thị trường này cũng đầy tính cạnh tranh vì sản phẩm sản xuất ra phải đáp ứng tất cả yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đối với TH thách thức này lại chính là cơ hội vì ngay từ khi thành lập Tập đoàn TH đã tâm niệm là phải sản xuất ra các sản phẩm tốt cho cộng đồng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho hay, thị trường Trung Quốc rất tiềm năng vì nhu cầu ngày càng lớn đối với các sản phẩm nông sản chất lượng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu đó, chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tất cả quy định về an toàn thực phẩm, bao bì, tem nhãn… Cách mà người Trung Quốc tiếp cận sản phẩm mới rất khác, do đó chúng ta phải hiểu rõ được thói quen, văn hóa để tiếp cận dần dần.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước tính khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2024.
Ông Nam cho rằng, để thúc đẩy giao thương nông sản giữa hai quốc gia trong thời gian tới, các cơ quan có liên quan của hai nước cần tiếp tục tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường nông sản, đặc biệt các cơ quan của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở rộng các mặt hàng nông lâm thủy sản, nhất là các mặt hàng trái cây đặc sản của Việt Nam được giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường của Trung Quốc.
Các hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước cần tăng cường hợp tác, liên kết để mở rộng thị trường, phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững phục vụ xuất khẩu, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu như: Xúc tiến thương mại, logistics, chợ đầu mối, chuỗi kho lạnh, bảo quản chế biến và chọn tạo giống...
Cơ quan thương mại và nông nghiệp của hai nước tăng cường phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tổ chức các lễ hội giao thương nông sản tại nhiều địa phương, khu vực tiềm năng khác của Trung Quốc trong thời gian tới.