Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hôm nay, 14/9, tại Đồng Tháp, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị triển khai các nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo Bộ NNPTNT, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính cá sấu sống của Việt Nam, còn lại là các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc EU.
Năng lực xuất khẩu của các trại được cấp giấy phép công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại khu vực Nam bộ là hơn 114.000 cá sấu sống. Tuy nhiên, thời gian qua, mới chỉ xuất được khoảng 32.800 con do Hải quan Trung Quốc không cho nhập cá sấu sống từ cuối tháng 11/2019, kể cả đã được cấp CITES.
Đối với khỉ nuôi, cả nước có số lượng khỉ sống xuất khẩu (với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học) từ năm 2022 đến hết tháng 7/2024 là trên 18.700 con, chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc...
Bộ NNPTNT nhận định, việc đàm phán và ký được các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc.
Đồng thời cho rằng, việc xuất khẩu khỉ và cá sấu nuôi sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi của Việt Nam phát triển, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Để có được kết quả như mong đợi, Bộ NNPTNT đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương, doanh nghiệp, người chăn nuôi tổ chức nghiên cứu đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của trong nước để có kế hoạch tổ chức sản xuất, phát triển bền vững.
Đối với công tác quản lý nuôi khỉ và cá sấu, ngành nông nghiệp các địa phương thực hiện quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi tuân thủ đầy đủ các quy trình, biện pháp vệ sinh thú y và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên khỉ và cá sấu, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại vùng nuôi.
Để ngành hàng cá sấu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển bền vững, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp, hộ nuôi cá sấu thủ tục, tổ chức xét nghiệm các loại dịch bệnh theo yêu cầu xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc theo quy định của Nghị định thư. Đồng thời, tổ chức xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế rất lớn trong nuôi cá sấu. Riêng tỉnh Đồng Tháp, phong trào nuôi cá sấu phát triển tốt.
Để việc chăn nuôi khỉ và cá sấu phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị phát triển ngành chăn nuôi khỉ và cá sấu. Thực hiện việc chăn nuôi khỉ và cá sấu theo hướng đa dạng sinh học, truy xuất nguồn gốc nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ban hành văn bản pháp luật sát với thực tiễn cho ngành nuôi khỉ và cá sấu. Riêng các doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi phải kiểm tra, lựa chọn cá thể có nguồn giống tốt nhân rộng, chủ động liên hệ các đối tác để mở rộng hướng xuất khẩu khỉ và cá sấu.
Hiện, Việt Nam có 278 cơ sở nuôi cá sấu với hơn 674.000 con. Riêng tại Đồng Tháp có 36 cơ sở, hộ gia đình nuôi cá sấu thuộc CITES với tổng đàn khoảng 190.000 cá thể. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp được cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại và xuất khẩu, với tổng đàn trên 177.000 cá thể; 35 hộ còn lại chủ yếu nuôi thuần dưỡng con non.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.