Sự đền đáp xứng đáng…
Ngồi giữa những nông dân xuất sắc nhất năm nay, anh Lê Vạn Hải, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Phúc (Hà Tĩnh), chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, anh không bao giờ nghĩ ngày hôm nay sẽ đến. Bao nhiêu mùa gieo trồng, bao nhiêu lần gió mưa bão bùng, lúc nào anh cũng chỉ nghĩ đến việc chăn nuôi và nuôi trồng sao cho tốt, để gia đình có cái ăn, cái mặc, bên cạnh đó là tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Những năm tháng dãi nắng dầm mưa, đối mặt với không ít khó khăn từ thiên tai, dịch bệnh, anh Hải vẫn không ngừng cải tiến phương pháp canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số các sản phẩm đang trên đà phát triển và được chứng nhận sản phẩm tiêu chuẩn hữu cơ đến nay là năm thứ 3 với doanh thu bình quân 15 – 17 tỷ/năm.
Mỗi lần cầm trên tay những sản phẩm từ HTX của mình, anh luôn cảm thấy một niềm hạnh phúc giản đơn, nhưng sâu sắc: "Với tôi, đó không chỉ là thành quả, mà còn là kết quả của tình yêu đối với mảnh đất mình gắn bó từ thuở nhỏ" anh Hải chia sẻ thêm.
Anh Hải nói với một nụ cười giản dị: "Đây là lần đầu tiên tôi được vinh danh là 1 trong 63 Nông dân xuất sắc năm 2024. Cảm giác tự hào thật khó tả, như một sự đền đáp cho bao năm tháng đổ mồ hôi và nước mắt trên mảnh đất quê hương. Đam mê với nghề nông đã trở thành máu thịt, hôm nay, tôi thấy rằng sự nỗ lực ấy không chỉ vì mình mà còn vì cả nền nông nghiệp Việt Nam. Được công nhận như thế này, tôi cảm thấy thật xúc động và thêm gắn bó với những nỗ lực mình đang làm".
Một nông dân xuất sắc khác, chị Nguyễn Kim Thuỳ, Chủ tịch HĐQT HTX Kỳ Như (Hậu Giang), cũng không giấu được xúc động khi nhắc đến hành trình của mình. "Làm nông nghiệp là công việc chẳng ai mong đợi vinh quang, chỉ mong đợi đời sống gia đình và nông dân địa phương được ổn định. Nhưng nay khi đặt chân đến Hà Nội, tôi thấy bao năm khổ cực đã được đền đáp một phần. Nhìn lại, có những lúc tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng nhờ niềm tin vào đất mẹ, vào thủy sản, mà mình đã kiên cường đến hôm nay".
Chị Thùy gắn liền với nghề nuôi thủy sản, đặc biệt là cá thác lác, với một niềm đam mê và quyết tâm không ngừng nghỉ. HTX Kỳ Như dưới sự lãnh đạo của chị hiện đạt doanh thu bình quân lên tới 18 tỷ đồng mỗi năm, nhờ vào những sản phẩm chất lượng cao từ cá thác lác. Đặc biệt, 10 sản phẩm của HTX đã được chứng nhận OCOP 4 sao, trở thành niềm tự hào không chỉ của chị mà còn của toàn tỉnh Hậu Giang.
Hợp tác xã Kỳ Như giờ đây không chỉ sản xuất cá thác lác truyền thống mà còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm chế biến như cá viên, chả cá, và cá khô, giúp sản phẩm lan tỏa rộng rãi đến nhiều nơi trên cả nước, hiện tại chị Thùy có 4 đại lý lớn trải dài từ bắc đến nam. "Niềm vui lớn nhất của tôi là nhìn thấy bà con trong HTX ai nấy đều có công việc ổn định, con cháu được đi học đàng hoàng. Đó mới là niềm tự hào thực sự" chị Thùy nói thêm.
Tháo gỡ "nút thắt" về vốn
"Đàn ông làm được, thì phụ nữ cũng phải làm được" – đó là chia sẻ đầy kiên cường của bà Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú (Hoà Bình), khi nhắc về những thử thách trong nghề và trong cuộc sống. Hiện tại, bà Bảy đang mắc trong một căn bệnh hiểm nghèo nhưng bà vẫn giữ vững tinh thần bền bỉ, luôn nhấn mạnh rằng khó khăn không thể ngăn cản được ý chí người phụ nữ.
Bà chia sẻ rằng nguồn vốn là một trong những thách thức lớn nhất mà bà phải đối mặt: "Nguồn vốn không chỉ để duy trì sản xuất mà còn để đào tạo nhân viên – giúp họ hiểu rõ nghề và phát triển kỹ năng. Khi hợp tác xã của mình là về dược liệu và nghề thủ công truyền thống, không chỉ cần người có tay nghề, mà còn cần những người hiểu giá trị cốt lõi của nghề", bà Bảy cho biết.
Ngoài vấn đề tài chính, bà Bảy còn đau đáu với việc truyền đạt nghề cho những người dân trong bản: "Tôi luôn mong muốn họ hiểu và yêu nghề, nhưng nhiều khi vẫn phải kiên nhẫn nói đi nói lại rất nhiều lần để họ thực sự nắm được. Tư duy, nhận thức đôi lúc còn hạn chế, nên việc định hướng phát triển sao cho đúng rất khó khăn", bà tâm sự.
Là người gắn bó cả đời với nghề thủ công, bà Bảy không giấu được nỗi trăn trở khi thấy lớp trẻ ngày càng xa rời những giá trị truyền thống. "Tôi sợ lắm, sợ cái nghề này một mai không còn ai tiếp nối. Nghề thủ công đòi hỏi nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, nhưng các cháu trẻ thì ngại khó, ngại khổ. Có lúc tôi thấy buồn khi tay nghề không được truyền lại, như một ngọn lửa đang dần lụi tàn" bà Bảy bùi ngùi chia sẻ.
Cùng chung suy nghĩ với bà Bảy, anh Hứa Đại Dương, Giám đốc HTX Định Yên (Quảng Nam), tâm sự với phóng viên báo Dân Việt: "Doanh nghiệp của tôi sản xuất chuyên về sản phẩm các dòng bánh tráng, mì quảng sấy khô, phở, từ nguyên liệu chính là gạo với sản lượng 100 tấn/năm, nên việc quay vòng vốn để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng là điều rất cần thiết. Thời gian gần đây, thị trường liên tục xuất hiện những xu hướng mới lạ, công nghệ hiện đại và để không bị "lạc hậu", doanh nghiệp phải thay đổi không ngừng. Nhưng điều này đòi hỏi một nguồn vốn quay vòng rất lớn, vừa để gia tăng sản xuất, vừa để phát triển sản phẩm bắt kịp xu thế".
Anh Dương bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ với các chính sách vay vốn ưu đãi và lãi suất hợp lý. "Nếu có được sự hỗ trợ kịp thời, người nông dân và doanh nghiệp có thể yên tâm hơn, không chỉ tăng trưởng sản xuất mà còn phát triển bền vững" anh chia sẻ, ánh mắt đầy kỳ vọng.
Không chỉ đối diện với khó khăn về nguồn vốn, anh Dương còn phải thích nghi với những thách thức của thời đại số hóa. Anh đang nỗ lực đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử, nhằm mở rộng thị trường và tạo ra sự nhận diện thương hiệu tốt hơn cho làng nghề.
"Nghe thì có vẻ dễ, nhưng khi thực sự bắt tay vào làm mới thấy, không phải ai cũng nắm bắt được hết cách vận hành các nền tảng trực tuyến. Mình vừa phải học, vừa phải tự tìm cách quảng bá, mà hiệu quả chưa chắc đã đạt như mong muốn" anh Dương thổ lộ.
Trong thời đại số hóa, anh Dương nhận ra rằng, có sản phẩm chất lượng thôi chưa đủ, mà còn cần chiến lược tiếp cận và quảng bá hiệu quả. "Người ở xa giờ chỉ cần nhấn một nút là có thể mua hàng, nhưng nếu không biết cách tiếp cận đúng, sản phẩm tốt đến đâu cũng khó đến tay họ. Nhiều khi, tôi thấy mình như lạc giữa biển thông tin, không biết hướng đi nào là đúng", anh chia sẻ, đầy trăn trở.
Trong những cuộc trao đổi của người nông dân, phóng viên Dân Việt nhận thấy rằng các nông dân đều quan tâm đến vấn đề chính sách và chế tài cho lĩnh vực của mình. Họ bày tỏ mong muốn có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Theo nhiều nông dân, các chế tài hiện nay đôi khi chưa sát với thực tế, dẫn đến khó khăn trong việc vận hành và phát triển doanh nghiệp.
Nhiều nông dân hy vọng Chính phủ có thể điều chỉnh các quy định sao cho linh hoạt hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp nông nghiệp không chỉ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và các ưu đãi khác, mà còn có thể an tâm đầu tư vào công nghệ và đổi mới sản phẩm. "Nếu chính sách được xây dựng phù hợp với từng ngành hàng cụ thể, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường" một người nông dân chia sẻ.
Ngày mai 14/10, chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2024 sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn tại Hà Nội, quy tụ các nông dân xuất sắc và đại diện hợp tác xã tiêu biểu từ 63 tỉnh thành. Sự kiện là dịp để tôn vinh những cá nhân và tổ chức đã có đóng góp to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa ra những sản phẩm chất lượng cao và mang lại sự phát triển bền vững cho làng quê Việt Nam.