Dân Việt

Trình độ doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu phát triển, Tỉnh uỷ Thái Bình chỉ rõ nguyên nhân

Nguyễn Hoà 13/10/2024 19:08 GMT+7
Theo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình, một số cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nhân trong tỉnh chậm đổi mới tư duy, nhận thức chưa sâu sắc về vai trò của đội ngũ doanh nhân và tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải vừa ký, ban hành Chỉ thị số 32 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh này trong thời kỳ mới.

Theo Chỉ thị, những năm qua tỉnh Thái Bình đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Đội ngũ doanh nhân Thái Bình đã vươn lên mạnh mẽ, phát triển cả về số lượng và chất lượng, hoạt động trên cả 3 khu vực công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp.

Tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh Thái Bình có trên 11 nghìn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong thu ngân sách, đặc biệt là thu nội địa từ năm 2021 đã vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng…

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình đã vượt khó vươn lên, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi sản xuất, khẳng định được vị thế, thương hiệu.

Trình độ doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu phát triển, Tỉnh uỷ Thái Bình chỉ rõ nguyên nhân- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình ký, ban hành Chỉ thị số 32 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình về phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh trong thời kỳ mới. Ảnh: Nguyễn Hoà

Tuy nhiên, theo Tỉnh uỷ Thái Bình, số lượng, chất lượng và trình độ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu, nhất là về kiến thức, am hiểu pháp luật; tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu sự liên kết chặt chẽ; nguồn lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và năng lực quản lý doanh nghiệp còn hạn chế.

"Một số doanh nhân chưa tự giác tuân thủ pháp luật, chưa đề cao văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ doanh nhân chưa được thường xuyên quan tâm nên hiệu quả chưa cao" – Tỉnh uỷ Thái Bình đánh giá.

Theo Tỉnh uỷ Thái Bình, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có những yếu tố khách quan do tỉnh Thái Bình có xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nhân trong tỉnh chậm đổi mới tư duy, nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về vai trò của đội ngũ doanh nhân và tiềm năng, lợi thế, thời cơ phát triển của tỉnh.

Một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn tiếp cận vốn, công nghệ, chưa có định hướng đầu tư đúng đắn, chưa nắm bắt các quy định của pháp luật và các cơ hội mới của tiến trình hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân của một số cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương còn hạn chế; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục hành chính…

Để xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Thái Bình lớn mạnh toàn diện, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ doanh nhân Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trình độ doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu phát triển, Tỉnh uỷ Thái Bình chỉ rõ nguyên nhân- Ảnh 2.

Tỉnh uỷ Thái Bình đánh giá, một số doanh nhân chưa tự giác tuân thủ pháp luật, chưa đề cao văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ/TTXVN

Thứ nhất, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Thái Bình có quy mô, năng lực, trình độ và nhận thức chính trị…

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp và công nhân lao động trong các doanh nghiệp tư nhân có giác ngộ về ý thức hệ, cương lĩnh, mục tiêu, lý tưởng của Đảng và khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương, đất nước.

Tăng cường công tác phối hợp, giám sát, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động đầu tư, thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, doanh nhân vi phạm pháp luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống…

Thứ hai, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và các tổ chức đại diện cho các doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh…

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc công khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch ngành, các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh Thái Bình để định hướng doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển lâu dài, bền vững, bảo đảm phù hợp quy hoạch, quyền lợi đầu tư; giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với các hoạt động của doanh nghiệp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức với quyết tâm cao, hành động quyết liệt; xây dựng văn hoá công sở liêm chính, văn minh; đề cao tinh thần trách nhiệm, thái độ tận tuỵ thực thi công vụ…

Quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động theo phương châm "3 điều cần làm" (Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới; làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất), "4 điều cần tránh" (tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả; tránh an phận thủ thường, dĩ hoà vi quý).

Thứ năm, tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn và giúp doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước…

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Thái Bình, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp, đặc biệt ở các ngành kinh tế trọng yếu…

Cuối cùng, xây dựng bản sắc doanh nhân Thái Bình với chuẩn mực cụ thể trong thời kỳ mới trên cơ sở phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, ý thức công dân tuân thủ pháp luật và khát vọng vươn lên làm giàu…