20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam: Sức mạnh nội sinh và khát vọng vươn tầm thế giới
20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam: Sức mạnh nội sinh và khát vọng vươn tầm thế giới
PV Kinh tế
Chủ nhật, ngày 13/10/2024 08:00 AM (GMT+7)
Đối với giới doanh nhân, ngày 13/10 năm nay là ngày có ý nghĩa đặc biệt. Bởi đây là cột mốc đánh dấu tròn 20 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chọn ngày 13/10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".
Việt Nam có 5/2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HIFC) chia sẻ, trước những năm 1986, phần lớn mọi người vẫn quan niệm "sĩ - công - nông - thương", tức thương nhân ở sau cùng.
Nhưng khi Việt Nam đổi mới và “mở cửa” nền kinh tế, trên cơ sở chính sách, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với phương châm đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, lúc bấy giờ thương nhân mới có cơ hội được góp phần đổi mới, xây dựng và kiến thiết kinh tế đất nước.
"Đến năm 2004, giới doanh nhân rất phấn khởi khi giới của mình đã có ngày kỉ niệm, được xã hội, nhà nước thừa nhận. Lần đầu tiên, Việt Nam có ngày truyền thống cho giới doanh nhân, khẳng định sự động viên cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam", ông Hòa chia sẻ.
Dữ liệu thống kê giai đoạn 2004 - 2024, giới chuyên gia đánh giá, đội ngũ DN của nước ta đã phát triển vượt bậc. Từ con số 112.000 DN đã tăng lên 930.000 DN, tương ứng gấp 8,3 lần sau 20 năm. Các DN hoạt động trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đồng thời tạo ra nhiều việc làm trên cả thị trường nội - ngoại địa, xuất khẩu...
Bên cạnh đó, thống kê cho thấy, Việt Nam chỉ có khoảng 5 đại diện trong danh sách 2.000 DN lớn nhất thế giới. Bàn luận về vấn đè này, ông Hòa cho rằng, các DN Việt đều bị trễ 1 khoảng thời gian so với thế giới.
"Sau khi gia nhập, những DN trước đó đã chiếm rất nhiều thị phần, DN Việt cũng cần những đột phá về khoa học công nghệ để được góp mặt vào danh sách đó. Đây là điều khó khăn và con số 5 DN dù ít nhưng cũng rất đáng tự hào", ông Hòa khẳng định.
Ông Hòa nói thêm, đặc biệt là những DN khởi nghiệp, DN nhỏ rất cần sự động viên, quan tâm của Nhà nước. Bởi lẽ, bước ra quốc tế chính là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi nhiều DN chưa kịp lớn đã bị "thâu tóm", không thể lớn hơn và càng không thể ra thị trường nước ngoài.
Niềm tin và khát vọng vươn tầm quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam
Tại talkshow "20 năm: Sức mạnh doanh nhân Việt và khát vọng vươn tầm quốc tế", ông Hòa khẳng định, doanh nhân Việt Nam nói chung có khả năng đương đầu với thách thức, chống chịu với khó khăn, đương đầu với khó khăn và có cả sự nhạy bén. Khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nhân Việt Nam rất mạnh mẽ.
Đồng thời, ông Hòa bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng hãy nhìn DN theo chiều hướng tích cực, trừ một bộ phận thiểu số cố tình lợi dụng để trục lợi còn lại đại bộ phận đều mong muốn được làm giàu từ hoạt động kinh doanh chính đáng của mình.
"Trong quá trình có thể nhận thức, cách làm chưa đúng, rất mong các cơ quan quản lý kịp thời điều chỉnh, gợi ý, định hướng cho DN đi đúng trở lại quỹ đạo đúng", ông Hòa nói.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG TP. HCM, về phần mình, các DN Việt trong tâm thế người đi sau, đang phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về phát triển xanh, phát triển bền vững… DN phải tìm ra được sự khác biệt để khẳng định chỗ đứng, vị thế của sản phẩm, dịch vụ.
DN phải thích ứng, nắm bắt được sự thay đổi và tìm ra con đường riêng để trụ vững ở sân nhà, làm nền tảng vươn xa. DN Việt Nam đi sau DN các nước nên cần có đột phá về khoa học, công nghệ. Hành trang vươn ra thế giới không thể thiếu tầm nhìn toàn cầu, chiến lược, tư duy quản trị, con người toàn cầu...
Trong khi đó, ông Danny Võ (Võ Thành Đăng), Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (TP. HCM) nói thêm, để hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế, trước hết DN cần thay đổi tư duy toàn cầu, đầu tư ngoại ngữ và tận dụng kênh kết nối của cộng đồng doanh nhân kiều bào để hiểu và tiếp cận thị trường các nước.
Để nắm bắt "thời cơ vàng cho thương hiệu Việt", DN phải làm thế nào để sản phẩm, đặc biệt là thương hiệu của mình chiếm được trái tim của khách hàng trong và ngoài nước. Theo đó, DN cần sự hậu thuẫn của nhà nước và người tiêu dùng trong nước để DN vững vàng trên sân nhà trước khi đi xa ra sân khách.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh đến, hành trình vươn tầm của DN rất cần sự quan tâm của nhà nước trong thúc đẩy chính sách, đặc biệt là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thể chế hóa mạnh mẽ hơn nữa những chính sách đó trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.