Kế hoạch 298-KH/TU ngày 7/10/2024 nhấn mạnh định hướng đến năm 2030, đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Tỉnh Bình Phước phải trở thành "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ.
Từ đó, Tỉnh ủy Bình Phước đã cho rằng, phải thống nhất nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết, phối hợp chặt chẽ với Trung ương và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Đặc biệt, theo Tỉnh ủy Bình Phước, phải tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm như: Cao tốc Bắc Nam phía Tây - đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước và Tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương.
Được biết, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, được thực hiện từ năm 2024 và dự kiến hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Còn dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km (đoạn qua TP.HCM khoảng 1,7km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km và đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 7km). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 24.274 tỷ đồng. Trong đó vốn nhà nước tham gia 12.137 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân là 12.138 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng hoàn thiện trước 2025.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Huỳnh Thị Hằng, việc xây dựng 2 tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Phước, sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc quốc gia.
Hai tuyến cao tốc gồm: Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và cao tốc Bắc-Nam phía Tây - đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước), sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sẽ góp phần hình thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Tạo ra trục giao thông quan trọng, làm tiền đề phát triển các khu hạ tầng dọc theo tuyến đường. Nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. Từ đây sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng đất phía Nam của đất nước.