Sáng 15/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao. Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo ông Mãi, TP.HCM được xác định là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của công nghiệp văn hóa chưa được khai thác đúng mức, các thiết chế văn hóa - thể thao của thành phố chưa được đầu tư, phát triển ngang tầm với kinh tế.
"Đến giờ này, TP.HCM chưa thể đăng cai SEA Games, chưa được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện của khu vực, châu lục và thế giới. TP.HCM cũng phải là nơi được lựa chọn để tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn có tầm vóc khu vực, châu lục. Đây là những điều chính quyền thành phố rất băn khoăn", ông Mãi nói.
Ông Mãi hy vọng thông qua hội nghị, các nhà văn hóa và nhà đầu tư sẽ đóng góp ý kiến để TP hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Ông cũng kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, một lĩnh vực không đem lại lợi nhuận cao nhưng cần sự sự đam mê và trách nhiệm. Do đó, chính quyền cam kết sẽ đồng hành để tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh và cơ chế chính sách.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, TP.HCM đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương, với các cơ chế ưu đãi so với nhiều địa phương khác. Gần đây, TP đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, mang lại các cơ chế và chính sách nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - xã hội. TP sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chính sách này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là dịp để Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết, TP đang kêu gọi đầu tư cho 40 dự án, trong đó 23 dự án đã được HĐND TP thông qua danh mục đầu tư.
Trong số này, 5 dự án có tính khả thi cao sẽ được ưu tiên triển khai trước, 18 dự án còn lại đang mời gọi các nhà đầu tư cùng nghiên cứu và đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Nhiều dự án trọng điểm tại Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Quốc gia Rạch Chiếc và Khu Trường đua Phú Thọ được kỳ vọng sẽ trở thành những biểu tượng mới của TP.
Ngoài ra, Sở VH-TT đã giới thiệu Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Dựa trên tiềm năng, lợi thế và tính đặc thù, TP đã chọn 8 lĩnh vực ưu tiên phát triển gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang. Ngày 25/10/2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4853 phê duyệt đề án này.
Mục tiêu của đề án là phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của TP.HCM sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, TP sẽ hỗ trợ các mô hình đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này.
Về chỉ tiêu phát triển, đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm, đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sẽ đạt khoảng 12%/năm và doanh thu từ ngành này sẽ chiếm khoảng 7 - 8% GRDP, ước tính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội của TP khoảng 148.000 tỷ đồng vào năm 2030.