Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo chuyên đề bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý
Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo chuyên đề bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý
Xuân Huy
Chủ nhật, ngày 15/09/2024 14:47 PM (GMT+7)
Tại chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định tuyến Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng với vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức khai giảng chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với 865 cán bộ lãnh đạo, quản lý đối tượng 3 năm 2024.
Tại buổi khai giảng, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo chuyên đề Kết quả phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM 5 năm giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, người đứng đầu UBND TP.HCM đề cập đến kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2026-2030.
Về một số dự án giao thông quan trọng trong tương lai, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về dự án đường Vành đai 4 và cho biết dự án này có tổng chiều dài khoảng 207km, trong đó đoạn qua địa bàn TP.HCM là 3,8km.
Khái toán tổng mức đầu tư dự án này hơn 128.063 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 39.827 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 30.882 tỷ đồng). Trong đó, đoạn Vành đai 4 do UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền khoảng 14.089 tỷ đồng.
Đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong việc giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án này, UBND TP.HCM đã phối hợp với Bộ GTVT và UBND các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất cần nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM đến năm 2035 đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, toàn diện, thận trọng, kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Theo đề án, đến năm 2025, TP.HCM phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 183km, đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng. Đến năm 2045, thành phố đưa vào khai thác khoảng 168,3km, đảm nhận 40-50% thị phần vận tải hành khách công cộng. Đến năm 2060, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 158,6km, đảm nhận 50-60% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM là đến năm 2035 cần khoảng 34,8 tỷ USD. Đến năm 2045 cần vốn khoảng 26,1 tỷ USD; đến năm 2060 là khoảng 40,6 tỷ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.