Bộ GDĐT dự kiến bốc thăm môn thi vào lớp 10 để làm gì?

Nguyệt Minh Thứ ba, ngày 15/10/2024 07:58 AM (GMT+7)
Về dự thảo bốc thăm môn thi thứ 3 cho học sinh thi vào lớp 10, tại TP.HCM có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, trong đó dự kiến quy định thi 3 môn vào lớp 10.

Bốc thăm môn thi vào lớp 10: Nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng  - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM trong kỳ vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Tại TP.HCM, kỳ thi vào 10 là một kì thi rất áp lực khi chỉ có 70% học sinh đỗ các trường công lập. Ảnh: Lê Tiến

Cụ thể, trong dự thảo nêu 2 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển. Đối với thi tuyển, dự thảo quy định số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, ngữ văn và một môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.

Tại TP.HCM, từ lâu 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh đã được chọn là môn thi vào lớp 10. Đặc biệt, trong tháng 9, sở GDĐT TP.HCM ban hành đề thi minh hoạ vào lớp 10 cho 3 môn học này theo chương trình mới. Trước dự thảo mới, phóng viên Dân Việt đã ghi nhận ý kiến của học sinh, phụ huynh và giáo viên tại TP.HCM. 

Dự thảo mới: Kẻ ủng hộ, người không

Là học sinh lớp 9 Trường THCS Phú Thọ (quận 11, TP.HCM), Nguyễn Hải Đăng có ý kiến khác với số đông. Thay vì giữ nguyên 3 môn thi vào 10 bao gồm toán, ngữ văn, tiếng Anh, Đăng muốn được thay tiếng Anh bằng một môn tự chọn khác. 

"Em rất mong muốn có thể thi một môn tự chọn khác, chẳng hạn như tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. Em cảm thấy  tổ hợp Khoa học tự nhiên học dễ hơn, đồng thời đó cũng là những môn em muốn tập trung học để thi đại học sau này. Các bạn trong lớp em cũng có nhiều bạn chung suy nghĩ với em", Đăng nói. 

Bình luận trên các diễn đàn học tập, nhiều học sinh tại TP.HCM bày tỏ mong muốn giữ nguyên 3 môn thi vào 10 như cũ. Theo khảo sát gần đây của báo Tuổi Trẻ Online, 78% bạn đọc đồng ý thi vào 10 với 3 môn thi toán, tgữ văn, tiếng Anh. 

Chị Nguyễn Minh Anh (Gò Vấp, TP.HCM), phụ huynh có con đang học lớp 9 cho biết: "Gia đình tôi đã đầu tư cho cháu đi học tiếng Anh từ nhỏ, theo tôi thấy, Tiếng Anh là một môn học rất cần thiết, là hành trang để các con bước vào cuộc sống một cách vững chắc. Vậy nên, tôi không muốn phải đổi tiếng Anh thành một môn học khác". 

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, cô Phạm Thị Minh Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình cho biết 100% giáo viên trong trường đều đồng ý giữ môn thi cũ. 

"Môn tiếng Anh từ lâu đã là môn học được TP.HCM chú trọng để dạy các em học sinh,  ngay cả phụ huynh cũng đầu tư cho con em học rất nhiều, vì thế, đối với học sinh tại TP.HCM, việc tiếp tục thi vào 10 bằng tiếng Anh không phải quá khó. Cùng với đó, năm nay là năm đầu tiên các em được thi theo chương trình mới, Sở GDĐT TP.HCM cũng đã ban hành cấu trúc đề thi cho 3 môn này, nên tôi rất mong muốn giữ nguyên môn thi như cũ", cô Hồng chia sẻ. 

Nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho dù có phải bốc thăm môn thi 

Bốc thăm môn thi vào lớp 10: Nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng  - Ảnh 2.

Để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10, học sinh nên chủ động ôn tập kiến thức, không học vẹt, không học lệch, học đến đâu chắc đến đó. Ảnh: Lê Tiến

Thay vì lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ dự thảo mới, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GDĐT quận 12 (TP.HCM) cho biết, ông đã chỉ đạo các trường trong quận phải trên tinh thần sẵn sàng với mọi thay đổi có thể xảy ra, không học vẹt, không học lệch, học đến đâu chắc đến đó. 

Theo ông Hùng, chọn môn học nào thì học sinh cũng phải học. Trong trường hợp chọn môn tiếng Anh, lợi thế ở chỗ đây là môn học được quan tâm. Nhưng nếu chọn môn bốc thăm, thì các em sẽ phải quan tâm đều hết các môn. 

Trả lời về việc nếu lựa chọn môn thi dưới hình thức bốc thăm, học sinh liệu có bị ảnh hưởng bởi thời gian ôn tập ngắn, ông Hùng nói: "Nếu các em không học tủ, mà tập trung ôn luyện đều tất cả các môn ngay từ ban đầu thì sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Phải chủ động học trước khi Bộ công bố môn thi tự chọn". 

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM bày tỏ mong muốn TP.HCM tiếp tục được chủ động lựa chọn môn thi thứ 3. Theo ông Minh, mỗi địa phương sẽ có chiến lược, định hướng phát triển giáo dục khác nhau, tùy vào điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không đánh giá học sinh qua kiến thức một môn học, mà đánh giá phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Vì thế, dù chọn môn thi thứ 3 là môn nào cũng không lo ngại việc học sinh học lệch, chỉ tập trung vào các môn thi.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết nhiều năm trở lại đây, đề thi lớp 10 tại TP.HCM đã luôn có sự đổi mới, theo định hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế của cuộc sống.

Nhiều năm nay, kỳ thi tuyển lớp 10 của thành phố cũng được giữ ổn định với 3 môn thi toán, ngữ văn cùng môn thi thứ 3 là ngoại ngữ và kết quả học tập của học sinh vẫn luôn đảm bảo về mục tiêu, định hướng của chương trình.

Thứ trưởng Bộ GDĐT lý giải việc bộ dự tính lựa chọn hình thức bốc thăm môn thi vào 10

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết việc cố định môn thi lớp 10 có thể gây ra tình trạng học tủ, học lệch nên bộ có tính đến phương án bốc thăm môn thi thứ 3.

Ông Thưởng cho biết bộ đang nghiên cứu các hình thức để chọn môn thứ 3, có thể năm nay thi môn xã hội, năm sau thi tự nhiên, sau nữa môn khác, hoặc có thể rút thăm.

Theo ông Thưởng, Bộ GDĐT đã có khảo sát tổng hợp, đánh giá rất kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 trong 10 năm qua.

Lãnh đạo bộ nhìn nhận phương thức chọn môn thứ 3 "được quan tâm nhất". Nếu để địa phương tự chọn, việc này có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem