Dân Việt

Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế - Thế nào cho phù hợp?

Việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế đang là một trong những biện pháp mạnh mẽ được ngành thuế triển khai. Nhưng nó cũng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là ngưỡng nợ thuế như thế nào thì mới nên áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh.

Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

Về lĩnh vực quản lý thuế và liên quan quản lý thuế, hiện Việt Nam có 3 Luật, gồm: Luật Quản lý thuế 2019; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Ngoài ra còn có Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế 2019.

Theo đó, cơ quan quản lý thuế được quyền áp dụng nhiều biện pháp để buộc người chậm nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, trong đó có biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế đang trở thành một trong những biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ được ngành thuế triển khai. Biện pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ thuế và bảo vệ nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Như vậy, có thể thấy rằng, áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người chậm nộp thuế chúng ta đủ chặt chẽ về mặt pháp lý. 

Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế - Thế nào cho phù hợp? - Ảnh 1.

Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế ở Việt Nam hiện chưa có ngưỡng cụ thể. Ảnh: QT

Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có không ít ý kiến về việc cần thiết bổ sung quy định “ngưỡng nợ thuế” phù hợp với từng đối tượng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nhằm tránh “đánh đồng” người chậm nộp thuế 1 triệu với người chậm nộp 1 tỷ hoặc nhiều hơn nữa. Thực tế, một số trường hợp nợ thuế nhỏ lẻ, không đáng kể nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp này, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và cuộc sống cá nhân.

Đúng là các Luật và Nghị định chưa đưa ra quy định về ngưỡng nợ thuế phù hợp để áp dụng cho từng đối tượng, ví dụ đối với doanh nghiệp nhỏ thì bao nhiêu và doanh nghiệp lớn bao nhiêu được cho là phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng rằng, luật là luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế.

Lý giải cho việc ngành thuế phải áp dụng biện pháp mạnh này trong thời gian qua, đó là số tiền thuế bị chậm nộp càng ngày càng lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024 cơ quan thuế đã ban hành 23.700 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân và doanh nghiệp có nợ thuế, với tổng số tiền nợ lên tới 51.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,07 tỷ USD.

Đó quả thực là con số khổng lồ, bằng xấp xỉ 50% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam cùng kỳ (trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 4,37 tỷ USD – tương đương 107.000 tỷ đồng). Nhờ áp dụng biện pháp mạnh này, cơ quan thuế đã thu hồi được 1.844 tỷ đồng từ 2.873 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy chưa đạt được kết quả như kỳ vọng nhưng con số 1.844 tỷ đồng là con rất khả quan hơn so với trước kia.

Từ đầu năm 2024 tới nay, danh sách doanh nghiệp có người đại diện bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế từ đầu năm 2024 có sự góp mặt của hầu hết mọi ngành nghề, từ xăng dầu, địa ốc, vận tải...

Về quy trình thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế luôn tiến hành rà soát, đối chiếu và xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của từng đối tượng trước khi ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Việc ra thông báo hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn tại Nghị định 126 cũng như Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, dù là biện pháp "cực chẳng đã" mới phải làm, nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh số tiền chậm nộp thu hồi được cho ngân sách, biện pháp này còn thúc đẩy tính tự giác của người nộp thuế. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân, khi nhận được thông báo từ cơ quan thuế, đã nhanh chóng hoàn thành các khoản nợ thuế của mình để không bị ảnh hưởng đến các hoạt động cá nhân và kinh doanh.

Về mặt thực tiễn, tôi hoàn toàn đồng tình với việc ngành thuế áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với người chậm nộp thuế như một biện pháp cưỡng chế. Nếu chúng ta không mạnh tay thay vì những cách thức chỉ phù hợp đối với sự tự giác thì pháp luật sẽ bị nhờn. Nếu không mạnh tay thì làm sao có thể đạt được hiệu quả như quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông...

Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế - Thế nào cho phù hợp? - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Trở lại với những ý kiến chưa thật đồng tình với cơ quan quản lý thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, bên cạnh sự cần thiết bổ sung các ngưỡng nợ thuế thì cơ quan thuế cũng cần xem xét thấu đáo hơn tình trạng hoạt động kinh doanh của người chậm nộp thuế để thấy lý do tại sao họ bị chậm, hoặc còn có lý do là họ không nhận được thông báo chậm nộp thuế…, việc cơ quan thuế nên nghiên cứu bổ sung các ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là hợp lý.

Như đã nói ở trên, ngưỡng này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có kế hoạch thực hiện nghĩa vụ thuế tốt hơn. Còn những lý do khác liên quan đến hoạt động kinh doanh khó khăn, không tiếp nhận thông tin, địa điểm… tôi nghĩ rằng người chậm nộp thuế đã không hiểu hết nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về thuế.

Trên thực tế ở thế giới, các vấn đề vướng mắc về thuế hay vi phạm về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp sẽ bị ràng buộc rất mạnh, thậm chí xử lý khá nặng, bất kể doanh nghiệp đó lớn mạnh như thế nào. Chúng ta có thể thấy rất nhiều trường hợp các cầu thủ, người nổi tiếng... thậm chí đã bị ra tòa hay phải phạt tù vì... nợ thuế.

Trên thực tế, cơ quan thuế hiện triển khai nhiều kênh thông tin để thông báo, nhắc nhở người nộp thuế về nghĩa vụ của họ thông qua các kênh như eTax Mobile, tin nhắn SMS và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. 

Riêng các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, ngoài thông báo gửi đến địa chỉ và qua email đăng ký của người nợ thuế thì cơ quan thuế còn công khai thông tin lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Như vậy, người chậm nộp thuế, dù là ai – cá nhân hay doanh nghiệp và ở vị trí nào đi nữa - cũng cần và nên thường xuyên tra cứu thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế của mình để kịp thời xử lý những hệ quả không mong muốn phát sinh từ việc chậm nộp thuế, nhất là khi bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.