Dân Việt

Tình báo Đức cảnh báo mối đe dọa khủng khiếp với NATO

V.N (Theo Newsweek, RT) 16/10/2024 10:55 GMT+7
Các quan chức tình báo Đức cảnh báo rằng một cuộc đối đầu quân sự giữa NATO và Nga đang "trở thành một lựa chọn" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, NATO cần thêm sức mạnh và tiền bạc để đối đầu với điều mà họ cho là mối đe dọa này.
img

Phát biểu trước Quốc hội Đức hôm 15/10, giám đốc tình báo nước ngoài của nước này, ông Bruno Kahl nói rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào NATO vào năm 2030.

Đây là bình luận mới nhất trong một loạt cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô rộng hơn nhiều.

"Dù muốn hay không, chúng tôi đang đối đầu trực tiếp với Nga" - Karl nói, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu lâu dài của Tổng thống Vladimir Putin là làm suy yếu phương Tây.

Ông Putin sẽ "kiểm tra các ranh giới đỏ của phương Tây và tiếp tục leo thang đối đầu", ông nói thêm.

Kahl cho biết: "Về mặt nhân sự và vật chất, các lực lượng vũ trang Nga có khả năng thực hiện một cuộc tấn công chống lại NATO muộn nhất là vào cuối thập kỷ này".

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Các quan chức Đức từ các cơ quan tình báo trong nước và quân sự cũng lưu ý rằng đất nước của họ, nước ủng hộ lớn thứ hai cho quân đội Ukraine sau Mỹ, đang ngày càng trở thành đối tượng của các hoạt động gián điệp và phá hoại của Nga.

Giám đốc tình báo nội địa Thomas Haldenwang nói trong phiên điều trần: "Hoạt động gián điệp và phá hoại của Nga ở Đức đang gia tăng, cả về chất lượng và số lượng" với việc Nga sẵn sàng "gây nguy hiểm đến tính mạng con người".

Quan chức tình báo này mô tả một hoạt động bị nghi ngờ là phá hoại bao gồm một bưu kiện bốc cháy ngay trước khi được chất lên máy bay chở hàng của DHL tại sân bay Leipzig vào tháng 7.

Ông coi vụ việc là một "tai nạn may mắn", vì "nếu nó phát nổ trên máy bay trong chuyến bay thì đã xảy ra một vụ tai nạn".

Ông Haldenwang tuyên bố rằng Nga đang tìm cách chia rẽ xã hội Đức bằng các vấn đề xã hội hiện có.

Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Martina Rosenberg nói thêm rằng Nga cũng đã tham gia vào một "cuộc trinh sát về việc Đức chuyển giao vũ khí cho Ukraine" cùng với việc khảo sát các dự án huấn luyện quân sự và vũ khí.

Cả ba giám đốc tình báo đều yêu cầu phải làm nhiều hơn nữa để chống lại các hoạt động của Nga trên đất Đức.

Đầu tháng này, một thành viên quốc hội Đức, Sahra Wagenknecht, đã cảnh báo rằng cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đang diễn ra có thể chuyển sang một cuộc đối đầu hạt nhân, điều mà các quan chức Nga thường xuyên ám chỉ, để đáp trả việc các thành viên NATO cung cấp viện trợ và vũ khí cho Ukraine.

Wagenknecht cho biết: "Nếu NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine, điều đó sẽ đến mức Nga sẽ thực hiện một cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự trên lãnh thổ NATO."

Cảnh báo của quan chức này được đưa ra sau khi Nga bày tỏ "ý định rõ ràng" về việc thay đổi học thuyết hạt nhân vào tháng trước, một quyết định mà Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói là "có liên quan đến tiến trình leo thang của các đối thủ phương Tây của chúng ta" liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuần trước, trong bài phát biểu tìm kiếm thêm quyền lực và nguồn tài trợ của chính phủ, người đứng đầu Cơ quan An ninh Anh (MI5), Ken McCallum, cũng đã nêu ra những tuyên bố rằng hoạt động tuyên truyền và sự ngụy tạo của Nga là mối đe dọa lớn.

Moscow đã kiên quyết phủ nhận mọi sự can thiệp vào các cuộc bầu cử nước ngoài hoặc các vấn đề nội bộ khác, thay vào đó cáo buộc rằng Mỹ và các đồng minh đã hợp tác với Kiev để nhắm vào lãnh thổ Nga, dân thường và thậm chí cả các cơ sở hạt nhân.