Tại thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, cuộc tranh giữa các nền tảng hết sức khốc liệt. Lazada của Alibaba, TikTok Shop của ByteDance và Shopee có trụ sở tại Singapore là những cái tên quen thuộc với tốc độ phát triển thần tốc, chiếm lĩnh thị phần lớn trong 5-7 năm qua. Đó là lý do khiến Tiki và Sendo, hai đơn vị TMĐT có yếu tố Việt Nam ngày càng tỏ vẻ đuối sức.
Tiki được "kì lân" công nghệ Việt VNG rót vốn từ tháng 2/2016 với mức vốn ban đầu là 384 tỉ đồng, tương ứng nắm giữ tỉ lệ 38% quyền sở hữu. Sau đó, tỉ lệ sở hữu của VNG tại Tiki giảm về 22,27% tương ứng giá trị vốn góp là 510 tỉ đồng cuối năm 2020. Chỉ sau vài năm, toàn bộ khoản đầu tư của VNG vào Tiki đã "mất sạch" do chịu phần lỗ từ công ty liên kết tương ứng với tỉ lệ sở hữu.
Tương tự, Sendo dù thành lập rất sớm (từ 2012), thậm chí từng nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Thế nhưng, sau dịch Covid-19, sàn thương mại điện tử này đánh mất thị phần khi chỉ nắm vỏn vẹn 4% theo báo cáo cuối năm 2023. Dữ liệu từ Vietdata cho thấy năm 2023, Sendo đạt doanh thu thuần gần 290 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế hàng trăm tỷ đồng.
Shopee, Lazada và TikTok Shop sở dĩ nâng cao thị phần bởi những chính sách "đốt tiền" khủng nhằm hút khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, các nền tảng của Trung Quốc cũng không muốn bỏ qua "miếng bánh béo bở". Sau Taobao, 1688, Shein, đến lượt tân binh Temu bắt đầu "tấn công" thị trường hàng hóa Việt Nam.
Từ giữa năm ngoái 2023, nhà cung cấp ứng dụng mua sắm bình dân Temu, thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử đa quốc gia PDD Holdings (ra mắt 9/2022), bắt đầu mở rộng sang Đông Nam Á với điểm đặt chân đầu tiên là Philippines sau khi thâm nhập vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc chọn Philippines (thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 Đông Nam Á), và Malaysia làm điểm đến do một số yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng hoàn thiện và khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trên trang web.
Chiến dịch của Temu sau đó tiếp tục hướng đến Thái Lan, bắt đầu giao hàng từ tháng 7 vừa qua. Trong diễn biến mới nhất, Temu cũng bắt đầu "tấn công" thị trường Việt. Dù chưa công bố chính thức vào Việt Nam nhưng người dùng Việt đã có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng Temu với phiên bản tiếng Việt với thời gian chờ giao hàng chỉ từ 4-7 ngày và được miễn phí vận chuyển.
Gần đây nhiều người dùng phát hiện trên ứng dụng Viettel Post âm thầm xuất hiện một mục mới có tên Vipo Mall, được giới thiệu là giải pháp mua hàng xuyên biên giới từ các nền tảng nội địa Trung Quốc nổi tiếng như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD.com. Vipo Mall được hiểu là ứng dụng mua hộ, tương tự như Fado, một nền tảng TMĐT mua hộ hàng trên Amazon và giao đến người dùng trong nước.
Chị Diệu Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị không thể "cưỡng lại" các chương trình giảm giá tới 60% và tốc độ giao hàng chỉ từ 4-7 ngày của các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc. Các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ gia dụng có mức giá siêu rẻ với mẫu mã đa dạng, rất hợp với thị hiếu.
Temu, với cách làm của mình, thật sự sẽ tác động lớn tới thị trường hàng hóa Việt Nam, đặc biệt nhiều nhà bán lẻ hoặc chuỗi kinh doanh nhỏ lẻ có lý do để lo lắng. Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc vốn đã rẻ, nhanh, giờ có thêm Temu sẽ mang đến bức tranh thương mại điện tử thêm phần khốc liệt.
Ông Trần Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Viking Việt Nam, chia sẻ với PV Dân Việt rằng, Temu nói riêng và các nền tảng thương mại Trung Quốc đang gây khó thực sự cho các doanh nghiệp Việt bởi họ bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay người dùng, cắt đến hơn 50% khâu trung gian, tức giá thành bán ra sẽ rẻ hơn nhiều so với giá ở cửa hàng.
"Cuộc chơi đang tăng lên độ khó cao. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam rõ ràng vốn khốc liệt sẽ càng khốc liệt, đó là cuộc chơi mà tính đào thải rất rõ. Các sàn trong nước, các nhà bán lẻ phải thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, phải tái cấu trúc để thích nghi với cuộc chơi mới", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, người có kinh nghiệm làm thương mại điện tử hơn 10 năm, những thay đổi mà doanh nghiệp Việt, các nhà bán lẻ cần làm rất rõ ràng, đó là cải tiến hệ thống logistics, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, nhằm phân tích hành vi người tiêu dùng, phải tối ưu hóa quy trình vận hành, nhằm giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng đáp ứng.
Tuy nhiên theo chuyên gia công nghệ, thương mại điện tử Dương Ngô Anh, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hệ thống kho hàng này để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thì cũng là lợi thế lớn, giúp doanh nghiệp Việt bành trướng tại thị trường siêu lớn này là một điều rất đáng để ý.
Sự xuất hiện của các kho hàng này nhìn theo hướng tích cực lại giúp người tiêu dùng Việt có thêm lựa chọn, từ giá thành tốt hơn đến chất lượng tốt hơn. Mặt khác, nó còn là đòn bẩy với hệ thống logistics trong nội địa Việt Nam phát triển. Các nhà quản lý hay các doanh nghiệp trong nước Việt Nam vẫn cứ mãi chấp nhận chuyện cạnh tranh trong thế yếu ngay trên sân nhà một cách vô lý như vậy. Nếu có ý thức của một người Việt Nam yêu nước và có tâm với sự phát triển của đất nước thì chúng ta buộc phải thay đổi chính mình.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục rà soát pháp luật về thương mại điện tử, lưu ý bổ sung quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử qua biên giới đang có xu hướng ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ thương mại điện tử. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử.