Hàng nghìn nhà bán hàng "trắng đơn" trên sàn thương mại điện tử
Hàng nghìn nhà bán hàng "trắng đơn" trên sàn thương mại điện tử
Khải Phạm
Thứ năm, ngày 15/08/2024 07:05 AM (GMT+7)
Không phải cứ lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là sẽ cải thiện doanh số, "trái đắng" doanh số bằng 0 đã được ghi nhận trên 26.000 nhà bán hàng trong quý II/2024 tại Việt Nam.
Bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng mới của ngành bán lẻ ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều nhà bán hàng rất thành công, cũng không ít người nếm trái đắng khi gia nhập thị trường nhiều cạnh tranh này.
Dù doanh thu mỗi gian hàng trên các sàn TMĐT cao, nhưng vẫn có hàng nghìn nhà bán hàng "trắng đơn" trên sàn thương mại điện tử. Ảnh YouNet ECI.
Báo cáo phân tích thị trường của YouNet ECI (công ty phân tích và tư vấn phát triển TMĐT) với 4 sàn lớn ở Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, và Tiki cho thấy những thái cực trái chiều của các nhà bán hàng.
Theo đó, tổng doanh thu của 4 sàn nói trên trong quý II/2024 đạt 87.370 tỷ đồng, mức này ghi nhận tăng trưởng 10,4% so với quý I. Đã có 745,07 triệu sản phẩm (số liệu đã được lọc bỏ các trường hợp số ảo, sản phẩm quà tặng, nhà bán quốc tế) được tiêu thụ trong 3 tháng này và 484.000 nhà bán hàng có doanh thu.
Shopee vẫn đang là sàn có thị phần lớn nhất với 71,4% khi GMV đạt 62.380 tỷ đồng, tăng 16,1%, TikTok Shop đứng thứ 2 với 19.240 tỷ đồng, tương đương chiếm 22% thị phần, tăng 4,8%.
Ở chiều ngược lại, Lazada và Tiki đang tỏ ra ngày càng thất thế khi chiếm 5,9% và 0,7% thị phần trong quý II/2024. Số liệu trên cho thấy, Tiki có mức sụt giảm lớn nhất với 41,4% và Lazada giảm 14,3% so với quý trước.
Cũng theo YouNet ECI, Shopee tiếp tục tăng trưởng dẫn đầu trong quý II là nhờ các hoạt động livestream đa dạng hình thức, liên kết với nhiều KOL đình đám, tạo ra đối trọng với các hoạt động Shoppertainment vốn là thế mạnh của TikTok Shop.
Trong khi đó, TikTok Shop tạo dấu ấn với chuỗi sự kiện mừng "Sinh Nhật Vui Sắm" kéo dài suốt hai tháng 5 và 6. Đặc biệt, quý II nền tảng này ghi nhận liên tục nhiều phiên livestream triệu USD của KOL Diệp Lâm Anh, Quyền Leo, Diệp Lê...
Một thực tế sẽ khiến nhiều nhà bán hàng sắp "lên sàn" sẽ phải cân nhắc khi trong quý II/2024 có đến 26.000 nhà bán hàng không ghi nhận doanh thu.
Cụ thể, quý vừa qua ghi nhận 113.000 nhà bán có doanh thu trên Shopee, giảm 0,6%, TikTok Shop cũng ghi nhận 113.000 nhà bán hàng, nhưng vẫn giảm 7%. Số gian hàng trên Lazada có doanh thu là 104.000, giảm 9,6% và Tiki giảm tới 19,1%, khi chỉ có 8.800 nhà bán hàng có doanh thu từ hoạt động trên sàn.
Qua những số liệu trên, YouNet ECI cho biết, hiện giờ thị trường TMĐT ngày càng phát triển theo hướng chắt lọc, tập trung. Do đó, không phải cứ mở gian hàng trên sàn là sẽ có doanh thu mà cần phải phân tích thị trường để tìm ra hướng đi phù hợp.
Về doanh thu theo tổng giá trị giao dịch (GMV), trung bình mỗi gian hàng trên các sàn TMĐT thu về 179 triệu đồng, tăng 9% so với quý trước. Mỗi gian hàng trên Shopee ghi nhận doanh thu trung bình 239 triệu đồng, tương đương 2,6 triệu đồng/ngày, TikTok Shop là 170 triệu đồng trong quý II và khoảng 1,8 triệu đồng/ngày.
Chia sẻ trong group kinh nghiệm bán hàng online trên mạng xã hội, nhiều thương nhân cho rằng, hiện nay việc cạnh tranh là rất khó khăn bởi số lượng gian hàng liên tục tăng ở mọi ngành hàng.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh bằng giá bán cũng rất khắc nghiệt, nếu giảm giá quá sâu sẽ gần như không lãi bởi phải trừ phí sàn, thuế... Do đó, nhiều người chấp nhận không có doanh thu còn hơn bán hàng mà không có lãi trên các sàn TMĐT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.