Sau khi tạm dừng cải cách tiền lương, trung ương quyết định tăng lương từ 1/7/2024. Theo đó, mức lương cơ sở được tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Do đó, bảng lương của bác sĩ cũng thay đổi theo mức lương cơ sở.
Cách tính lương của y, bác sĩ được tính dựa trên công thức sau:
Tiền lương hàng tháng = Lương cơ bản (2,34 triệu đồng) x hệ số lương. Ngoài khoản tiền lương, y, bác sĩ còn có các khoản phụ cấp. Mức phụ cấp cao nhất bằng 70% tiền lương.
Hiện bảng lương của bác sĩ (cách xếp lương) được quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV như sau:
Các chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ quy định tại Thông tư liên tịch này được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
"Chức danh nghề nghiệp bác sĩ cao cấp (hạng I), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3 (nhóm A3.1), từ hệ số lương từ 6,20 đến hệ số lương 8,00. Như vậy, mức lương cao nhất đạt khoảng 18,7 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này chưa bao gồm phụ cấp, nhiều vị trí bác sĩ có thể nhận phụ cấp lên tới 70% tiền lương.
Chức danh nghề nghiệp bác sĩ chính (hạng II), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78;
Chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng (hạng III) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
Chức danh nghề nghiệp y sĩ được áp dụng hệ số lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06".
Với các bác sĩ, y tá, y sĩ làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập thì mức lương sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.
Theo dự tính, nếu chưa thể cải cách tiền lương thì mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh nhằm bù trượt giá và đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, trong đó có y bác sĩ. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này là bao nhiêu % còn tùy thuộc vào sự cân đối của ngân sách và tình hình liệu có thực hiện cải cách được tiền lương hay không.
Trước đó, trung ương xác định cải cách tiền lương từ 1/7/2024, theo đó xóa bỏ tiền lương cơ sở, thay vào đó ban hành thang bảng lương. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị đầy đủ các bước để cải cách tiền lương, chủ yếu nhất là do chưa ban hành được thang bảng lương mới cũng như căn cứ để xác định tiền lương mới nên trung ương quyết định lùi cải cách tiền lương và chỉ thực hiện tăng lương cơ sở.
Nếu theo tinh thần cải cách tiền lương từ năm 2024, thì từ năm 2025 trở đi tiền lương của công chức, viên chức sẽ tiếp tục điều chỉnh, bình quân tăng thêm 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu chưa thực hiện cải cách tiền lương, nhiều khả năng trong năm 2025 mức tiền lương của khu vực công sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhằm bù trượt giá và cải thiện điều kiện sống cho công chức, viên chức. Trung bình mức tăng lương cơ sở của các thời kỳ trước vào khoảng từ 7-10%, riêng năm 2024 là 30%.