Những điểm mới nhất về lương hưu khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7

Thùy Anh Thứ năm, ngày 20/06/2024 16:02 PM (GMT+7)
Thực hiện cải cách tiền lương, ngoài chính sách tiền lương cho người đi làm, lương hưu cũng đang được Chính phủ, Ủy ban thường Vụ quốc hội bàn thảo với nhiều những điểm mới.
Bình luận 0

Cải cách tiền lương: Bổ sung quy định lương hưu tối thiểu bằng mức tiền lương tham chiếu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung quy định trong dự luật về mức lương hưu thấp nhất bằng mức tham chiếu đối với một số trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, cơ quan thường trực tán thành những nội dung lớn được các cơ quan báo cáo, kiến nghị, tiếp thu, chỉnh lý.

Vấn đề mới nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung quy định về mức lương hưu thấp nhất bằng mức tham chiếu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025 (dự kiến thời điểm luật có hiệu lực), có thời gian đóng bảo hiểm đủ 20 năm trở lên. Đề xuất này dựa trên sự kế thừa nội dung trong Luật BHXH hiện hành.

Những điểm mới nhất về lương hưu khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7- Ảnh 1.

Nhiều điểm mới về tiền lương hưu sẽ được thực hiện từ thời điểm cải cách tiền lương. Ảnh: N.T

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận việc điều chỉnh quy định tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành bổ sung quy định mức lương hưu hằng tháng với trường hợp người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang với nguồn kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được chỉnh lý mới nhất bổ sung quy định chuyển tiếp, đối tượng theo quy định đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày dự luật này có hiệu lực thi hành mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7 tới đây, lương cơ sở được bãi bỏ. Chính vì vậy, dự thảo luật có quy định mức tham chiếu thay thế cho mức lương cơ sở khi bị bãi bỏ để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng (quy định tại khoản 5, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Nhóm nào được tăng lương hưu ở mức cao hơn khi cải cách tiền lương

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung quy định về điều chỉnh mức tăng cao hơn đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 và người có mức lương hưu thấp.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới được tiếp thu, chỉnh lý quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Dự thảo bổ sung thêm một khoản, đó là điều chỉnh mức tăng cao hơn đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 và đối tượng có mức lương hưu thấp. Quy định nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ. Chính phủ sẽ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.

Tại điều khoản chuyển tiếp, dự thảo luật cũng bổ sung quy định, người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995 được tính để hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ.

Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995.

Về nguyên tắc bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng, và có sự chia sẻ giữa những người tham gia. Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng. Điều đó có nghĩa, mức đóng càng cao, thời gian đóng càng dài, thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

Tới đây khi thực hiện cải cách tiền lương, ban soạn thảo luật cũng đã cân nhắc đến khả năng chêch lệch lương hưu giữa các nhóm đối tượng. Kể cả nhóm đối tượng về hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023. Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra từ cuối tháng 5 đến nay, dự luật được đưa ra Quốc hội thảo luận vòng 2. Theo chương trình kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua luật vào 25/6 tới đây. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem