Trung tuần tháng 10, phóng viên chúng tôi đến quán cà phê voi, cà phê chồn Phú An ngay Trạm thu phí Định An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).
Tuy nhiên, chúng tôi đến đây không phải để uống cà phê, mà gặp mặt bác sĩ thú y sở hữu hai cá thể "chúa sơn lâm" duy nhất ở Lâm Đồng.
Gặp ông Phan Đắc Mậu Đại (46 tuổi, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) khi ông đang đi kiểm tra những cá thể động vật trong chính trang trại của mình, đây được xem như là vườn thú gia đình của ông sau 13 năm bén duyên.
Tại đây, ông Đại đang chăm sóc, bảo tồn rất nhiều cá thể động vật quý hiếm như hổ, voi, vượn, chồn gấu...
Trao đổi với phóng viên, ông Đại cho hay, từ năm 1997, ông tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên ngành Thú y và được nhận vào làm việc tại một Công ty du lịch ở Lâm Đồng.
Sau đó, ông Đại tiếp tục học chuyên ngành Thú y tại Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.
Chính ngành học này đã khiến ông "bén duyên" với nghề cứu chữa, nuôi dưỡng, bảo tồn động vật quý hiếm như hiện nay.
Ông Phan Đắc Mậu Đại, bác sỹ thú y nuôi động vật hoang dã ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) bên hai chú voi đang được chăm sóc, bảo tồn trong trang trại của mình.
"Năm 2002, tôi vẫn làm công việc hàng ngày là thăm khám cho những con động vật trong công ty nơi mình làm việc.
Sau đó, có một người từ khu du lịch khác đến để đề nghị giúp họ cứu chữa cho một con voi già bị vấn đề đường ruột. Người này cũng đề cập, chỉ cần cứu được con voi, tiền bạc không thành vấn đề.
Tôi nhận lời và cùng họ đến xem thực hư thế nào. Sau khi thăm khám thì tôi xác định được bệnh của voi, hứa sẽ chữa khỏi cho con voi đó trong 5 ngày.
Thế nhưng, tôi chữa khỏi bệnh cho con voi chỉ trong 3 ngày, tôi được chủ voi trả công 50 triệu đồng, tương đương 7 cây vàng thời điểm đó", ông Đại nhớ lại.
7 con voi-động vật hoang dã khổng lồ đang được ông Đại chăm sóc trong trang trại tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Cũng nhờ số tiền trên mà ông Đại đã có cơ hội để mua đất, dựng nhà, ổn định cuộc sống tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
Sau đó 3 năm, một chú voi tại Đắk Lắk cũng bị ốm và được ông Đại chữa trị. Khi biết chủ voi muốn nhượng lại voi, ông Đại đã ngỏ ý mua và chuẩn bị 100 triệu đồng để mua lại chú voi trên.
Sau khi làm thủ tục chuyển nhượng, voi đã được ông Đại đưa về Lâm Đồng chăm sóc. Tuy nhiên, ông Đại rất khó tiếp cận được chú voi mới mua.
Đưa phóng viên đến bên những con voi trong trang trại của mình, ông Đại chia sẻ: "Sau khi không thể tiếp cận voi, tôi đã liên hệ với người chăm sóc voi trước đó ở Đắk Lắk để được hỗ trợ. Sau nhiều lần trò chuyện, tôi mới được người này tiết lộ, chú voi tôi mua đã bị mù 2 mắt. Tôi rất sốc, bất ngờ khi biết sự thật, nhưng khi sự đã rồi nên tôi đã thuê họ sang Lâm Đồng tiếp tục chăm sóc chú voi.
Dần dần, chú voi được tôi chăm sóc đã quen mùi, quen nơi ở mới và đã khỏe mạnh. Hiện chú voi này đang chung sống cùng 7 con voi khác trong trang trại".
Tận mắt chứng kiến những cá thể động vật như hổ, voi, trăn, vượn, chồn gấu...được chăm sóc chu đáo trong trang trại, phóng viên mới thấy được sự tâm huyết của ông Phan Đắc Mậu Đại.
Các loại động vật đều được chăm sóc theo từng khu riêng biệt, với chế độ khoa học do chính ông Đại đưa ra.
Năm 2005, khi ông Đại đưa chú voi mù từ Đắk Lắk về Lâm Đồng cũng là năm ông quyết định nghỉ việc tại công ty du lịch mình đang làm.
Sau đó, ông chuyển hướng trồng cà phê và làm bất động sản. Từ đó, ý tưởng xây dựng vườn thú gia đình của ông Đại đã hiện ra và dần thành hiện thực.
Kể từ đó, ông Đại đã nhiều lần "giải cứu" các loại động vật quý hiếm như hổ, voi tại nhiều nơi. Hiện, trong trang trại 10ha của mình, ông Đại đang chăm sóc 7 chú voi ở các độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, ông đang chăm sóc, bảo tồn 2 cá thể hổ duy nhất tại Lâm Đồng. Đây là hai chú hổ được ông mua lại tại một vườn thú ở TP. Hồ Chí Minh.
"Năm 2010, một vườn thú tại TP. Hồ Chí Minh đã gặp khó khăn trong việc chăm sóc, bảo tồn 2 cá thể hổ. Khi biết tin, tôi đã đến tìm hiểu và xác định hai cá thể hổ trên vẫn khỏe mạnh, đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Thời điểm đó, giá 2 cá thể hổ trên lên tới 4 tỷ đồng. Để mua được chúng, tôi đã phải về thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay mượn tiền.
Sau khi thực hiện các thủ tục tôi đã đưa cặp hổ trên về Lâm Đồng chăm sóc. Đến nay, đây là 2 cá thể hổ duy nhất được nuôi nhốt tại tỉnh Lâm Đồng", ông Đại nhớ lại.
2 con hổ-loài động vật hoang dã có bộ lông vằn vện to bự nặng hàng trăm kg được ông Đại mua lại với giá lên đến 4 tỷ đồng vào năm 2010.
Hiện, 2 chú hổ này đang được ông Đại chăm sóc trong khuôn viên lồng rộng hàng trăm mét vuông. Hai chú hổ này cũng thường xuyên được du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh thực tế.
Ngoài ra, hiện ông Đại còn đang sở hữu nhiều cá thể động vật quý hiếm như 7 voi, 30 cá sấu, 7 vượn, 40 chồn gấu...
Việc nuôi nhốt, bảo tồn động vật của ông Đại được chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Toàn bộ động vật ông Đại nuôi nhốt đều có giấy tờ, pháp lý rõ ràng.