Bà con mình suốt đời bám rừng bám biển, bám sông bám suối, tề tựu về tham dự một diễn đàn không theo khuôn mẫu, không nặng tính hình thức, hành chính, thứ bậc. Bà con mình mà, khách sáo làm gì!
Về với chuỗi sự kiện lần này, có người từng nhiều lần đến thủ đô, nhưng không ít người đây là lần đầu tiên trong đời mới được đặt chân lên đất Thăng Long, trái tim của cả nước.
Bà con được một lần viếng lăng Bác và nhớ lại lời Bác chỉ bảo: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Bác cũng nhắc nhở cả hệ thống chính trị: "Dân là gốc của nước. Nước lấy dân làm gốc".
Sự kiện diễn ra cởi mở, chan hoà, tiếng nói hòa với tiếng cười. Diễn đàn không phải là nơi "hỏi và đáp", "chất vấn và giải trình", mà cùng nhau kiến tạo tương lai nền nông nghiệp với khát vọng thịnh vượng, hùng cường. "Ba cây": Hội Nông dân, Ngành Nông nghiệp và Nông dân sẽ "chụm lại thành hòn núi cao".
"Ba cây" cộng hưởng tạo sức mạnh và nguồn lực hỗ trợ bà con nông dân đang trên con đường thay đổi. Nông dân thay đổi nông trại sẽ thay đổi, nhiều nông trại thay đổi nền nông nghiệp sẽ thay đổi. Không ai cảm nhận được mùi hương của đất, vị mặn nước bằng bà con. Và chắc chắn cũng không ai hiểu nghề nông bằng bà con đến từ mọi miền đất nước.
Diễn đàn được tổ chức ngay sau cơn bão Yagi, một cơn đại hồng thủy ảnh hưởng một phần ba đất nước. Bão lũ qua đi để lại bao đau thương, mất mát. Đau thương nhưng không bi luỵ. Mất vườn tược, chuồng trại, ao lồng, nhưng không mất niềm tin, ý chí, nghị lực của hàng triệu nhà nông. Còn người là còn của, còn thở là còn gỡ. Quá khứ không thể thay đổi, chỉ có tương lai do mỗi người định đoạt ngay từ hôm nay. Sau cơn mưa phía trước sẽ có cầu vồng.
Thật tự hào về những người nông dân tự mình vượt lên trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn. Những nông dân xuất sắc truyền cảm hứng cho cả xã hội, nhắc nhở mọi người đừng bao giờ bỏ quên người nông dân đâu đó ở một góc nhỏ làng quê. Những thủ lĩnh nông dân đang lan tỏa khát vọng làm giàu cho cộng đồng, làng quê, ngỏ xóm với những sản phẩm OCOP tinh hoa văn hóa Việt.
Những giám đốc HTX làm vai trò cầu nối giữa những nông dân với doanh nghiệp và thị trường. Những điển hình tiên tiến trong chuyển đổi số, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới, chứng minh nông dân đang phát huy vai trò chủ thể và vị trí trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, còn nhiều tâm tư, trăn trở từ những đại biểu nông dân. Thiếu đất mở rộng quy mô sản xuất. Thiếu vốn đầu tư cơ sở chế biến, đáp ứng vòng quay kinh doanh. Thiếu thông tin pháp luật đất đai, xây dựng, kinh doanh. Thiếu hướng dẫn tiêu chuẩn sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường. Thiếu sự hỗ trợ kịp thời của các ngành các cấp.
Mỗi cái thiếu đó không chỉ là vấn đề của người nông dân mà là vấn đề của nền nông nghiệp. Mỗi cái thiếu đó không quan trọng bằng người nông dân thiếu kiến thức, thiếu năng lực. Tháo gỡ những điểm nghẽn của người nông dân là tháo gỡ cho sự phát triển của địa phương, đất nước.
Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra mục tiêu và tầm nhìn mang tính chiến lược: "Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn".
Tạo điều kiện để nông dân phát huy vai trò chủ thể, đứng ở vị trí trung tâm trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là vấn đề quốc gia. Những người nông dân sản xuất theo tập quán truyền thống, đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẽ, sản xuất tự phát, chuyển sang nền nông nghiệp hiện đại còn quá nhiều việc phải làm sau diễn đàn này.
Vốn và đất cùng với cách sử dụng đồng vốn và đất đai như thế nào để hiệu quả, tránh rủi ro là vấn đề phụ thuộc vào năng lực của người nông dân. Năng lực đó đến từ tinh thần ham học hỏi của bà con và bằng sự trợ lực từ Hội Nông dân và Ngành Nông nghiệp. Ông bà mình đúc kết "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống" và dặn dò "Đất màu trồng đậu trồng ngô. Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn".
Đó là hành trình tri thức hóa nông dân, chuyên nghiệp hóa nghề nông. Nông nghiệp đất nước chỉ phát triển bền vững khi cấu trúc từng ngành hàng chặt chẽ, mọi người đi cùng nhau trên suốt hành trình từ sản xuất đến thị trường. Cán bộ Hội Nông dân và cán bộ Khuyến nông đi cùng nhau sẽ cộng hưởng sức mạnh. Trung tâm hỗ trợ nông dân sẽ là không gian huấn luyện nông dân khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, kết nối thị trường.
Nghề nông không chỉ vất vả, "canh một chưa nằm, canh năm đã dậy", mà còn luôn đối mặt với bao rủi ro: Dịch bệnh, thiên tai, giá đầu vào, bất ổn thị trường. Rủi ro còn do sự mong manh trong hợp tác, liên kết. Xã hội biết ơn những người làm ra hạt gạo, con cá, miếng thịt, mớ rau trong bữa cơm hàng ngày trong mỗi gia đình.
Đất nước trân quý thành quả của người nông dân để nông nghiệp nước nhà có những trang sử kỳ tích. Mọi người ứng xử với người nông dân đúng đạo lý làm người: "Ăn trái nhớ người trồng cây".
"Gặp nhau đây, rồi chia tay. Ngày dài như đã vụt qua trong phút giây". Người về với dải đất duyên hải cát trắng. Người ngược lên miền non cao chập chùng. Người trở lại với vùng đồng sông nước. Năm mươi người con theo mẹ lên rừng, năm mươi người con theo cha xuống biển như huyền tích về cuộc chia tay của con Rồng cháu Tiên.
Người dựng lại cơ ngơi sau bão lũ. Người tiếp tục gắn bó với ruộng vườn, chuồng trại, lồng bè, với HTX, nông trại, doanh nghiệp. Cuộc sống tiếp tục vòng quay 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Xã hội không bỏ quên người nông dân như người nông dân không từ bỏ nghề nông bao đời. Mọi người dù đi bốn phương trời cũng sẽ quay về quê cha đất tổ, về để dùng bữa cơm đạm bạc quê nhà với "canh rau muống và cà chấm tương". Về để bà con nông dân không thấy đơn độc trên con đường nhiều trắc trở. Ở đâu có nông dân, ở đó có Hội Nông dân! Ở đâu có nông dân, ở đó có Khuyến nông!
Khi nông dân thông minh sẽ có nền nông nghiệp thông minh!
Khi nông dân chuyên nghiệp sẽ có nền nông nghiệp chuyên nghiệp!
Khi nông dân hạnh phúc, đất nước sẽ hạnh phúc!