Dân Việt

Loại cây làm giàu mới nhất của dân một xã ở Kon Tum, đào chùm củ ngon bán thành công sang châu Âu

Văn Tùng 17/10/2024 14:29 GMT+7
Ngoài việc trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm làm giàu, nông dân xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) còn trồng gừng hữu cơ xuất khẩu sang các nước châu Âu. Đây là cây làm giàu mới nhất của đồng bào dân tộc xã Đăk Na.

Nhiều bà con Xơ Đăng ở xã Đăk Na trước đây chỉ quen trồng mì, cà phê, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm để phát triển kinh tế. 

Kể từ khi Hợp tác xã (HTX) Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông được thành lập, nhiều bà con trong xã đã có thêm hướng đi mới là liên kết trồng gừng hữu cơ xuất khẩu

Trồng các loại cây ra củ có tinh dầu xuất khẩu sang châu Âu

HTX bắt đầu thành lập từ tháng 12/2021. Mục tiêu của HTX nhằm liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số để cùng sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Điều này không chỉ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mà còn thoát nghèo bền vững.

Ông Hà Văn Phương - Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông, cho biết sau khi khảo sát một số vùng đất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, nhận thấy xã Đăk Na phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu gừng hướng đến xuất khẩu. Từ đó, HTX đã kêu gọi, tập hợp người dân tham gia vào chuỗi liên kết trồng gừng, trồng nghệ, trồng tỏi...để đào lấy củ xuất khẩu sang châu Âu.

"Đây là mô hình nói không với phân bón, phun xịt hóa học để ưu tiên xuất khẩu ra thị trường châu Âu. Nhận thấy bà con chủ yếu trồng cây mì, HTX quyết định chọn gừng làm cây chủ đạo để dễ chuyển đổi phương thức sản xuất. Đầu tiên, HTX giúp người dân tiếp cận giống cây mới, sau đó hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, cuối cùng bàn giao để người dân tự quản lý", ông Phương chia sẻ.

Sau khi đi vào hoạt động, HTX phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động được 15 hộ dân người Xơ Đăng trồng thử nghiệm 3ha gừng. UBND xã Đăk Na hỗ trợ củ gừng giống, còn HTX hỗ trợ kỹ thuật trồng gừng, chăm sóc và bao tiêu củ gừng cho hộ dân.

Bà con Xơ Đăng ở vùng cao trồng loại củ sần sùi nhưng không phải sâm để xuất khẩu sang Châu âu - Ảnh 1.

Anh A Blinh (trú thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) bên mô hình trồng gừng hữu cơ xuất khẩu sang châu Âu.

Là một thành viên của HTX, anh A Blinh (trú thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Na, huyện huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cho biết trước đây người dân chỉ biết trồng mì, nhưng thu nhập và năng suất rất thấp. Từ khi chuyển qua mô hình liên kết trồng gừng, bà con phấn khởi khi tìm được hướng đi mới thuận lợi hơn.

"Tôi thấy việc trồng gừng dễ chăm sóc và nhẹ nhàng hơn. Gia đình tôi được HTX hỗ trợ công tác trồng cây giống, chăm sóc, phun thuốc trừ sâu, ký bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá 7.000-10.000 đồng/kg. Mọi người chỉ mất tiền công chăm sóc", anh A Blinh chia sẻ.

Theo ông Phương, trung bình 1ha trồng gừng hữu cơ thu hoạch khoảng 12-15 tấn củ gừng. HTX thu mua cho người dân với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Đây là giá đã bao gồm cả hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và người dân chỉ cần bỏ công chăm sóc. Tính trung bình 1ha, người dân có thể thu lại lợi nhuận khoảng hơn 100 triệu đồng.

Thấy mô hình hoạt động hiệu quả, sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã liên kết được 43 nông hộ của 3 tổ hợp tác tại thôn Kon Chai, thôn Lê Văng và thôn Đăk Riếp 1 (xã Đăk Na). Từ đó, phát triển chuỗi trồng gừng hữu cơ gần 20ha và 10ha nghệ. Tại các điểm trồng, đất đai được cày cuốc theo từng luống, bao bọc bởi giàn lưới.

Ông Phương cho hay, sau khi bà con đã quen với phương pháp trồng, chăm sóc, HTX bàn giao lại kỹ thuật để tự quản lý. Sau đó, chúng tôi lên kế hoạch mở rộng thêm diện tích trồng, ước tính khoảng 100ha gừng, nghệ và tỏi. 

Việc này nhằm tạo ra số lượng sản phẩm nguyên liệu hữu cơ nhiều hơn để phục vụ việc chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Dự kiến đến năm 2027, HTX mở rộng diện tích trồng khoảng 100ha gồm gừng, nghệ và tỏi theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu.

Bà con Xơ Đăng ở vùng cao trồng loại củ sần sùi nhưng không phải sâm để xuất khẩu sang Châu âu - Ảnh 2.

Hiện trên địa bàn xã Đăk Na, huyện huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) có 43 hộ liên kết để trồng 20 ha gừng xuất khẩu sang châu Âu.

Ông A Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na nhận định, việc phát triển mô hình trồng gừng hữu cơ và các sản phẩm cây, củ chứa tinh dầu khác để xuất khẩu sang châu Âu đã mở ra hướng đi mới cho bà con đồng bào dân thiểu số. 

Chính quyền cũng tạo mọi điều kiện để HTX tuyên truyền vận động người dân, phân tích lợi ích từ việc trồng gừng và tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.

"Mô hình trồng gừng hữu cơ xuất khẩu sang châu Âu thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu ngắn ngày của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, với tổng kinh phí trên 2.6 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước. 

Tất cả hộ thành viên, hộ liên kết đều được nhận hỗ trợ, HTX đứng ra tổ chức và hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng hữu cơ. Thời gian tới, chính quyền cố gắng mở rộng thêm diện tích trồng gừng để giúp bà con tạo ra nguồn thu nhập ổn định, từ đó từng bước thoát nghèo bền vững", ông Dũng nhấn mạnh.