Ruộng ở một nơi của Hà Tĩnh, ngỡ dân trồng rau thơm, ai ngờ nhổ lên toàn củ bé tí, thơm nức, bán hết veo

Ánh Nguyệt (TTKN Hà Tĩnh) Thứ ba, ngày 20/08/2024 10:19 AM (GMT+7)
Đất cát pha bạc màu, khó khăn về nước tưới từng là bất lợi của nhiều địa phương ở huyện Can Lộc, (tỉnh Hà Tĩnh) nhưng khi cây hành tăm có mặt, bất lợi bỗng thành lợi thế. Hành tăm là một loại cây gia vị trồng để lấy củ.
Bình luận 0

Đất cát bạc màu là bất lợi, trồng hành tăm lại thành lợi thế

Xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có diện tích lớn đất cát pha bạc màu, lại rất khó khăn về nước tưới nên trước đây nông dân từng trồng lúa cạn và nhiều loại hoa màu nhưng rất bấp bênh, giá trị thấp. 

Tuy nhiên, điều kiện bất lợi này lại là lợi thế Thiên Lộc phát triển một cây trồng đã trở thành thương hiệu của xã này, đó là cây hành tăm. Hiện nay, Thiên Lộc có diện tích trồng cây hành tăm lớn nhất huyện Can Lộc.

Cây hành tăm được đưa vào trồng thử nghiệm tại xã Thiên Lộc từ năm 2014. Ngay những vụ đầu tiên, đồng đất cát pha vốn trước đây không mang lại thu nhập đáng kể, nay đã cho nông dân nguồn thu trung bình hơn 200 triệu đồng/ha nhờ cây hành tăm. 

Hiệu quả kinh tế từ loại cây gia vị trồng lấy củ này vượt ngoài mong đợi nên nhiều hộ gia đình đã mở rộng diện tích.

img

Những cánh đồng cát pha bạc màu, khó khăn về nước tưới ở xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) được nông dân trồng hành tăm-một loại cây gia vị trồng lấy củ.

 

Nông dân xã Thiên Lộc đã cho thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha nhờ cây hành tăm.

Với kinh nghiệm trồng hành tăm là “tháng 7 thì ra, tháng 3 thu về”, đến thời điểm này, toàn xã Thiên Lộc đã có 9/10 thôn tập trung trồng hành tăm với diện tích hơn 130ha. 

Sau 10 năm có mặt ở Thiên Lộc, hành tăm đã trở thành cây hoa màu chủ lực và ngày càng khẳng định được hiệu quả kinh tế trên đồng đất địa phương.

Ông Võ Trường ở thôn Hòa Thịnh (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), lão nông trồng hành tăm lâu năm chia sẻ: Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng lúa cạn và các loại hoa màu khác nhưng do đất cao, không chủ động được nguồn nước nên việc trồng lúa kém hiệu quả, năng suất rất thấp. 

Sau khi xã trồng thử nghiệm hành tăm, thấy thích hợp với thổ nhưỡng ở đây, ông quyết định chuyển đổi sang trồng hành tăm. Theo ông Trường, mỗi sào hành tăm (500m2) cho năng suất từ 3 - 4 tạ, thu nhập khoảng 15 đến 20 triệu đồng, gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây.

Chị Võ Thị Khanh tại thôn Hồng Tân (xã Thiên Lộc) trồng 7 sào hành tăm, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng. 

Chị Khanh cho biết, so với trồng các loại hoa màu khác, trồng hành tăm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. 

"Ở đây đất pha cát, trồng lúa và nhiều cây màu rất khó khăn nhưng lại rất thích hợp cho cây hành tăm phát triển. Trồng hành chi phí không quá cao nhưng thu hoạch mất khá nhiều thời gian và kỳ công, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó, nhưng bù lại giá bán hành tăm luôn cao và ổn định nên chúng tôi rất phấn khởi", chị Khanh nói.

img

Hành tăm vừa có thể sử dụng lá, vừa sử dụng củ để làm gia vị nên nông dân cũng có thể lựa chọn nhiều cách canh tác. 

Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, xã Thiên Lộc đã vận động người dân tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng cây màu kém hiệu quả chuyển sang trồng hành tăm. 

Cùng với đó, từ mục tiêu đưa cây hành tăm trở thành sản phẩm chủ lực trong phát triển nông nghiệp, chính quyền xã đang định hướng xây dựng thương hiệu hành tăm đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm hành sản xuất theo hướng hữu cơ, xã Thiên Lộc đã kết nối tới các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, nhằm giúp bà con nông dân mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập.

Thu nhập gấp mấy lần trồng lúaTrước đây, đa số diện tích đất Cồn Dê thuộc thôn Đồng Huề và Làng Lau ở xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) bị bỏ hoang với đầy cỏ dại. Hàng năm, bà con sản xuất lúa nhưng do đất cao, nguồn nước tưới khó khăn và thời tiết không mấy thuận lợi cho việc trồng lúa nên đa số bà con sản xuất theo hướng “được chăng hay chớ”, một số hộ đã để hoang. 

Qua tìm hiểu thấy cây hành tăm thích ứng rất tốt với điều kiện đất đai của địa phương nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng loại cây này. 

Nhờ trồng hành theo đúng yêu cầu kỹ thuật và sản xuất theo hướng hữu cơ nên hành cho nhiều củ, củ to, sáng, năng suất cao, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

img

Thu hoạch củ hành tăm đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công, nhưng bù lại nông dân có thu nhập khá cao.

không lo về đầu ra sản phẩm do thị trường tiêu thụ rất rộng mở.Đang tập trung thu hoạch những luống hành cuối vụ để kịp giao cho thương lái, ông Tôn Đức Thành tại thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc cho biết: Trước đây gia đình ông chủ yếu trồng lúa cạn và khoai lang nhưng năng suất rất bấp bênh. 

Thấy cây hành tăm chịu được hạn, phù hợp với đất pha cát, có thể tận dụng trồng ở những chân ruộng không có nước, thời gian sinh trưởng khoảng 4 - 5 tháng, trong khi vốn đầu tư ít nên gia đình ông chuyển đổi sang trồng 5 sào hành tăm. 

Sau nhiều gắn bó với cây trồng này và cho thấy hiệu quả kinh tế cao nên năm 2024 gia đình ông tiếp tục mở rộng thêm 2 - 3 sào.

“Trồng hành tăm thu nhập cao gấp mấy lần trồng lúa, lạc”, đó là khẳng định chắc nịch của anh Tôn Đức Quý tại thôn Đồng Huề, xã Vượng Lộc. 

Anh Quý cho biết: “Hành tăm là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, phù hợp với đồng đất địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao nên đã trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập khá cao cho người dân. Hành tăm thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó nên người dân hết sức yên tâm về đầu ra của sản phẩm".

Cách đó không xa, vợ chồng bà Trần Thị Hạnh ở thôn Làng Lau cũng đang tích cực thu hoạch củ hành tăm. Bà Hạnh cho biết: “Trước đây, người dân thôn Làng Lau chúng tôi trồng lúa hoặc các loại rau màu khác nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. 

Gần chục năm trở lại đây, khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã tiến hành chuyển sang trồng cây hành tăm. Những năm qua, cây hành tăm đã thay đổi cuộc sống của bà con. Mỗi sào hành tăm cho năng suất từ 4 - 5 tạ, đem lại thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng".

img

Củ hành tăm là một loại củ gia vị tốt cho sức khỏe, dễ bán, giá cao và ổn định.

Hành tăm vừa có thể sử dụng lá, vừa sử dụng củ để làm gia vị nên nông dân cũng có thể lựa chọn nhiều cách canh tác. 

Có hộ lựa chọn gieo giống dày đến khoảng tháng 7, tháng 8 bắt đầu thu hoạch tỉa hành tươi để bán; có hộ lại lựa chọn đúc theo khóm thưa ngay từ đầu để thu hoạch tập trung vào cuối vụ. Có hộ lựa chọn gieo giống dày đến khoảng tháng 11, tháng 12 bắt đầu tỉa hành tươi để bán. 

Việc tỉa bớt hành tươi để bán vừa cho thu nhập hàng ngày, số còn lại để lấy củ vì bán hành củ cho thu nhập cao hơn. Giá bán hành củ tùy vào thời vụ dao động khoảng từ 60 - 120 nghìn đồng/kg, có thời điểm hành tăm còn đạt 200 nghìn đồng/kg.

Theo kinh nghiệm của những hộ dân trồng hành tăm lâu năm, hành được gieo trồng thành từng luống, sử dụng rơm, vỏ trấu để tạo độ tơi xốp cho đất. 

Đặc biệt, việc sử dụng lá thông để phủ lên luống giúp giảm chi phí, chống được thời tiết nóng, lạnh, nâng đỡ cây non phát triển tốt, tránh được côn trùng, sâu bệnh gây hại và là nguồn bổ sung dinh dưỡng hữu cơ cho cây hành phát triển tốt, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng. 

Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng của hành tăm, người dân cũng thường xuyên phải theo dõi thời tiết để lựa chọn phương pháp chăm sóc theo kinh nghiệm đã tích luỹ được.

Theo ông Đào Sỹ Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh): Toàn xã hiện có hơn 50ha hành tăm. 

Thực hiện lộ trình đưa cây hành tăm trở thành sản phẩm rau màu chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, UBND xã Vượng Lộc đang tập trung tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời xây dựng thương hiệu để tăng năng suất và giá trị cho cây hành tăm.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh): Năm 2023, diện tích hành tăm của huyện đạt 258ha, năng suất 70,48 tạ/ha, sản lượng 1.820 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã Thiên Lộc, Vượng Lộc và Thuần Thiện. Can Lộc là địa phương có diện tích sản xuất hành tăm nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian qua, cây hành tăm đã góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân.
Huyện Can Lộc đang tập trung khuyến khích chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng hành tăm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý “Thiên Lộc” cho sản phẩm hành tăm Can Lộc, đưa cây hành tăm trở thành sản phẩm rau màu chủ lực trong phát triển nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.

Củ hành tăm là củ gia vị ăn tốt cho sức khỏe và giàu chất vi khoáng. Trong 100mg củ hành tăm có 296mg Kali, hàm lượng Kali trong 100mg củ hành tăm cao gần gấp đôi hàm lượng Kali trong 100mg củ đậu.

"Hành tăm, Hành trắng, Nén, Củ nén là một loài thực vật thuộc họ Hành. Đây là loài bản địa châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Nó là loài hành duy nhất hiện diện ở cả Cựu thế giới và Tân thế giới. Loài này được dùng làm gia vị và trong Đông y nó là một vị thuốc. Nó cũng được dùng để kiểm soát sâu bệnh cây trồng". Theo Wikipedia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem