Dân Việt

Vua Tự Đức nhà Nguyễn hồi nhỏ có 2 tên, vì sao nhà vua ra quy định phạt tội nhân phải dùng đúng loại roi?

N.D 17/10/2024 10:42 GMT+7
Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là con thứ của vua Thiệu Trị. Khi nhỏ, Hồng Nhậm còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì. Vì anh trai của ông là Nguyễn Phúc Hồng Bảo ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành nên vua Thiệu Trị trước lúc qua đời đã để di chiếu truyền ngôi cho ông.
Khi được truyền ngôi, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm-tức vua Tự Đức mới 19 tuổi nhưng học hành thông thái.

Đến tháng 10-1847, ông chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Tự Đức, bắt đầu từ năm sau (1848). 

Khi Tự Đức lên cầm quyền, triều đình vẫn cai trị tuân theo phong cách Nho giáo. Vua Tự Đức trị vì đất nước trong 36 năm. 

Ông là vị vua trị vì đất nước lâu nhất trong số 13 đời vua nhà Nguyễn. Theo sử sách, Tự Đức được người đời nhớ đến là vị vua nhân từ, có đức, có tài và luôn hết lòng vì nước, vì dân. 

Vua Tự Đức rất quyết liệt trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính quyền để nhân dân tin tưởng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Vì vậy, vua Tự Đức yêu cầu quan lại đại thần phải chăm lo thực hiện tốt bổn phận và giữ đúng phép tắc thanh liêm. 

Để ngăn chặn và xử lý tham quan, vua Tự Đức giao quan Ngự sử và Án sát điều tra, phát hiện tham nhũng thì xử lý nghiêm để răn đe kẻ khác.

Không chỉ ghét tham quan và kiên quyết trị quan tham, vua Tự Đức còn nghiêm khắc đối với quan lại lạm hình. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, khi thấy nhiều quan lại lạm dụng chức quyền xử án không đúng, dùng nhục hình với phạm nhân, vua Tự Đức đã cải cách pháp luật để trừng trị. 

Năm 1870, vua Tự Đức ban hành danh sách công cụ được phép dùng trong việc tra khảo phạm nhân. Theo đó, các phạm nhân đều có thể bị phạt roi, song mỗi lần không đánh quá 50 roi, không được dùng roi mây lớn và roi sắt. 

Với nghi can trộm cướp có số lượng tang vật lớn lại ngoan cố không nhận tội, quan mới được dùng kìm nguội, kìm nóng tra tấn khắc nghiệt để tìm ra sự việc.

img

Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, vào năm 1870, Chánh tổng Nguyễn Đình Huấn đánh chết 1 dân phu. 

Khi hay chuyện, vua Tự Đức ban đầu định xử chém Nguyễn Đình Huấn, song xét có công dụ được giặc ra đầu thú nên hình phạt thành đánh bằng roi mây lớn, bắt nộp tiền mai táng cho người nhà nạn nhân. Năm 1872, vua Tự Đức quy định, các nha môn tra hỏi tội phạm phải dùng đúng loại roi, không được tự ý thay đổi. 

Vua cũng nhắc đến những vụ án đã bị trừng trị thảm khốc để răn đe các quan lại khác như Lê Huy Tuân dùng ngựa sắt, Trần Vũ dùng chuồng gỗ tra tấn làm tù nhân tử vong.

Theo luật pháp thời đó, nếu tù nhân bị chết đáng tội xử tử thì quan xét án nếu dùng nhục hình trái quy định sẽ bị phạt đánh 60 cái bằng roi mây, lưu đày 1 năm; nếu đáng xử tội lưu đày thì viên quan ấy bị phạt đánh 70 cái bằng roi mây, lưu đày 1,5 năm. Nếu phạm nhân đáng xử tội giam giữ thì quan bị phạt 80 trượng, giam giữ 2 năm. 

Nếu đáng tội bị phạt đánh bằng roi mây, quan bị xử phạt đánh 90 cái bằng roi mây, bắt giam 2,5 năm. Nếu tù nhân đáng xử phạt roi, viên quan đó bị xử đánh 100 cái bằng roi mây, giam 3 năm, nộp tiền mai táng 10 lạng, cấp cho gia đình người chết chi vào mai táng.

Nếu tù nhân do bị tra tấn mà tàn tật, gãy chân, tay thì tùy theo mức độ nặng nhẹ, quan bị xử nặng lên một bậc và chia hạng xét thu tiền, cấp cho người bị tra tấn chi vào tiền thuốc thang. Dù vua ban hành quy định như vậy nhưng một số viên quan vẫn dùng nhục hình. 

Năm 1872, Lê Bá Thận là quan đại thần của triều đình nhưng khi trách phạt con đã dùng nhục hình cắt tai. Biết chuyện, vua Tự Đức rất tức giận và cho rằng làm quan mà tàn nhẫn thì cần nghiêm trị. Vua Tự Đức cũng lấy vụ án Lê Bá Thận làm gương cho các quan để cảnh báo rằng ai dám làm sai luật pháp thì trị tội nặng, biết chuyện mà không tố giác cũng bị xử lý.

Lời bàn:

Từ lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, ở đâu và thời nào cũng xảy ra nạn lạm quyền, lộng quyền. 

Lạm quyền và lộng quyền là hành vi lợi dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân, nhóm lợi ích; là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn hoặc quyền lực để tác động xấu, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 

Và đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất đoàn kết, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và là điều kiện thuận lợi để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bùng phát khi có thời cơ.

Vì vậy, làm thế nào để phòng, chống lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền là câu hỏi được mọi thời đại quan tâm. 

Gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã thấy được an nguy của xã tắc trong công tác cán bộ. Vì cán bộ là lực lượng rường cột của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, quốc gia; cán bộ ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của Đảng... 

Và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng, giải pháp tốt nhất để chống lạm quyền, lộng quyền cũng như phòng, chống tham nhũng hữu hiệu nhất là phải “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”. 

Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên để nâng cao hiệu quả sự kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa, phòng và chống sự tha hóa về quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn...