Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về việc ứng dụng ICT và AI trong giáo dục tại các quốc gia Đông Nam Á và giới thiệu một nền tảng giáo dục trực tuyến toàn diện, giúp việc quản lý lớp học, triển khai chương trình, giảng dạy và học tập hiệu quả hơn trong thời kỳ chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: "AI đang là một xu hướng toàn cầu, được sử dụng để thúc đẩy đổi mới, tinh gọn hoạt động và nâng cao trải nghiệm học tập. Những nhà quản lý trong ngành giáo dục cần có trách nhiệm khám phá và nắm bắt sự phát triển này, đảm bảo luôn đi đầu và cung cấp những điều tốt nhất cho tổ chức và học sinh của mình".
Trong giảng dạy, AI mang đến triển vọng về cá nhân hóa giáo dục, cho phép chúng ta điều chỉnh giáo dục theo nhu cầu và phong cách học tập của từng học sinh. Với AI, chúng ta có thể tạo ra môi trường học tập tương tác và linh hoạt hơn, đảm bảo rằng mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển ở bất kể xuất phát điểm nào.
Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc SEAMEO CELLL nhấn mạnh: "Trong những năm gần đây, việc tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị tổ chức và đặc biệt là trong giáo dục, đã trở thành một xu hướng với tiềm năng định hình lại quá trình quản lý tổ chức trường học và các quy trình học tập".
TS Mỹ Hà chia sẻ thêm: "ICT và AI mở ra những cơ hội chưa từng có để nâng cao kết quả hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng phạm vi học tập vượt ra ngoài môi trường lớp học truyền thống".
Theo UNESCO thì "trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng giải quyết một số thách thức lớn nhất trong giáo dục hiện nay, đổi mới các phương pháp giảng dạy và học tập, và đẩy nhanh tiến độ hướng tới SDG 4".
"AI và ICT không chỉ đơn thuần là những công cụ hỗ trợ mà còn là động lực quan trọng trong việc tái định hình vai trò của nhà quản lý, giáo viên và học sinh trong môi trường làm việc, giáo dục hiện đại", TS Mỹ Hà cho biết.
Các công nghệ này có khả năng đơn giản hóa các quy trình quản lý tổ chức, quản trị trường học, giảm gánh nặng hành chính và giải phóng thời gian quý báu cho đội ngũ quản lý, đặc biệt là giáo viên để họ tập trung vào giảng dạy và tương tác với học sinh.
Các nhiệm vụ như chấm điểm, theo dõi chuyên cần và lập lịch học có thể được tự động hóa, nhờ đó việc quản lý trường lớp hiệu quả hơn.
Bằng cách ứng dụng những công nghệ này, các tổ chức và cơ sở giáo dục có thể nâng cao hiệu quả quản lý tổ chức, quản trị trường học, tạo điều kiện cho các cấp quản lý và giảng viên, giáo viên tập trung hơn vào nhiệm vụ được giao.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng: Bối cảnh ứng dụng AI vào quản trị tổ chức, quản trị trường học và giảng dạy tại một số quốc gia Đông Nam Á; Ứng dụng AI vào quản trị tổ chức, quản trị trường học, vào giảng dạy và xu hướng ứng dụng AI trong tương lai…