Dân Việt

Số phận ly kỳ loạt bất động sản “khủng” trong đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Cao Nguyễn Đông Anh 20/10/2024 08:30 GMT+7
Khép lại hơn một tháng Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bản án đã tuyên, nhưng số lượng “khủng” hàng trăm bất động sản trong đại án này, có rất nhiều số phận ly kỳ, phức tạp, mà các cơ quan chức năng còn phải dày công xác minh và xử lý.

Hàng trăm bất động sản, hàng ngàn bản photocopy sổ đỏ

Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan" đã được Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an công khai tại "Bản kết luận điều tra vụ án…" số 13/BKLĐT-CSKT-P2, ngày 29/5/2024.

Toàn bộ hồ sơ vụ án đã được Bộ Công an chuyển cho Tòa án nhân dân TP.HCM xem xét giải quyết. Đặc biệt, kèm theo đó là danh sách hàng trăm bất động sản liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan, đang bị Bộ Công an ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng. Những bất động sản này nằm rải rác khắp các tỉnh - thành từ Nam ra Bắc và cả ở… nước ngoài.

“Số phận” ly kỳ loạt bất động sản “khủng” trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) - Ảnh 1.

Tòa nhà văn phòng cao cấp Time Square tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Ảnh: T.L

Trong đó, có bất động sản giá trị vài tỷ đồng, nhưng cũng có những tài sản giá trị "siêu khủng" lên lới hàng trăm triệu USD. Mỗi một bất động sản đều mang một số phận khác biệt; có bất động sản thì … số phận không kém phần ly kỳ, dây dưa tới nhiều tổ chức, con người…

Đơn cử như bất động sản tại số 129 Pasteur, quận 3, TP.HCM, do Công ty CP đầu tư Peak View, thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đứng tên sở hữu. Tài sản này đã bị cơ quan điều tra thu giữ bản chính sổ đỏ. Trớ trêu, bất động sản này lại liên quan trong vụ án Vũ Nhôm, được Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cưỡng chế thu hồi theo Bản án giám đốc thẩm ngày 5/12/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.

“Số phận” ly kỳ loạt bất động sản “khủng” trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) - Ảnh 2.

Tòa nhà Thuận Kiều Plaza được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại, tọa lạc tại quận 5, TP.HCM. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lại thể hiện Trương Mỹ Lan đã thông qua Công ty CP Đầu tư Peak View nhận chuyển nhượng tài sản, từ Công ty Nova 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), trước khi vụ án Vũ Nhôm được đưa ra xét xử và có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát.

Đặc biệt, cơ quan điều tra đã thu giữ 1.784 bản photocopy sổ đỏ tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sau khi rà soát, loại trừ, người ta phát hiện có 311/1.784 sổ photocopy không trùng với bản chính sổ đỏ đã thu giữ và không được sử dụng để thế chấp/bảo đảm cho các khoản vay tại SCB.

“Số phận” ly kỳ loạt bất động sản “khủng” trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) - Ảnh 4.

Trung tâm thương mại Union Square, quận 1, TP.HCM. Ảnh: T.L

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát việc thế chấp tài sản; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cung cấp hồ sơ, tình trạng pháp lý và chủ sở hữu hiện tại các bất động sản thể hiện trong 1.784 bản photocopy sổ đỏ nêu trên.

Đáng chú ý, trong vụ án, có tới hàng trăm bất động sản đã liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được cơ quan điều tra phong tỏa, ngăn chặn giao dịch, mà ở đây không thể kể xiết.

Trong đó, phải kể tới 21 bất động sản tại thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Công ty Hoàn Cầu Nha Trang làm chủ sở hữu; 6 bất động sản do Công ty TM Du lịch Hải Phú và Công ty CP Trần Lê Gia Trang (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đứng tên sở hữu…

Chưa kể, danh sách 269 nhà đất cho thuê; sau khi rà soát, loại trừ, xác định còn 30 nhà đất Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho thuê không trùng với bản chính sổ đỏ đã thu giữ…

“Số phận” ly kỳ loạt bất động sản “khủng” trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) - Ảnh 5.

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Ảnh: T.L

Kế đó, là 39 bất động sản được Trương Mỹ Lan khai là của Lan và gia đình, giao cho các cá nhân khác đứng tên sở hữu… dùm. Quá xác minh, có 20 sổ đỏ do các cá nhân đã xuất cảnh đi nước ngoài đứng tên.

Trong đó, những cái tên như: Ngô Văn Khánh đứng tên 6 giấy, Ngô Thanh Phương 1 giấy, Hồ Quốc Minh 2 giấy, Nguyễn Thiện Phước 8 giấy, Văn Xuân Thảo 2 giấy… Thậm chí, có người đã chết đứng tên 5 Giấy chứng nhận QSDĐ.

Chưa kể, có tới 8 bất động sản ở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM mà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đặt cọc 25 tỷ đồng để mua, nhưng chưa kịp hoàn tất việc mua bán, coi như mất cọc.

Choáng váng với hàng chục bất động sản triệu USD ở nước ngoài

Một số bất động sản cao cấp tại Việt Nam do pháp nhân nước ngoài sở hữu liên quan đến Trương Mỹ Lan gồm: Trung tâm thương mại Union Square và Khách sạn Mandarin Oriental Sài Gòn (169 - 171 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) do Công ty TNHH Union Square là chủ đầu tư. Tháng 8/2018, tài sản thế chấp tại SCB được định giá 13.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của Vạn Thịnh Phát thì giá trị trường ước tính khoảng 23.000 tỷ đồng.

“Số phận” ly kỳ loạt bất động sản “khủng” trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) - Ảnh 6.

Bị can Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Giai đoạn 2). Ảnh: T.L

Dự án khu phức hợp Savico Plaza (115 - 117 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) do Công ty Vinaland Việt Nam làm chỉ đầu tư, có giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Tòa nhà 31 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do Công ty Hong Kong Land làm chủ đầu tư. Trương Mỹ Lan khai đã sử dụng pháp nhân cá nhân đứng tên sở hữu 70% cổ phần Công ty Hong Kong Land, ước tính có giá 13 triệu USD (304 tỷ VND).

Trương Mỹ Lan còn đầu tư vào một số bất động sản công nghiệp lớn như: Nhà máy Tanifood (Tây Ninh), Nhà máy Lavifood (Long An) và xưởng sơ chế, bảo quản trái cây Hồng Nguyên Long, do Công ty CP Lavifood (thuộc Vạn Thịnh Phát) sở hữu. Tài sản trên hiện đang thế chấp đảm bảo dư nợ tại 2 ngân hàng hơn 1.015 tỷ đồng.

“Số phận” ly kỳ loạt bất động sản “khủng” trong đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) - Ảnh 7.

Bi can Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan) tại phiên tòa. Ảnh: T.C

Cơ quan chức năng đã thống kê có tới 12 mục tài sản tại Singapore, Anh Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc) do Trương Mỹ Lan và gia đình sở hữu. Đơn cử tại Hồng Kông, có 10 căn hộ có giá từ 1 - 15 triệu USD/căn, hiện đang cho thuê hoặc thế chấp tại các Ngân hàng ở Hồng Kông.

Tòa nhà Nexxus có diện tích hơn 1.000 m2 trên đường Connaught, HK, do Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan) đứng tên sở hữu từ năm 2007, trị giá khoảng 450 triệu USD, hiện đang thế chấp tại ngân hàng. Tương tự, tòa nhà số 8 Lyndhurst Terrace, trị giá 25 triệu USD; Tòa nhà số 198 Wellington, HK, diện tích 1.000m2, trị giá khoảng 200 triệu USD; 1 khách sạn cũ trị giá 80 triệu USD…

Tại Anh Quốc, Chu Lập Cơ mua 2 căn hộ cho con gái Chu Duyệt Phấn vào năm 2013, trong thời gian Phấn du học, trị giá 10 triệu USD.

Chu Lập Cơ cũng mua 2 căn hộ ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho con gái Chu Duyệt Hằng vào năm 2012, trong thời gian Hằng du học ở Trung Quốc, trí giá khoảng 10 triệu USD.

Tại Singapore, tòa nhà số 39 Robinson trị giá khoảng 350 triệu USD do Công ty Vivaland (Singapore) đứng tên sở hữu. Chu Lập Cơ có cổ phần trong công ty này. Cạnh bên là tòa nhà Hotel Telegrap trị giá khoảng 100 triệu USD cũng do Vivaland đứng tên sở hữu.