Dân Việt

Mỗi năm thế giới có 420.000 người tử vong do ăn phải thực phẩm bẩn và 600 triệu người người bị ngộ độc thực phẩm

Khương Lực 18/10/2024 16:15 GMT+7
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), mỗi năm, có hơn 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm và 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm bẩn. Năm 2023 có tới 733 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), năm 2023 có tới 733 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói; 2,8 tỷ người trên toàn thế giới vẫn không thể có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh; mỗi năm, có hơn 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm và 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm bẩn. 

Mỗi năm thế giới có 420.000 người tử vong do ăn phải thực phẩm bẩn và 600 triệu người người bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), mỗi năm có hơn 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm và 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm bẩn. Vì vậy, Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 được tổ chức với chủ đề: "Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn". Ảnh: Khương Lực

Chính vì vậy, ngày 18/20, Bộ NNPTNT phối hợp cùng Liên Hợp quốc tại Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 với chủ đề: "Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn".

Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm với cả thiên nhiên và con người

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thông tin, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 12% GDP của quốc gia (năm 2023), tạo việc làm cho gần 40% lao động và góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: quy mô nông hộ nhỏ chiếm đa số, nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Người sản xuất ít có điều kiện tiếp cận thị trường và thường chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô.

Cùng với đó, nhận thức và hành vi của người tiêu dùng – là chủ thể của hệ thống lương thực thực phẩm – còn hạn chế về dinh dưỡng, về tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm. Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cơn bão Yagi và hoàn lưu bão vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Mỗi năm thế giới có 420.000 người tử vong do ăn phải thực phẩm bẩn và 600 triệu người người bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định, việc đảm bảo tính đa dạng đối với các loại thực phẩm dinh dưỡng cần phải được thực hiện ngay từ trên các cánh đồng, tại từng ngư trường, tại mọi khu chợ, cũng như trên mọi bàn ăn, vì lợi ích của tất cả mọi người. Ảnh: Khương Lực

"Chủ đề Ngày Lương thực Thế giới năm nay đã nhấn mạnh nhu cầu thực phẩm phải mang tính đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, an toàn và bền vững cho tất cả mọi người. Việc đảm bảo tính đa dạng đối với các loại thực phẩm dinh dưỡng cần phải được thực hiện ngay từ trên các cánh đồng, tại từng ngư trường, tại mọi khu chợ, cũng như trên mọi bàn ăn, vì lợi ích của tất cả mọi người", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu cho tất cả các hình thức suy dinh dưỡng – bao gồm thiếu dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, béo phì, và hiện vẫn tồn tại ở hầu hết các nước, ảnh hưởng tới mọi tầng lớp trong xã hội. "Chúng ta cần cùng nhau vun trồng từng cánh đồng, từng mảnh vườn, từng sản phẩm và chia sẻ tấm lòng với bà con nông dân và người tiêu dùng nói riêng cũng như toàn bộ hệ thống lương thực thực phẩm nói chung" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trong bối cảnh đó, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ ban hành, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm với cả thiên nhiên và con người, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Đa dạng thực phẩm, đảm bảo nguồn dinh dưỡng hợp lý cho người dân

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng thực phẩm, bởi đây là điều cần thiết cho nguồn dinh dưỡng hợp lý, cũng như việc đảm bảo sự sẵn có của thực phẩm, khả năng tiếp cận và chi trả cho thực phẩm của tất cả mọi người.

Mỗi năm thế giới có 420.000 người tử vong do ăn phải thực phẩm bẩn và 600 triệu người người bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 3.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng thực phẩm, bởi đây là điều cần thiết cho nguồn dinh dưỡng hợp lý, cũng như việc đảm bảo sự sẵn có của thực phẩm, khả năng tiếp cận và chi trả cho thực phẩm của tất cả mọi người. Ảnh: Khương Lực

Theo báo cáo của (FAO), năm 2023 có tới 733 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói; 2,8 tỷ người trên toàn thế giới vẫn không thể có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh; mỗi năm, có hơn 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm và 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm bẩn.

"Ngay cả ở các nền kinh tế có thu nhập cao, mọi người vẫn đang chọn các loại thực phẩm tiện lợi dù không lành mạnh. Tại Đông Nam Á năm 2022, 36,3% dân số không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh" – ông Rémi Nono Womdim đơn cử.

Ông Rémi Nono Womdim đánh giá, trong ba thập kỷ qua, ở Việt Nam, tỷ lệ dân số không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp nhất cho một chế độ ăn uống lành mạnh, đó là 3,96 USD mỗi người mỗi ngày.

"Bất chấp những thành tựu đáng kể này, cơn bão Yagi, cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam trong ba thập kỷ qua, nhắc nhở chúng ta rằng thời tiết khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới" – ông Rémi Nono Womdim nhận định và đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và thông qua Lộ trình quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Ông Rémi Nono Womdim dẫn lời của Tổng Giám đốc FAO đánh giá: "Việc thực hiện hiệu quả Lộ trình quốc gia - kế hoạch của đất nước về các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và công bằng - có thể mang lại sự thay đổi khẩn cấp để đảm bảo tiến độ thực hiện nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững".