Dân Việt

Thứ cây tốt um ở vùng núi cao nhất Vĩnh Phúc, máy xúc đào bật lên loại "củ loằng ngoằng", bán hút hàng

Hoàng Hà 18/10/2024 18:45 GMT+7
Mô hình trồng cây ba kích của gia đình anh Nguyễn Văn Sô, dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã miền núi có đồng bào DTTS sinh sống; đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc sinh sống, trong đó, có hơn 55.000 người là đồng bào DTTS, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. 

Tỉnh hiện không còn xã đặc biệt khó khăn; 37/40 xã vùng DTTS&MN đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); cơ sở hạ tầng tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tại xã vùng DTTS&MN của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%.

Giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh có 90 HTX với hàng nghìn lao động, trong đó HTX hoạt động về nông, lâm nghiệp chiếm 70%, phi nông nghiệp 30%. 

HTX nông nghiệp bước đầu tạo sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất khu vực miền núi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Điển hình như HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, HTX sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Ngọc Thanh, HTX nuôi cá tầm Tam Đảo, HTX Nấm Tam Đảo…

img

 Mô hình trồng cây ba kích của gia đình anh Nguyễn Văn Sô, dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Trà Hương.

Kinh tế trang trại, chăn nuôi, trồng trọt vùng DTTS&MN ngày càng được chú trọng đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn thực phẩm; hình thành hơn 100 gia trại, trang trại, mô hình điển hình về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt ở các xã thuộc huyện Tam Đảo và huyện Lập Thạch; trang trại chăn nuôi thịt lợn ở các xã Bắc Bình, Quang Sơn (Lập Thạch), Đạo Trù (Tam Đảo); trang trại nuôi gà đẻ, gà thịt ở các xã thuộc huyện Tam Dương; trang trại trồng nho không hạt ở xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên...

Bên cạnh đó là các mô hình phát triển trồng cây cây dược liệu, cây thảo dược quý hiếm trà hoa vàng, ba kích, đinh lăng, đẳng sâm, cà gai leo, nghệ… ở các xã thuộc huyện Tam Đảo. Các mô hình đã phát huy lợi thế, tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân vùng DTTS&MN, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Những năm qua, chất lượng giáo dục đối với học sinh vùng DTTS có chuyển biến tích cực, các chính sách đãi ngộ đối với học sinh, sinh viên, giáo viên người DTTS được thực hiện kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tỉnh đầu tư ngày càng khang trang, đảm bảo công tác dạy và học.

Văn hóa xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được quan tâm củng cố, xây dựng và không ngừng nâng cao, các hoạt động văn hóa được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong vùng đồng bào DTTS&MN, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy giá trị.

Công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được củng cố và hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, trang thiết bị kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng DTTS&MN.

Bên cạnh việc tham mưu triển khai thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ BHYT cho đồng bào DTTS ở các xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết về hỗ trợ hằng tháng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh (mức hỗ trợ bằng 50% mức lương cơ sở).

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tiếp tục chủ trì, tham mưu thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, các mô hình và các nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện.

UBND các huyện, thành phố chưa bố trí nguồn lực thực hiện chương trình năm 2023 (từ nguồn ngân sách cấp huyện) khẩn trương rà soát, lập kế hoạch dự toán đầu tư các nhiệm vụ báo cáo, trình HĐND cùng cấp phê duyệt để bổ sung kinh phí thực hiện.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó hình thành và phát triển vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị; tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng; tập trung bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đồng thời, nâng cấp và bảo vệ các công trình chứa nước, đầu tư chỉnh trang hệ thống công trình tôn giáo khu vực có nhiều đồng bào DTTS sinh sống để phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; thực hiện vai trò chủ đạo trong sản xuất, đảm bảo nông dân được hưởng nhiều ưu đãi hơn khi tham gia HTX.

Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN; gia tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển cơ sở vật chất trường, lớp các cấp học từ mầm non đến THPT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương.

Thực hiện chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS&MN theo 3 nhóm, gồm ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào DTTS&MN; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số chất lượng cho đồng bào; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào DTTS&MN.

Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc liên quan đến quốc phòng và đảm bảo an ninh vùng đồng bào DTTS&MN.

Các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực và chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn, các cấp trực thuộc để thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ của kế hoạch năm 2023 và cả giai đoạn 2022 - 2025.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để đảm bảo hoàn thành các nội dung theo kế hoạch. Các cơ quan, địa phương phối hợp với MTTQ cùng cấp trong triển khai thực hiện các nội dung của chương trình.