Dân Việt

Nông sản Đồng Nai “tự trói buộc” vào vòng kiểm soát chất lượng để thâm nhập chuỗi siêu thị TP.HCM

Trần Khánh 18/10/2024 20:49 GMT+7
Thông qua chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, thực phẩm, nông sản Đồng Nai sẽ có đủ điều kiện đảm bảo an toàn, chất lượng để có cơ hội thâm nhập vào các siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Ngày 18/10, tại Đồng Nai, Sở Công Thương TP.HCM và Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.

Nông sản Đồng Nai hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa

Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, nông sản Đồng Nai có nhiều nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap, hữu cơ.

Nhiều sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Nông sản Đồng Nai “tự trói buộc” vào vòng kiểm soát chất lượng để thâm nhập chuỗi siêu thị TP.HCM - Ảnh 1.

Đặc sản bưởi Tần Triều Đồng Nai sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Ảnh: Trần Khánh

Tuy nhiên, sản lượng nông sản Đồng Nai được tiêu thụ thông qua liên kết vẫn chưa tương xứng với sản lượng thực tế sản xuất. Phần lớn việc tiêu thụ nông sản vẫn chịu sự chi phối từ các thương lái.

Thời gian qua, Sở NNPTNT đã nỗ lực phối hợp đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản Đồng Nai vào hệ thống các siêu thị, các bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, hiện tại, sản lượng nông sản của tỉnh tiêu thụ qua kênh này vẫn còn khá khiêm tốn.

Vì thế, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM sẽ giúp các sản phẩm thực phẩm, nông sản Đồng Nai đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, có cơ hội vào các siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Nông sản Đồng Nai “tự trói buộc” vào vòng kiểm soát chất lượng để thâm nhập chuỗi siêu thị TP.HCM - Ảnh 2.

TP.HCM và Đồng Nai hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, tạo điều kiện cho nhà cung cấp đưa sản phẩm chất lượng vào hệ thống phân phối lớn. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn và yêu cầu cao về an toàn thực phẩm.

Theo ông Phương, thời gian qua, có nhiều địa phương, doanh nghiệp có năng lực, cố gắng áp dụng các giải pháp để đáp ứng đòi hỏi chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đơn vị còn gặp không ít khó khăn, không theo kịp xu thế.

Không riêng gì thị trường TP.HCM, giá cả và chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố quyết định đến sản phẩm.

Sản phẩm chất lượng sẽ có giá tốt. Và nếu không nâng cấp được chất lượng thì rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, giá thấp hơn. Bên cạnh chất lượng, doanh nghiệp cần đầu tư mẫu mã sản phẩm, ông Phương chia sẻ.

Nông sản Đồng Nai “tự trói buộc” vào vòng kiểm soát chất lượng để thâm nhập chuỗi siêu thị TP.HCM - Ảnh 3.

Đại diện nhà phân phối TP.HCM ký kết với nhà cung cấp của tỉnh Đồng Nai tại hội nghị. Ảnh: Trần Khánh

Tại hội nghị, các nhà phân phối lớn của TP.HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ hàng hóa với 10 nhà cung cấp của tỉnh Đồng Nai.

Các mặt hàng của các nhà cung cấp từ Đồng Nai gồm gà thịt, khô gà, rau củ quả tươi và chế biến sẵn (bắp, dưa lưới, bưởi da xanh, mít sấy, chuối sấy…), nước tương, trà và cốm gạo lứt huyết rồng…

Đồng Nai đã xây dựng và triển khai thực hiện được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa.

Nông sản Đồng Nai có sản lượng hàng tháng gần 16.000 tấn thịt, rau củ quả, sản phẩm từ thịt, sữa (13.887 tấn thịt, 1.490 tấn sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, 508 tấn rau, nấm) và hơn 10 triệu quả trứng. Đồng Nai có 241 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 46 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Hiện nay, Đồng Nai có 43 cơ sở giết mổ với tổng công suất 2.820 gia súc/ngày, 48.500 gia cầm/ngày; 47 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thịt heo, gà với quy mô tiêu thụ nguyên liệu 100 nghìn tấn/năm; 150 cơ sở nhỏ lẻ chế biến thủ nông sản phẩm từ thịt với tổng công suất khoảng 1.000 tấn sản phẩm/năm.