Anh đã thực hiện nhiều đề tài khoa học, viết bài báo khoa học và đào tạo thạc sĩ thực hiện đề tài luận văn nghiên cứu về cây lan Kim tuyến.
Trong vòng 10 năm qua, TS Huyên đã và đang thực hiện 5 đề tài nghiên cứu về lan Kim tuyến; trong đó, 2 đề tài cấp tỉnh, 2 đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 1 đề tài cấp Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên.
Nội dung các đề tài tập trung nghiên cứu về: Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống lan Gấm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Nghiên cứu nuôi trồng cây lan Gấm thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh tại Đà Lạt - Lâm Đồng; Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan Gấm tại Đà Lạt - Lâm Đồng; Nghiên cứu quy trình nuôi trồng cây lan Kim tuyến theo hướng canh tác hữu cơ; Nghiên cứu khả năng sinh trưởng và tích lũy hợp chất kinsenoside của cây lan Kim tuyến nuôi trồng trên giá thể các chất hữu cơ tự nhiên.
TS Huyên đã công bố 10 bài báo khoa học nghiên cứu về cây lan Kim tuyến trên các tạp chí khoa học và hội nghị quốc gia.
Đồng thời, anh đã và đang hướng dẫn 5 học viên cao học thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ nghiên cứu về cây lan Kim tuyến; trong đó, 4 học viên đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, 1 học viên sẽ bảo vệ luận văn trong năm 2024.
TS Phan Xuân Huyên nuôi trồng cây lan Kim tuyến trên giá thể dưới ánh sáng trắng của đèn neon trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Anh Huyên chia sẻ: Tây Nguyên nói chung và Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng có điều kiện tự nhiên phù hợp cho nhiều loại cây dược liệu sinh trưởng phát triển. Trong đó, cây lan Kim tuyến là một loại thảo dược quý và có giá trị kinh tế cao.
Y học cổ truyền và y học hiện đại đã nghiên cứu cho thấy, lan Kim tuyến có những tác dụng như: Bồi bổ và tăng cường sức khỏe, bảo vệ gan, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh tiểu đường, béo phì, điều trị bệnh tim mạch, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, kháng viêm...
Chính vì những giá trị trên mà hiện nay cây lan Kim tuyến trong tự nhiên bị khai thác một cách triệt để và dẫn đến số lượng ngày càng giảm dần, do đó, cây lan Kim tuyến đã xếp vào danh mục nhóm thực vật nguy cấp và quý hiếm.
Vì vậy, việc nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây lan Kim tuyến theo hướng không sử dụng chất kích thích sinh trưởng thực vật, phân bón hóa học qua lá, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu dược liệu tốt, phục vụ trong lĩnh vực y học, thực phẩm và mỹ phẩm là vấn đề cần thiết.
Với kết quả nghiên cứu mới trong nhân giống in vitro và nuôi trồng cây lan Kim tuyến, TS Huyên nhận định: Hiện nay, cây lan Kim tuyến được nhân giống theo phương pháp cấy mô có bổ sung các chất kích thích sinh trưởng thực vật BA (Benzylaminopurine), NAA (Naphthyl acetic acid), IBA (Indole-3-butyric acid ), Kinetin… trong môi trường nuôi cấy nhân nhanh và tạo rễ.
Phương pháp nhân giống này tiềm ẩn các chất kích thích sinh trưởng thực vật sẽ tích lũy trong cây lan Kim tuyến, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Nuôi trồng cây lan Kim tuyến theo phương pháp truyền thống ngoài vườn ươm, nhà kính còn nhiều hạn chế như: Phun phân bón hóa học qua lá, thuốc bảo vệ thực vật, tỉ lệ chết của cây cao, tốn nhiều công chăm sóc...
Việc nghiên cứu tìm kiếm phương pháp nhân giống để tạo cây lan Kim tuyến có chất lượng tốt và khắc phục những hạn chế của phương pháp nhân giống truyền thống luôn được quan tâm.
TS Huyên đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu bổ sung các chất hữu cơ tự nhiên (nước dừa tươi, chuối mốc chín, củ khoai tây và hạt đậu nành khô) vào môi trường nuôi cấy lan Kim tuyến thay thế cho các chất kích thích sinh trưởng thực vật.
Anh tiến hành những thí nghiệm bổ sung độc lập và phối hợp các chất hữu cơ tự nhiên trong môi trường nhân giống, kết quả đã tìm ra môi trường nuôi cấy bổ sung kết hợp bốn chất hữu cơ tự nhiên (nước dừa tươi, chuối mốc chín, củ khoai tây và hạt đậu nành khô) là thích hợp cho cây con sinh trưởng tốt trong điều kiện in vitro.
Kết quả sau 4 - 5 tháng nhân giống và nuôi cấy trên môi trường bổ sung các chất hữu cơ tự nhiên, từ mỗi một đốt thân đều tạo thành một cây lan Kim tuyến hoàn chỉnh có đầy đủ thân, lá, rễ.
Nguồn cây lan Kim tuyến này có chất lượng tốt và an toàn, không sợ bị dư lượng chất kích thích sinh trưởng thực vật, có thể sử dụng làm thực phẩm, làm thuốc, ăn sống, nấu canh, nấu lẩu... và cũng có thể sử dụng làm nguồn cây giống để nuôi trồng.
Cây lan Kim tuyến 4 - 5 tháng tuổi đã nuôi cấy trên môi trường bổ sung kết hợp các chất hữu cơ tự nhiên (nước dừa tươi, chuối mốc chín, củ khoai tây và hạt đậu nành khô) được sử dụng làm nguồn cây giống để nghiên cứu nuôi trồng theo phương pháp mới trên giá thể dưới ánh sáng đèn neon trắng trong điều kiện phòng.
Phương pháp nuôi trồng này khắc phục những hạn chế của phương pháp nuôi trồng truyền thống trong điều kiện nhà kính hoặc ở điều kiện vườn ươm phải sử dụng phân bón hóa học qua lá, thuốc bảo vệ thực vật, tốn nhiều công sức chăm sóc và cây thường có tỷ lệ chết cao.
Qua thử nghiệm nhiều loại giá thể trồng và các loại dung dịch dinh dưỡng khoáng đa, vi lượng, kết quả đã tìm ra vụn xơ dừa là giá thể thích hợp để nuôi trồng và dung dịch dinh dưỡng có các thành phần khoáng đa, vi lượng: nito (N), photpho (P), kali (K), canxi (Ca), magie (Mg), sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), mangan (Mn), boron (Bo), molypden (Mo), coban (Co) và iốt (I) là thích hợp bổ sung vào giá thể nuôi trồng cây lan Kim tuyến.
Sau 2 - 3 tháng chăm sóc và nuôi trồng, cây lan Kim tuyến sinh trưởng tốt và có thể thu hoạch làm thuốc, trà, ngâm rượu và sử dụng cho các mục đích khác.
Theo TS Huyên, phương pháp nuôi trồng mới trong điều kiện phòng trên giá thể dưới ánh sáng trắng của đèn neon có những ưu điểm như: Cây lớn nhanh và sinh trưởng tốt, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng thực vật, phân bón hóa học qua lá, thuốc bảo vệ thực vật, không phun nước và tưới nước qua lá, không tốn nhiều công để chăm sóc, đặc biệt là tỉ lệ sống của cây đạt 100%, tiết kiệm được diện tích vì có thể nuôi trồng trên giàn có nhiều tầng.
Phương pháp nuôi trồng này tạo ra nguồn nguyên liệu dược liệu lan Kim tuyến tốt không dư lượng chất kích thích sinh trưởng thực vật, thuốc bảo vệ thực vật và an toàn sử dụng làm thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.