Sau khi nhà máy Thủy điện Tuyên Quang bắt đầu đi vào hoạt động, mực nước dâng cao, nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ cứ thế tăng nhanh tạo điều kiện cho nghề chài lưới phát triển.
Khác với suy nghĩ của mọi người phụ thuộc vào tự nhiên, phát hiện tại địa bàn thôn Nà Mu có vị trí eo ngách rất phù hợp để nuôi cá quây lưới.
Anh Sơn cùng 4 người bạn đã xin ý kiến của UBND huyện Na Hang vào đầu năm 2010, tự hùn vốn để thành lập Tổ hợp tác eo ngách nuôi cá Sơn Phú, đây cũng là hoạt động mở đầu cho phong trào nuôi cá trên lòng hồ đến hôm nay.
Anh Sơn kể, eo ngách ở thôn Nà Mu được anh tình cờ phát hiện trong lần đi đánh cá, cửa eo có chiều dài khoảng hơn 100 m, nhưng phía trong là thung lũng thấp có diện tích đến vài hecta.
Để làm được quây lưới, anh lặn lội sang tận Thác Bà, Yên Bái để học hỏi kinh nghiệm, sử dụng ống sắt vuông 30, cao 18 m, cắm thẳng vào trụ bê tông để đảm bảo an toàn. Khi triển khai, người dân Sơn Phú ai cũng lạ lẫm, họ xì xào, chim trời, cá nước, để có hiệu quả là câu chuyện dài.
Sẵn là người ham học hỏi, cách làm sáng tạo, vụ cá năm 2010, Tổ hợp tác thu lãi hơn 300 triệu đồng, ai cũng vui mừng vì thành quả đầu tiên khi nuôi cá trên lòng hồ.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, giữa năm 2011, sau sự cố bão lũ kèm theo gió mạnh, toàn bộ hệ thống cột, lưới sắt bị gió giật đổ, thêm vào đó, một số người dân lợi dụng trời tối vào đánh bắt trái phép nên cá hao hụt nhiều.
Anh nhớ lại, tuy vậy, năm đó mỗi người trong Tổ hợp tác vẫn có lãi khoảng 30 triệu đồng, nhưng về lâu dài, sẽ không hiệu quả nên mọi người đều đồng ý giải thể Tổ hợp tác và chuyển dần về nuôi cá lồng tại quy mô hộ gia đình.
Anh Phùng Xuân Sơn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) là lớp người đầu tiên mang nghề nuôi cá lồng về xã.
Đầu năm 2012, với số vốn gần 40 triệu đồng, anh Sơn khởi nghiệp với 4 lồng bè nuôi cá bằng gỗ, một phần cũng bởi vốn ít và muốn dành vốn cho chăn nuôi.
Để tiết kiệm chi phí, anh mua lại những xà nhà cũ của người dân, về thuê xẻ, sử dụng toàn bộ đinh 20 cm cố định, thế nhưng sau khi nuôi một thời gian ngắn, bị ngâm nước nhiều, cộng thêm thức ăn cá có nhiều đạm nên bè gỗ nhanh bị mục.
Từ năm 2012 - 2015, anh mất 3 lần làm lại bè, nhớ nhất năm 2014, bè có trắm đen bị hỏng khiến anh thất thoát gần 1 nửa đàn sắp cho thu hoạch, anh trầm ngâm, lúc đó nản lắm, nhưng quyết tâm làm thì phải làm đến cùng, đó là động lực khiến anh cố gắng.
Năm 2015, anh Sơn được vay vốn từ Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về Hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, có được 80 triệu đồng vốn vay, anh cải tạo toàn bộ số lồng cá hiện có thành lồng sắt, có lồng “xịn” sáng loáng, anh chuyển toàn bộ sang nuôi cá lăng, cá trắm đen, kinh tế từ đó dần đi lên.
Đến năm 2018, anh phát triển thành 10 lồng cá như hiện tại, người dân Nà Lạ ngưỡng mộ Bí thư Chi bộ Sơn bởi tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đi trước. Mỗi năm từ nuôi cá anh Sơn thu lãi khoảng 80 triệu đồng.
Anh Sơn đang kiểm tra cá lồng giúp hộ dân trong vùng.
Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, thôn Nà Lạ hiện có 35 lồng cá, cũng là thôn nuôi cá lồng nhiều nhất của xã.
Kinh tế từ cá lồng thực sự đang mang lại hiệu quả, đặc biệt với vai trò là bí thư Chi bộ, anh Phùng Xuân Sơn đang là đầu tàu, cũng là bác sỹ thủy sản cho người nuôi cá trong thôn và trong xã.
Năm 2017, toàn thôn Nà Lạ có 13 hộ nuôi cá với trên 50 lồng, một con số “khủng” trong các địa phương của huyện Na Hang.
Nhưng cuối năm đó, sau khi lũ từ các sông suối dồn về, toàn thôn xuất hiện dịch bệnh lớn, cá chết nổi trắng mặt hồ. Từ lãnh đạo UBND huyện đến các phòng ban chuyên môn nhiều đêm mất ngủ vì không tìm ra nguyên nhân khởi dịch.
Đến cả 13 hộ dân nuôi cá của thôn cũng cảm thấy bất an, nhìn đàn cá chết mỗi ngày một nhiều khiến ai cũng chua xót và muốn dừng lại. Tuy dịch được dập tắt sau khi có chuyên gia tư vấn phác đồ, nhưng đó cũng bài học lớn về công tác phòng trừ bệnh và việc kiểm tra nguồn nước thường xuyên thực sự quan trọng.
Anh Sơn đang kiểm tra sức khỏe đàn cá của gia đình.
Anh Sơn nhớ lại, bị thiệt hại nặng nên đến năm 2018, chỉ còn 8 hộ nuôi cá với 35 lồng như hiện tại. Để giúp mọi người phòng trừ bệnh, anh Sơn tự tìm hiểu thêm qua sách báo, các chuyên gia và tự viết thành 1 cuốn cẩm nang chữa bệnh cho cá bằng thảo dược bởi những nét chữ viết tay nguệch ngoạc.
Trong cuốn sổ mở đầu là quy trình khi xuất hiện bệnh sẽ cần giảm thức ăn tối đa, sử dụng lá xoan buộc 4 góc bè và vôi bột cho vào túi vải để giữa lồng nuôi.
Thấy phóng viên ngạc nhiên, anh Sơn giải thích, vôi khi có sự đung đưa của dòng nước sẽ tự tan nhẹ và sát khuẩn cho cá và cho cả lưới nuôi.
Việc này đặc biệt quan trọng khi đến mùa nước dâng, bởi rác từ các sông suối chảy mắc ở bè sẽ mang theo nhiều mầm bệnh.
Anh Sơn chia sẻ thêm, khi cá có dấu hiệu bỏ ăn, nhất là phát hiện cá bụng to bất thường cần xử lý ngay bằng tỏi và rau sam, tỷ lệ 2 kg tỏi/100 kg thức ăn, tỏi say nhuyễn rồi trộn và để khoảng 1 tiếng mới bắt đầu cho cá ăn, cách này đặc biệt hiệu quả với các loài cá da trơn và rau sam thì vô cùng hiệu quả với cá trắm cỏ.
Những ngày đầu tháng 10, lượng rác trên hồ thủy điện Tuyên Quang do ảnh hưởng của cơn bão số 3 còn nhiều.
Anh Bàn Văn Tăng, thôn Nà Lạ chia sẻ, khoảng vài ngày hôm nay, một số lồng nuôi cá lăng của gia đình đang bị nhiễm nấm vây hàng loạt, gây hao hụt đàn.
Được anh Sơn tư vấn cách ly một phần cá bị bệnh và cá khỏe mạnh, cá bệnh thì sử dụng thuốc kháng sinh liều cao, còn cá khỏe mạnh, hoặc bị nhẹ sử dụng lá xoan, vôi bột sát khuẩn. Đến nay, 2/5 lồng cá đã có dấu hiệu ổn định, cá ăn khỏe trở lại, số lượng cá chết cũng giảm hơn trước.
Anh Sơn tâm sự, ở Sơn Phú hiện có nhiều thôn cũng nuôi cá lồng như Nà Lạ, Bản Tàm, Nà Sảm… muốn làm thủ phủ nuôi cá của huyện thì địa phương có thừa tiềm năng do đây là đầu nguồn, nên có dòng nước động rất thích hợp để nuôi các giống cá da trơn đặc sản.
Nhưng muốn phát triển thực sự bền vững, trước hết là ý thức chăn nuôi của các hộ dân và việc chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm...