Người đàn ông đó là anh Trần Văn Nhận (tên thường gọi là Ma) ở thôn 3 xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).
Những việc phi thường mà “kỳ nhân” khiếm thị này đã làm là từ chinh phục những con ba ba "khổng lồ", những con rắn hung ác, đến chinh phục trái tim của người phụ nữ hiền thảo, nết na để xây dựng một gia đình hạnh phúc, khiến người dân xã vùng núi Bằng Cốc cảm phục.
Lội suối sâu bắt ba ba khủng
Chúng tôi gặp anh Nhận (có biệt danh Ma) vừa đi săn trở về với chiến lợi phẩm là hàng chục cân cá. Khi đến nhà anh Ma, tôi đã tưởng tượng nhiều về người khiếm thị đa tài này, nhưng vẫn phải bất ngờ khi nhìn dáng đi vững chắc, nếu nhìn lần đầu thì khó có thể biết được anh là một người khiếm thị. "Dạo này càng ngày càng hiếm ba ba và rắn, lên tận Yên Bái, Sơn La cũng chỉ bắt được vài cân loại nhỏ, không được con nào to như trước nữa", anh Ma vừa cởi quần áo dính đầy bùn đất tỏ vẻ thất vọng.
Cuộc sống còn khó khăn nhưng tình yêu đã giúp vợ chồng anh Ma vượt lên tất cả.
Để chứng minh cho sự hiện hữu của giống ba ba "khổng lồ" nặng hàng chục cân đã từng xuất hiện ở nơi đây, anh Ma kể lại việc đã bắt được con ba ba to nhất một cách hào hứng: "Tôi nhớ hôm đó là một ngày đầu hè năm 1993, như thường lệ, tôi dắt trâu đi thả, khi đến bờ suối nghe thấy những tiếng động rất lạ nên tôi tiến lại gần. Lắng nghe một lúc, tôi quyết định men xuống, theo phỏng đoán thì đây đích thị là con ba ba hoặc con rùa đá bởi cách đấy mấy hôm có người bảo tôi rằng ở đây có một con ba ba rất to mà chưa ai bắt được, chính vì thế tôi bạo gan nhảy xuống dù biết rằng chỗ này tương đối sâu và nước chảy khá mạnh, nếu không cẩn thận rất có thể sẽ bị cuốn đi”.
Sau khi định vị được nơi phát ra tiếng động, anh Ma lấy một hơi dài để lặn xuống. Ngay lần lặn đầu tiên, anh đã chạm được đúng mai của nó, theo cảm giác thì con ba ba này rất to. Lặn tiếp một lần nữa, “kỳ nhân” này đã bám được vào thân con vật, nhưng làm cách nào để lôi được nó lên là cả một vấn đề.
Anh biết đây là một con ba ba tương đối lớn, rất khoẻ lại nằm trong hang đá, nếu không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, bởi khi trên cạn chúng hơi chậm nhưng khi ở dưới nước lại rất nhanh nhẹn và dữ dằn. Theo kinh nghiệm của người bắt ba ba, để bắt được nhanh nhất phải xác định đâu là đầu, đâu là đuôi của nó và khi xác định được sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Lặn lần thứ ba, anh đã nắm chặt được vào mai ba ba nhưng phải khá vất vả mới đưa được nó lên bờ. Về nhà, người nhà bỏ lên cân, mới biết con ba ba này nặng 31 cân, sau đó anh bán cho một người buôn với giá 900 ngàn đồng.
Đang hào hứng kể về chiến tích, bỗng giọng anh Ma chùng xuống khi hỏi về những tháng ngày lần bước trong bóng đêm. Anh cho biết, sinh năm 1973, là con thứ hai trong một gia đình nghèo khó nhưng mới lên 3, một căn bệnh quái ác đã cướp đi đôi mắt của anh. Từ đó, Ma phải "đồng hành" với bóng đêm, thậm chí những người thân thương nhất của mình như bố, mẹ, anh, em, Ma chẳng thể nhớ được hết mặt, mọi sự nhận biết chỉ qua giọng nói.
Lúc nhỏ, theo đám bạn đi chăn trâu, thấy chúng nhảy xuống suối, mò tôm, mò cá, Ma cũng làm theo mặc dù anh chưa hề biết bơi lội cũng như chẳng nhìn thấy gì.
Ngay trong lần đầu tiên, Ma bị trượt chân, ngã đúng vào chỗ nước sâu, may cho anh đang lúc "dập dìu" thì có cậu bạn túm tóc kéo lên. Cứ tưởng sau hôm đó Ma sợ, nhưng ngược lại Ma càng quyết tâm rồi năn nỉ nhờ mấy người bạn dạy mình tập bơi, tập lặn.
Không ai ngờ được rằng một người khiếm thị như Ma lại học nhanh đến thế, chỉ một thời gian ngắn, Ma có thể một mình mò mẫm ở tất cả những khúc suối, đoạn sông mà chẳng lo sợ.
Cứ buổi sáng lùa trâu đi thả là Ma lại lặn lội mò mẫm. Thành quả ban đầu là những con cua, con cá, sau đó là những con ba ba, con rùa đã mang đến cho Ma một niềm đam mê thú vị về cuộc sống... Sau này, anh quyết tâm vượt lên bóng đen để sống có ích cho gia đình.
Rắn độc chịu thua khi kỳ nhân lấy tay làm mắt
Không chỉ chinh phục những con ba ba khủng, kỳ nhân khiếm thị này còn khiến người ta ngỡ ngàng bởi tài bắt rắn độc. Từ loại cực độc như hổ mang bành, hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia đến loại rắn ráo... cũng đều phải chịu thua khi kỳ nhân lấy tay làm mắt. Bởi trong anh có một nghị lực phi thường cùng giác quan nhạy bén, đặc biệt là lòng can đảm trơ lì.
Chính vì thế, kỳ nhân Ma không ít lần phải đối mặt với cái chết. Với một người bình thường việc gặp rủi ro còn khó tránh khỏi, huống gì Ma là một người khiếm thị thì việc đối mặt với rủi ro càng lớn hơn.
Dù không còn đôi mắt nhưng "kỳ nhân" Ma vẫn làm việc một cách thuần thục.
Kéo tay áo để lộ miếng sẹo, kỳ nhân Ma kể lại những hiểm nguy trong lần đầu tiên gặp rắn độc: "Năm 2007, tôi theo một số người trong thôn sang tận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để tìm ba ba. Hôm đó khi đang mò mẫm, vô tình tôi sờ vào đuôi một con rắn. Chưa kịp phản ứng, tôi đã thấy nhói ở cánh tay, biết là bị rắn cắn nên tôi chỉ biết cố nặn hết máu ra. Tuy nhiên, chưa đầy 5 phút tôi đã ngã gục và chẳng nhớ được gì nữa, cũng may là có người nhìn thấy nên họ đã đưa tôi đi cấp cứu”.
Sau này, mấy người kể lại, trong lúc cõng anh đi cấp cứu họ có gặp được một ông thầy lang người Dao. Ông này rất giỏi chữa trị rắn cắn. Sau 3 ngày nằm li bì chẳng biết gì, đến ngày thứ tư, anh Ma mới cử động được chân tay, lúc này mới biết mình còn sống. Con rắn cắn anh là loại hổ mang chúa, một trong những loại rắn độc nhất, và nguy hiểm nhất hiện nay.
Sau lần chết hụt ấy, cứ tưởng kỳ nhân này khiếp sợ, nhưng ngược lại, anh lại thấy mình bắt đầu có duyên với nghề bắt rắn độc. Học hỏi kinh nghiệm của một số người bắt rắn giỏi có tiếng ở địa phương, tự mình Ma mang đồ nghề lên rừng tìm bắt rắn. Giác quan nhạy bén đã giúp anh kiếm thêm thu nhập cho gia đình từ nghề bắt rắn. "Ba ba ngày càng khan hiếm, vì thế nếu chăm chỉ bắt rắn thì cũng kiếm được vài cân gạo", anh Ma cho biết.
Và hạnh phúc như mơ
Đang say sưa kể chuyện về những chuyến đi săn xa nhà, thì vợ con anh Ma trở về sau buổi làm nương. Nghe tiếng nói từ cổng của người vợ tần tảo, nết na, anh Ma không giấu nổi sự vui mừng: "Nói thật với anh, xa vợ con lâu ngày, tôi nhớ lắm! Ai cũng bảo tôi khiếm thị nhưng mà tôi đã chứng minh cho mọi người thấy, trái tim tôi không mù lòa".
Chị Phùng Thị Viên, vợ anh cũng không giấu nổi sự xúc động khi tôi hỏi về anh và mái ấm gia đình. "Ngày trước, lần đầu tiên gặp, tôi thấy thương cảm cho hoàn cảnh của anh, một mình lủi thủi trong bóng tối. Thế rồi, dần dần từ tình thương, tôi nhận ra mình yêu anh và khi anh ngỏ lời lấy tôi về làm vợ, tôi đã òa khóc vì hạnh phúc. Cưới nhau năm 2002, cuộc sống nhiều lúc khó khăn nhưng anh không bao giờ quát tháo vợ con. Ngoài những ngày đi săn ba ba, rắn, cá, anh ở nhà phụ giúp vợ làm nương, nấu cơm và giặt tã cho con, chăm sóc khi tôi sinh nở".
Một mái nhà tuy đơn sơ và hoàn cảnh gia đình vẫn còn rất nhiều khốn khó, nhưng cả hai vợ chồng anh đều cảm thấy mãn nguyện với tình yêu thương luôn ngập tràn. Đặc biệt, niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi hai con đứa con, một trai một gái luôn chăm ngoan, hiếu thảo. Anh Ma cười hớn hở: "Cuộc sống đã lấy của tôi đôi mắt nhưng lại đền bù cho tôi nhiều điều ý nghĩa!".
PV (ĐSPL)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.